CHIA DI SẢN TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHỨC TẠP: TÌNH HUỐNG 18 – 19 – 20 – 21
TÌNH HUỐNG 18
Vợ chồng ông bà A, B có 4 người con chung là anh C, chị D, chị E và anh F. Ông A qua đời vào tháng 02/2006 có để lại di chúc định đoạt cho bà B 1/4 di sản; cho anh C 1/2 di sản với yêu cầu nếu anh C không nhận thì anh M là người cháu gọi ông là chú ruột được hưởng; còn 1/4 di sản ông không định đoạt trong di chúc.
Sau khi ông A qua đời, anh C mai táng cho ông hết 12.000.000 đồng.
Sau các sự kiện trên, bà B kiện đến Tòa án xin được thừa kế di sản của ông A. Tòa xác định được:
(i) Tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B có 360.000.000 đồng;
(íi) Anh C có đơn gửi đến Ủy ban nhân dân xã BĐ xin nhường quyền hưởng di sản theo di chúc của ông A cho anh M.
a) Giải quyết tình huống
Tài sản chung hợp nhất của ông A, bà B có 360.000.000 đồng, theo đó di sản của ông A trong khối tài sản chung với bà B là: A = 360.000.000 đồng : 2 = 180.000.000 đồng. Di sản còn lại của ông A sau khi trừ mai táng phí: 180.000.000 đồng – 12.000.000 đồng = 168.000.000 đồng.
Bà B được hưởng theo di chúc, B = 168.000.000 đồng : 4 = 42.000.000 đồng.
– Trường hợp anh C nhận theo di chúc thì anh được hưởng 1/2 di sản: C = 168.000.000 đồng : 2 = 84.000.000 đồng.
Phần di sản còn lại của ông A không định đoạt trong di chúc:
168.000.000 đồng – (42.000.000 đồng + 84.000.000 đồng) = 42.000.000 đồng được chia theo pháp luật: B = C = D = E = F = 42.000.000 đồng : 5 = 8.400.000 đồng.
– Trường hợp anh C không nhận: Phần di sản liên quan tới anh C được hưởng theo di chúc nhưng anh không nhận được chia theo pháp luật. Vậy di sản của ông A còn lại được chia theo pháp luật là: 168.000.000 đồng – 42.000.000 đồng = 126.000.000 đồng.
Hàng thừa kế thứ nhất của ông A gồm: Bà B, anh C, chị D, chị E và anh F. Theo đó B = C = D = E = F = 126.000.000 đồng : 5 = 25.200.000 đồng.
b) Nhận xét
Trong trường hợp anh C không nhận di sản theo di chúc thì anh vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật vì không có căn cứ nào để xác định anh C từ chối quyền hưởng di sản chia theo pháp luật.
Tuy trong di chúc ông A đã định đoạt: Nếu anh C không nhận thì anh M là người cháu gọi ông là chú ruột được hưởng. Nhưng pháp luật thừa kế hiện hành không quy định về việc người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế thay thế người từ chối quyền hưởng di sản theo di chúc, do vậy việc ông A chỉ định M thay thế vị trí của anh C nếu anh C từ chối nhận di sản theo di chúc thì yêu cầu này vô hiệu. Phần di sản liên quan đến phần của di chúc vô hiệu được chia theo pháp luật.
Xung quanh vấn đề người lập di chúc có được chỉ định người thừa kế thay thế người được chỉ định trước đó hưởng di sản hay không còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Có quan điểm cho rằng người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế khác thay thế người thừa kế được chỉ định trước nhưng cũng có quan điểm lại cho rằng người lập di chúc chỉ định người thừa kế thay thế người thừa kế được chỉ định trước đó là vô hiệu.
Quan điểm thứ hai hợp lý hơn, vì pháp luật không quy định cho người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế thay thế, nếu người được chỉ định thừa kế theo di chúc từ chối hưởng. Tác giả đồng tình với quan điểm là người lập di chúc hoặc cho người này hưởng hoặc cho người kia hưởng mà không thể chỉ định người thừa kế thay thế, khi người được chỉ định là người thừa kế thứ nhất từ chối hưởng di sản.
TÌNH HUỐNG 19
Vợ chồng ông A và bà B có 3 người con chung là anh C, anh D và anh E. Ông A qua đời vào tháng 4/2006, có để lại di chúc định đoạt 1/2 di sản để di tặng cho C, còn 1/2 di sản giao cho C quản lý dùng vào việc thờ cúng. Sau khi ông A qua đời, bà B kiện đến Tòa án xin được hưởng di sản của ông A. Tòa án xác định được di sản của ông A có 320.000.000 đồng.
a) Giải quyết tình huống
Theo tình huống trên, bà B tuy không bị ông A truất quyền hưởng di sản nhưng di sản của ông đã được định đoạt hết cho di tặng và di sản dùng vào việc thờ cúng, do vậy bà B vẫn được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, bà B = 320.000.000 đồng : 4 x 2/3 = 53.333.333 đồng. Phần di sản còn lại của ông A = 320.000.000 đồng – 53.333.333 đồng = 266.666.667 đồng.
Phần di sản dùng vào việc thờ cúng và di tặng là: Di tặng cho C = di sản dùng vào việc thờ cúng (giao cho C quản lý) = 266.666.667 đồng : 2 = 133.333.333 đồng.
b) Nhận xét
Trong tình huống trên, ông A đã định đoạt di sản di tặng cho C và di sản dùng vào việc thờ cúng và chỉ định C quản lý; di sản của ông A đã được định đoạt hết cho hai khoản trên. Nhưng bà B là vợ của ông A, theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 bà B được hưởng di sản của ông A không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, do vậy bà B được hưởng phần di sản tối thiểu bằng 2/3 của một suất thừa kế chia theo pháp luật như đã được xác định.
TÌNH HUỐNG 20
Vợ chồng ông A và bà B có 2 người con chung là C và D. Ông A và bà B cùng có quyền sử dụng diện tích đất thổ cư 720 m2 có giá 1.400.000.000 đồng và một ngôi nhà cấp IV trị giá 15.000.000 đồng. Ông A qua đời vào tháng 11/2006 có để lại di chúc giao 1/2 diện tích đất thổ cư cho anh C sử dụng suốt đời với điều kiện không được bán, tặng cho, đổi cho người khác và sau khi anh C qua đời, di sản trên lại được chuyển dịch cho các con, các cháu của anh C và điều kiện trên vẫn phải được tôn trọng. Sau khi ông A qua đời, mâu thuẫn giữa bà B và anh C nảy sinh không thể dàn hoà. Qua các sự kiện trên, bà B kiện đến Tòa án yêu cầu chia di sản của ông A. Tòa án xác định được, ngoài những tài sản nói trên, ông A và bà B còn là đồng sở hữu chung hợp nhất số tiền gửi Ngân hàng Công thương M là 60.000.000 đồng.
a) Giải quyết tình huống
Theo tình huống trên, di chúc của ông A không có hiệu lực thi hành vì đây được xem là thừa kế có điều kiện, về loại quan hệ này pháp luật chưa có quy định rõ. Theo nguyên tắc chung của pháp luật thừa kế thì điều kiện này không có giá trị pháp lý vì giới hạn của thời hiệu khởi kiện về thừa kế (10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế).
Tổng tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B = 720 m2 đất thổ cư (1.400.000.000 đồng) + 15.000.000 đồng + 60.000.000 đồng = 1.475.000.000 đồng. Vậy di sản của ông A = 1.475.000.000 đồng : 2 = 737.500.000 đồng.
Toàn bộ di sản của ông A được chia theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của ông A gồm B, C và D.
– Chia diện tích đất thổ cư: B = C = D = 360 m’ : 3 = 120 m’;
– Chia tiền: B = C = D = 75.000.000 đồng : 3 = 25.000.000 đồng.
Về ngôi nhà cấp IV, bà B nhận ngôi nhà hoặc C hoặc D nhận ngôi nhà thì có nghĩa vụ hoàn trả cho hai người thừa kế cùng hàng mỗi người 5.000.000 đồng. Về ngôi nhà, những người thừa kế có thể có thỏa thuận khác như bán nhà để chia tiền…
b) Nhận xét
Qua tình huống trên, nhận thấy di chúc của ông A xét về thực tế không hẳn là không phù hợp nhưng về vấn đề này pháp luật không có quy định cụ thể và còn bị hạn chế bởi thời hiệu khởi kiện về thừa kế.
TÌNH HUỐNG 21
Ông A và bà B kết hôn vào năm 1960, có 2 người con chung là anh C và chị D. Ông A qua đời vào tháng 3/2006, có để lại di chúc cho anh C hưởng 100.000.000 đồng với điều kiện có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu Q 13 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ cho đến khi đủ 18 tuổi.
Sau khi ông A qua đời, bà B kiện đến Tòa án xin được thừa kế di sản của ông A. Tòa án xác định được tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B có 960.000.000 đồng.
a) Giải quyết tình huống
Tổng tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B có 960.000.000 đồng. Vậy di sản của ông A = 960.000.000 đồng : 2 = 480.000.000 đồng:
– Nếu anh C chấp nhận thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu Q đến khi đủ 18 tuổi. Theo đó anh C hưởng theo di chúc = 100.000.000 đồng.
Phần di sản còn lại của ông A được chia theo pháp luật là 380.000.000 đồng. Hàng thừa kế thứ nhất của ông A gồm có: bà B, anh C và chị D. Vậy B = C = D = 380.000.000 đồng : 3 = 126.666.666 đồng.
– Nếu anh C không chấp nhận thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu Q cho đến khi cháu đủ 18 tuổi thì toàn bộ di sản của ông A được chia theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của ông A gồm có: bà B, anh C và chị D. Vậy B = C = D = 480.000.000 đồng : 3 = 160.000.000 đồng.
b) Nhận xét
Tình huống trên đặt ra hai vấn đề trái ngược nhau cần giải quyết. Thứ nhất, anh C chấp nhận thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu Q và hưởng 100.000.000 đồng; thứ hai, anh C không chấp nhận thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu Q và không hưởng 100.000.000 đồng theo di chúc của ông A. Trường hợp thứ hai là trường hợp anh C từ chối quyền hưởng di sản theo di chúc nhưng không từ chối quyền hưởng thừa kế theo pháp luật. Vì vậy sự kiện trên được giải quyết theo hai tình huống khác nhau.
Nếu anh C thừa kế theo di chúc và thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu Q, là trường hợp anh C thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi di sản được hưởng theo yêu cầu của ông A. Theo quy định tại khoản 4 Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người lập di chúc có quyền “giao nghĩa vụ cho người thừa kế. Người lập di chúc có quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế thực hiện vì lợi ích chung của cộng đồng hoặc vì lợi ích của cá nhân cụ thể. Tuy nhiên, nghĩa vụ này theo nguyên tắc không thể vượt quá phạm vi giá trị di sản mà người thừa kế được hưởng. Vì giữa người lập di chúc và người thừa kế theo di chúc không giao kết hợp đồng và nghĩa vụ của người thừa kế không phải là nghĩa vụ theo hợp đồng. Người thừa kế không bị ràng buộc bởi những nghĩa vụ do người lập di chúc xác định, cho dù việc thực hiện nghĩa vụ đó là điều kiện hưởng di sản. Quan hệ thừa kế là loại quan hệ pháp luật dân sự, do vậy người thừa kế định đoạt ý chí nhận di sản thừa kế là đã tự nguyện tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự. Người thừa kế có quyền nhận di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản.
Theo tình huống trên, anh C có quyền từ chối hưởng 100.000.000 đồng từ di sản của ông A và anh không có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu Q theo yêu cầu trong di chúc của ông A. Tuy nhiên, nếu người lập di chúc giao nghĩa vụ cho người thừa kế thực hiện nghĩa vụ vượt quá phạm vi giá trị di sản được hưởng mà người thừa kế vẫn chấp nhận thì sự chấp nhận đó có hiệu lực pháp luật.
Tham khảo: Pháp Luật Về Thừa Kế Ở Việt Nam-Nhận Thức Và Áp Dụng
PGS.TS. Phùng Trung Tập
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận