Khẳng định vị thế thương hiệu giúp nâng cao khả năng cạnh tranh cho hạt gạo Việt
Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong xuất khẩu gạo, song hạt gạo Việt vẫn chưa thực sự có thương hiệu mạnh trên thế giới. Bởi vậy, bên cạnh năng suất, chất lượng thì việc xây dựng thương hiệu là một trong những yếu tố quyết định để hạt gạo Việt khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Tại Hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt tổ chức chiều 10/12, các chuyên gia đều khẳng định tiềm năng của ngành gạo Việt Nam và cho rằng, xây dựng thương hiệu gạo thành công chính là xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Ông Lê Thanh Hòa – phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết vai trò của thương hiệu trong phát triển ngành gạo là yếu tố gia tăng giá trị sản phẩm và tính cạnh tranh, gắn kết mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
Ông cũng nêu một số thực trạng phát triển thương hiệu gạo tại Việt Nam hiện nay đã mang lại kết quả. Cụ thể là một số doanh nghiệp gạo Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Điển hình là các thương hiệu như gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua. Trong đó, gạo ST25 đã mang lại niềm tự hào cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi giành danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”.
Hiện, gạo Việt Nam có rất nhiều loại gạo, giống khác nhau nên những quy định về mặt pháp lý, kỹ thuật cơ bản bắt buộc các doanh nghiệp, các nhà sản xuất phải đáp ứng được quy định mới được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam.
Thành công của ST25 là minh chứng cho tiềm năng lớn của ngành gạo Việt Nam, tạo tiền đề để ngành gạo Việt Nam nâng tầm thương hiệu trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu gạo Việt còn một số khó khăn, như xây dựng lòng tin về chất lượng, thiếu hỗ trợ pháp lý trong việc bảo hộ thương hiệu quốc tế và chưa chú trọng thị trường nội địa.
Do vậy, Phó cục trưởng Cục Chất lượng cho rằng, bản thân doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu gạo của mình hay sử dụng nhãn hiệu Gạo Việt Nam phải tuân thủ quy định trồng trọt tốt, quy trình trong quá trình chế biến, giám sát tất cả mối nguy mất an toàn thực phẩm đối với hạt gạo thì lúc đó mới đảm bảo được chất lượng hạt gạo tốt nhất để có thương hiệu bền lâu.
“Cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng phát triển thương hiệu gạo và chỉ dẫn địa lý, đa dạng hóa sản phẩm gạo xuất khẩu. Phát triển sản phẩm gạo giá trị gia tăng, đổi mới công nghệ trong sản xuất gạo và đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, khẳng định vị thế thương hiệu”, ông Hòa nêu 6 giải pháp để khắc phục và xây dựng thương hiệu gao Việt.
Đồng quan điểm, anh hùng lao động Hồ Quang Cua nhìn nhận, theo kinh nghiệm từ xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng của thế giới như ở Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia thì “mình chưa làm được (thương hiệu) và có làm cũng chưa tới đâu”.
“Nhìn ra những quốc gia xây dựng thương hiệu thành công nhất thế giới, Ấn Độ tập trung cho giống Basmati, Thái Lan có Hom Mali, tức là họ tập trung cho một giống. Sau khi tập trung cho một giống thì luôn luôn có tiêu chuẩn độ thuần. Trong 10 năm tới, Việt Nam tiến tới đâu cũng phải tuân theo luật chơi của quốc tế, không thể làm khác”, ông trình bày quan điểm.
Theo đánh giá của Kỹ sư Hồ Quang Cua về tiêu chuẩn của gạo ngon, thì độ thơm là tinh túy của gạo, các nước đều chọn độ thơm làm thương hiệu. Bước kế tiếp luôn luôn là độ thuần, còn tiêu chí về gạo trắng, độ ẩm là bình thường.
“Chúng tôi rất mừng là năm nay, khi chúng ta bước vào thị trường gạo cao cấp của thế giới, hành vi doanh nghiệp và nông dân đã thay đổi nhiều. Doanh nghiệp và người dân từng bước yêu cầu qua yêu cầu lại, hỗ trợ qua hỗ trợ lại để cùng nâng cấp. Đó là yếu tố cho chúng ta tiến bước lên. Có năm Việt Nam có 600 container gạo xuất khẩu do Mỹ trả về, có nghĩa chúng ta sử dụng hóa chất. Gạo thơm Việt Nam là giống lúa thơm cải tiến, sử dụng nhiều phân bón và chất hóa học nên yếu tố an toàn cần được đặt ra”, ông Cua góp ý.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Phạm Thái Bình, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An thì lại khác bởi ông cho rằng Việt Nam nói và làm thương hiệu gạo từ lâu. Hiện tại nếu nói chưa có, chưa thành công thì không hẳn đúng.
Ông Bình đồng thời dẫn chứng Philippines mỗi năm nhập khẩu của Việt Nam vài chục ngàn tấn gạo. “Cuối năm 2023 có sự kiện Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, làm giá gạo lên, nhưng giờ Ấn Độ xả lệnh cấm và bán giá rất rẻ, nhưng vì sao Philippines không mua của Ấn Độ mà mua của Việt Nam? Đó là vì họ có lòng tin vào gạo Việt Nam”, ông nhận định.
Vì vậy, theo ông Bình, xây dựng thương hiệu gạo thành công là xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Được biết, thương hiệu gạo Việt Nam được Chính phủ chỉ đạo xây dựng từ năm 2017 và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện xây dựng chứng nhận nhãn hiệu Gạo Việt Nam (VietNam Rice), đăng ký bảo hộ theo thỏa ước Madrid, cũng như đăng ký bảo hộ tại 20 quốc gia trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Philippines…
Tuy nhiên, việc ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu gạo Việt Nam đang có những vướng mắc liên quan đến việc đăng ký các thủ tục mang tính chất pháp lý.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận