CHIA DI SẢN TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHỨC TẠP: TÌNH HUỐNG 22 – 23 – 24
TÌNH HUỐNG 22
Ông A là trưởng dòng họ T tại thôn Đ, huyện E, tỉnh H. Sinh thời, ông A quản lý nhà thờ do cha đẻ của ông là cụ F xây dựng bằng tài sản của mình từ những năm 1930 và dùng vào việc thờ cúng tổ tiên trong dòng họ T. Ông A đã làm tròn bổn phận thờ cúng tổ tiên. Ông A qua đời vào tháng 02/2007, có để lại di chúc định đoạt nhà thờ và toàn bộ đồ dùng vào việc tế lễ cho người con trai trưởng của ông là anh C sở hữu.
Sau khi ông A qua đời, bà B là vợ của ông cùng những người con khác là anh D, chị Q, chị P tranh chấp với anh C về nhà thờ nói trên. Bà B có đơn kiện đến Tòa án yêu cầu chia di sản của ông A. Tòa án xác định được nhà thờ trên là do cụ F xây dựng để dùng làm nơi thờ cúng tổ tiên. Tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B có 720.000.000 đồng,
a) Giải quyết tình huống
Trước hết, xác định di sản của ông A. Theo tình huống trên thì nhà thờ là di sản thừa kế do anh C được hưởng theo di chúc. Tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B có 720.000.000 đồng. Vậy di sản của ông A. = 720.000.000 đồng : 2 = 360.000.000 đồng. Hàng thừa kế thứ nhất của ông A gồm có: bà B, anh C, anh D, chị Q và chị P. Vậy B = C= D = Q= P = 360.000.000 đồng: 5 = 72.000.000 đồng.
b) Nhận xét
Theo tình huống trên, sự cần thiết phải làm rõ những vấn để liên quan đến nhà thờ dòng họ và các đồ dùng vào việc thờ cúng do ông A được thừa kế của cụ F và ông A định đoạt theo di chúc cho anh C hưởng.
Nhà thờ trên có thuộc quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 về di sản dùng vào việc thờ cúng hay không? Để giải đáp câu hỏi đặt ra, cần phải làm rõ nhà thờ đó thuộc quyền sở hữu của ai?
Di chúc của ông A định đoạt cho anh C sở hữu nhà thờ và toàn bộ đồ dùng vào việc thờ cúng mà không phải là trường hợp ông A giao nghĩa vụ quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng cho anh C quản lý. Hơn nữa, nhà thờ thuộc quyền sở hữu của ông A, do đó nhà thờ cũng là một loại tài sản. Ông A có quyền định đoạt tài sản của mình cho bất kỳ ai hưởng theo di chúc. Trong trường hợp này, anh C được hưởng thừa kế nhà thờ và toàn bộ tài sản khác dùng vào việc thờ cúng nhưng anh C không phải là người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng mà là người thừa kế các tài sản đó. Những sự kiện có trong tình huống này liên quan đến nhà thờ không áp dụng theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, anh C hưởng thừa kế nhà thờ như hưởng thừa kế các tài sản khác. Tuy nhiên, Tòa án không xác định giá trị của nhà thờ là bao nhiêu tiền để có cơ sở xác định phần di sản mà anh C được hưởng, theo đó tính phần thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc cho bà B. Đặt giả thiết, nếu nhà thờ tính ra được một khoản tiền thì căn cứ vào đó để xác định phần còn thiếu của bà B theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo cách nhận xét trên, cần phải thống nhất nhận thức là nhà thờ là nơi thờ cúng tổ tiên của dòng họ T. Nhà thờ do cụ F xây dựng, do vậy nhà thờ là tài sản của riêng cụ F. Với tư cách chủ sở hữu của nhà thờ, khi cụ F qua đời không để lại di chúc, di sản của cụ được chia theo pháp luật. Tại hàng thừa kế thứ nhất hưởng di sản của cụ F không còn ai ngoài ông A. Vậy ông A là người hưởng toàn bộ nhà thờ và các đồ dùng vào việc thờ cúng.
Một vấn đề cần giải thích cho rõ là nhà thờ do cụ F xây dựng bằng tài sản của mình cho nên nhà thờ này không thuộc quyền sở hữu chung của cộng đồng dòng họ T. Các thành viên trong dòng họ T không có quyền tài sản đối với nhà thờ đó. Việc thờ cúng tổ tiên thể hiện đạo hiếu của con cháu và là nghĩa vụ tự nhiên, không mang tính chất pháp lý vì cụ F không chỉ định nhà thờ này chỉ được dùng làm nơi thờ cúng. Tuy nhiên, theo phong tục thì nhà thờ là nơi dùng để thờ cúng nhưng nhà thờ là tài sản của ai là căn cứ xác định quan hệ dân sự có đổi tượng là nhà thờ đó của các chủ thể trong một dòng họ, một gia đình, một cộng đồng. Nhưng trong tình huống này, nhà thờ do cụ F tự xây bằng tài sản của cụ, do vậy nhà thờ là tài sản riêng của cụ, là di sản thừa kế sau khi cụ qua đời, mà ông A là người thừa kế di sản này của cụ.
Trong trường hợp anh C không dùng nhà thờ làm nơi thờ cúng dòng họ F mà dùng làm nơi kinh doanh hoặc dùng để ở thì hành vi đó có trái pháp luật hay không? Câu trả lời là không. Vì anh C không phải là người được chỉ định quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015, mà được thừa kế nhà thờ với tính chất thừa kế di sản. Như vậy, anh C không chịu sự điều chỉnh theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nhà thờ đã thuộc quyền sở hữu của anh C với tư cách của người thừa kế di sản theo di chúc, không với tư cách của người được chỉ định quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng. Anh C có quyền tự định đoạt dùng hay không dùng nhà thờ đó để thờ cúng dòng họ T. Tuy nhiên, xét về quan hệ xã hội và quan hệ trong cộng đồng dòng họ T, anh C có thể tự nguyện dùng nhà thờ đó làm nơi thờ cúng mà không thay đổi mục đích sử dụng và vì thế nhà thờ được xây dựng. Về mặt pháp lý, anh C có quyền định đoạt tài sản (nhà thờ) theo ý chí của mình.
TÌNH HUỐNG 23
Ông A và bà B có 3 người con chung là anh C, anh D, chị E. Anh C đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản từ năm 2003, đến năm 2006 anh trở về Việt Nam. Trong thời gian anh C ở Nhật Bản, anh đã gửi tiền về cho ông A nhiều lần, tổng số 120.000.000 đồng. Ông A đã dùng số tiền do anh C gửi về và số tiền của ổng bà A, B để xây dựng một ngôi nhà kiên cố với giá thành 360.000.000 đồng.
Ông A qua đời vào tháng 10/2007, có để lại di chúc định đoạt 1/2 giá trị ngôi nhà cho anh D, còn 1/2 giá trị ngôi nhà đó cho chị E hưởng. Sau sự kiện trên, anh C yêu cầu bà B phải trả lại cho anh 1/3 diện tích ngôi nhà với lý do tiền của anh gửi từ Nhật Bản về để xây nhà, do vậy anh cũng là đồng sở hữu chung theo phần của ngôi nhà đó nhưng yêu cầu của anh C bị bà B từ chối. Qua sự kiện trên, anh C có đơn kiện đến Tòa án xin được hưởng di sản của ông A. Tòa án xác định:
(í) Ngôi nhà nói trên là tài sản chung của ông bà A, B có trị giá 900.000.000 đồng;
(i) Tài sản khác của ông A và bà B trị giá 20.000.000 đồng;
(iii) Số tiền anh C gửi từ Nhật Bản về cho ông A, bà B là có thực.
a) Giải quyết tình huống
Tài sản chung hợp nhất của ông bà A, B theo Tòa án xác định gồm có 900.000.000 (ngôi nhà) + 20.000.000 đồng = 920.000.000 đồng.
Khoản tiền anh C gửi từ Nhật Bản về cho ông bà A, B xây nhà là khoản tiền ông bà A, B vay của anh C. Anh C không phải là đồng sở hữu chung theo phần đối với ngôi nhà do ông A và bà B xây dựng. Số tiền 120.000.000 đồng là khoản nợ mà ông bà A, B có nghĩa vụ thanh toán cho anh C (không tính lãi suất). Vậy tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B còn lại sau khi đã trả cho anh C khoản tiền vay: 920.000.000 đồng – 120.000.000 đồng = 800.000.000 đồng (thanh toán khoản nợ cho anh C bằng tiền).
Di sản của ông A từ tài sản chung hợp nhất với bà B = 800.000.000 đồng: 2 = 400.000.000 đồng. Về hiện vật, di sản của ông A có 1/2 ngôi nhà; về tiền ông A có 10.000.000 đồng ( lấy giá trị 1/2 ngôi nhà để trừ trả cho anh C 60.000.000 đồng hoặc trừ vào giá trị của ngôi nhà 50.000.000 đồng + 10.000.000 đồng là tài sản khác thuộc di sản thừa kế của ông A).
Di chúc của ông A chỉ có hiệu lực một phần, phần của di chúc tương ứng với phần di sản của ông là 1/2 giá trị ngôi nhà và 10.000.000 đồng trị giá các tài sản khác. Như vậy, về giá trị 1/2 ngôi nhà ông A đã định đoạt hết cho anh D và chị E. Một phần hai giá trị ngôi nhà là 450.000.000 đồng – 60.000.000 đồng (trả anh C) = 390.000.000 đồng. Theo di chúc D = E = 390.000.000 : 2 = 195.000.000 đồng.
Tài sản còn lại của ông A không được định đoạt trong di chúc được chia theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của ông A gồm có: bà B, anh C, anh D và chị E. Vậy B = C= D = E = 10.000.000 đồng : 4 = 2.500.000 đồng. Nhưng theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, bà B được hưởng ít nhất là: 400.000.000 đồng : 4 x 2/3 = 66.666.666 đồng. Vậy bà B còn thiếu 66.666.666 đồng – 2.500.000 đồng = 64.166.666 đồng.
Phần còn thiếu của bà B được trừ vào phần di sản anh D và chị E được hưởng theo tỷ lệ cho đủ. Anh D và chị E được hưởng di sản theo di chúc của ông A là ngang nhau, do vậy di sản họ được theo di chúc bị trừ theo tỷ lệ 1:1. Phần di sản anh D và chị E được hưởng theo di chúc bị trừ là: 64.666.666 đồng : 2 = 32.083.333 đồng.
– Anh D được hưởng theo di chúc di sản của ông A là: 195.000.000 đồng – 32.083.333 đồng = 163.116.667 đồng;
– Chị E được hưởng theo di chúc di sản của ông A là: 195.000.000 đồng – 32.083.333 đồng = 163.116.667 đồng. Với cách tính trên, bà B đã được hưởng là 66.666.666 đồng.
Nếu bà B có tiền trả cho anh D và chị B thì bà vẫn ở ngôi nhà đó với tư cách là chủ sở hữu. Nếu bà B không thanh toán được giá trị phần ngôi nhà tương ứng với phần anh D và chị E được hưởng thì phần nhà đó được chia cho anh D và chị E. Nhưng tổng số diện tích phần nhà mà anh D và chị E được hưởng nhỏ hơn 1/2 diện tích của ngôi nhà.
b) Nhận xét
Tình huống trên thường xảy ra trong cuộc sống và nếu không được xác định rõ sẽ dẫn đến việc hiểu lầm anh C là đồng sở hữu chung theo phần đối với ông A và bà B đối với ngôi nhà ông A và bà B đã tự xây dựng. Số tiền của anh C gửi về cho ông A và bà B chỉ là khoản tiền cho vay, không thể suy đoán là số tiền đó anh C đã góp vào với tư cách sở hữu chung.
TÌNH HUỐNG 24
Anh A 27 tuổi, bị mắc bệnh hiểm nghèo biết không qua khỏi cho nên anh đã viết một lá đơn gửi đến Ủy ban nhân dân phường B, có nội dung sau khi anh qua đời, anh xin hiến hai quả thận của anh cho anh Q là bạn thân của anh cư trú cùng phường, để anh Q thay thế thận đã nhiễm bệnh không thể hồi phục.
Sau khi anh A qua đời, cha, mẹ và anh chị em ruột của anh A không đồng ý cho cơ quan y tế giải phẫu anh A để lấy thận của anh thay thế thận cho anh Q.
Ủy ban nhân dân phường B đưa ra lý do anh A đã có đơn tự nguyện hiến thận, do vậy không ai có quyền chống lại ý chí đó của anh A.
a) Giải quyết tình huống
Theo quy định tại Điều 21 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 thì cha, mẹ, anh, chị, em ruột của anh A không đồng ý cho cơ sở y tế giải phẫu để lấy thận của anh là hợp lý. Bởi vì anh A đã không thực hiện những thủ tục do pháp luật quy định và anh không có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết và đã được công bố là chết não theo quy định tại khoản 5 Điều 27 của Luật nói trên. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp không có thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết thì việc lấy phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó. Nhưng trong tình huống này cha, mẹ, anh, chị, em ruột của anh A cũng không đồng ý, theo đó không thể phẫu thuật anh A để lấy thận của anh.
b) Nhận xét
Tình huống trên thường xảy ra trong cuộc sống nhưng nếu không tuân theo những hình thức và thủ tục do pháp luật quy định thì không thể thực hiện được theo ý chí tự nguyện của người muốn hiến tặng bộ phận cơ thể người sau khi chết cho người khác. Tình huống trên không phải là trường hợp thừa kế, vì bộ phận cơ thể người không phải là tài sản, do vậy không thể hiểu tình huống trên là thừa kế. Tình huống này đặt ra để nhằm minh chứng cho sự kiện thường phát sinh trong cuộc sống, để độc giả xác định quan hệ nào là thừa kế, quan hệ nào chỉ liên quan đến cái chết của cá nhân mà không phải là thừa kế.
Tham khảo: Pháp Luật Về Thừa Kế Ở Việt Nam-Nhận Thức Và Áp Dụng
PGS.TS. Phùng Trung Tập
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận