Kinh tế Nhật tăng trưởng cao hơn dự kiến
Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn so với báo cáo ban đầu trong quý 3, nhờ đầu tư vốn và xuất khẩu khả quan hơn, duy trì kỳ vọng của thị trường về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.
Dữ liệu điều chỉnh vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố hôm 9/12 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng với tốc độ hàng năm là 1,2%, cao hơn dự báo trung bình của các nhà kinh tế và ước tính ban đầu là 0,9%. Mức tăng trưởng hàng quý cũng được điều chỉnh lên 0,3%, thay vì 0,2% như số liệu ước tính ban đầu.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản
Nguyên nhân một phần là mức giảm nhỏ hơn dự kiến trong chi tiêu vốn, chỉ giảm 0,1% trong quý 3, thay vì 0,2% như ước tính ban đầu. Bên cạnh đó, xuất khẩu ròng (xuất khẩu trừ nhập khẩu) cũng chỉ làm giảm 0,2 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung, ít hơn so với mức giảm 0,4 điểm phần trăm được báo cáo trước đó.
Mặc dù số liệu điều chỉnh cho thấy tăng trưởng quý 3 tích cực hơn, nhưng vẫn chậm hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 2,2% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6. Đáng chú ý, tiêu dùng tư nhân – vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế Nhật Bản – chỉ tăng 0,7%, thấp hơn ước tính ban đầu là 0,9%.
Uichiro Nozaki, một nhà kinh tế tại Nomura Securities, nhận định tiêu dùng có thể tiếp tục chậm lại trong quý hiện tại nhưng sẽ phục hồi trong quý 1 năm 2024 nhờ triển vọng tăng trưởng tiền lương tích cực.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại không lạc quan về nền kinh tế Nhật Bản, đặc biệt với những bất ổn từ bên ngoài. Mối đe dọa về mức thuế quan cao hơn của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế. “Trong khi sự cải thiện về tiền lương thực tế sẽ hỗ trợ tiêu dùng, sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài sẽ bị hạn chế do tăng trưởng ở nước ngoài đang chững lại”, Masato Koike, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Sompo Institute Plus, nhận xét. “Nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục phục hồi nhưng với tốc độ khiêm tốn”, ông nói thêm.
Dữ liệu tăng trưởng quý 3 sẽ là một trong những yếu tố được BOJ xem xét kỹ lưỡng tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 18-19/12. Một số nhà phân tích dự đoán BOJ có thể tăng lãi suất ngắn hạn từ mức 0,25% hiện tại.
Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Norinchukin, nhận định: “Dữ liệu này ủng hộ khả năng tăng lãi suất vào tháng 12, dù sự yếu kém trong tiêu dùng vẫn là một mối lo ngại”. Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh giảm tiêu dùng tư nhân phản ánh bản chất mong manh của quá trình phục hồi kinh tế, để lại sự không chắc chắn về thời điểm BOJ có thể tiếp tục tăng lãi suất.
BOJ đã bắt đầu loại bỏ gói kích thích tiền tệ khổng lồ kéo dài một thập kỷ, chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 3 năm nay và tăng lãi suất ngắn hạn lên 0,25% vào tháng 7, với kỳ vọng Nhật Bản đang tiến tới mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững. Thống đốc Kazuo Ueda đã phát tín hiệu sẵn sàng tăng lãi suất một lần nữa nếu BOJ có đủ niềm tin rằng lạm phát sẽ duy trì quanh mức 2% trong dài hạn nhờ tiền lương tăng và nhu cầu nội địa mạnh mẽ.
Hiện tại, các nhà đầu tư kỳ vọng BOJ sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào cuối tháng 3 năm tài chính hiện tại, nhưng vẫn chia rẽ về khả năng điều này sẽ diễn ra vào tháng 12 hay đầu năm sau.
Theo Reuters, các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết BOJ vẫn thận trọng về thời điểm tăng lãi suất tiếp theo. Họ cho rằng tháng 12 chưa phải là thời điểm phù hợp, do tiêu dùng yếu, phong cách ra quyết định thận trọng của Thống đốc Ueda và lo ngại về chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận