Lãi suất ngân hàng biến động trái chiều trong tháng cuối năm
Trong tuần đầu tháng 12, lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng được điều chỉnh tăng, giảm trái chiều. Theo giới chuyên gia, sự phân hóa sẽ ngày càng rõ rệt hơn khi lãi suất tại một số ngân hàng hoặc một số kỳ hạn vẫn duy trì mức lãi suất cao để thu hút nguồn vốn, trong khi số khác lại giảm lãi suất tiết kiệm nhằm tối ưu hóa chi phí vốn.
Cụ thể, theo biểu lãi suất huy động mới nhất của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), mức lãi suất cao nhất 6,3%/năm tại kỳ hạn 24 tháng đã không còn được duy trì. Thay vào đó, mức lãi suất 5,7%/năm được áp dụng đồng loạt cho tiền gửi kỳ hạn từ 13 đến 60 tháng. Nhưng đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 và 12 tháng, ABBank lại tăng nhẹ lãi suất thêm 0,1%/năm, lên niêm yết mức mới lần lượt là 4,2 và 5,8%/năm tương ứng với 2 kỳ hạn trên.
Còn tại Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank), lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 12 tháng giảm nhẹ từ 0,1-0,2%/năm. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1-2 tháng giảm còn 3,6 và 3,7%/năm; từ 3-5 tháng cũng hạ xuống 3,9%/năm; từ 6-11 tháng xuống còn 5,1%/năm.
Cùng giảm lãi suất còn có Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), lãi suất các kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng tại ngân hàng này hiện niêm yết ở mức 3,8%/năm, giảm 0,1%/năm so với trước đó.
Bên cạnh những điều chỉnh trên, nhiều ngân hàng đang giữ mức lãi suất hấp dẫn nhằm thu hút nguồn vốn lớn.
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống, lên tới 9,5%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng, áp dụng cho số tiền gửi từ 2.000 tỷ đồng trở lên.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) áp dụng lãi suất tiết kiệm cao nhất là 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7%/năm cho 12 tháng. Điều kiện hưởng lãi suất là các sổ tiết kiệm có giá trị từ 500 tỷ đồng trở lên.
Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cũng niêm yết lãi suất đến 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng dành cho số tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên.
Các mức lãi suất hấp dẫn trên mở ra nhiều cơ hội cho cả khách hàng cá nhân và tổ chức có nhu cầu gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, điều kiện đi kèm về số tiền gửi tối thiểu cao có thể hạn chế sự tiếp cận của đa số người gửi tiền.
Về phía các ngân hàng, việc giảm lãi suất giúp tối ưu hóa chi phí vốn nhưng lại đặt ra bài toán duy trì sức hút với khách hàng. Từ đó đòi hỏi chiến lược linh hoạt trong điều chỉnh lãi suất và các chương trình ưu đãi phù hợp.
Theo dự báo từ Công ty Chứng khoán VPBankS, lãi suất huy động trong năm 2025 có thể tăng nhẹ hoặc đi ngang, tùy thuộc vào diễn biến kinh tế và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Sự phân hóa giữa các ngân hàng sẽ trở nên rõ ràng hơn. Các ngân hàng nhỏ được cho là sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất cao để thu hút vốn.
Xu hướng lãi suất năm 2025 cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như mức độ phục hồi kinh tế và lạm phát. VPBankS nhận định đây sẽ là một năm ổn định nhưng đầy thách thức đối với các ngân hàng trong việc cân đối giữa huy động vốn và lợi nhuận.
Lê Phương (TTXVN)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận