Hải Phòng kiến tạo đột phá trong thu hút FDI xanh
Hải Phòng đã ghi dấu ấn mạnh mẽ khi trở thành đầu tàu trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hàng loạt dự án FDI xanh thân thiện với môi trường.
Điều này khẳng định Hải Phòng không chỉ “ghi điểm” nhờ hạ tầng hiện đại và chính sách ưu đãi, mà còn khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng một tương lai bền vững.
Lắp ráp linh kiện điện tử dùng cho ngành máy in tại Công ty TNHH công nghệ điện tử Chee Yuen Việt Nam, vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) ở khu công nghiệp An Dương, huyện An Dương. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
* Đầu tàu thu hút FDI
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, vượt qua nghịch cảnh, tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3-Yagi, song Hải Phòng vẫn vươn lên thích ứng linh hoạt, hiệu quả.
Các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2024 cơ bản hoàn thành và vượt so với chỉ tiêu đề ra; trong đó, thu hút FDI cũng là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2024 ước đạt 3,35 tỷ USD, tăng 92,52% so với năm trước.
Điểm nhấn, vào trung tuần tháng 11 vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cùng lúc đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án đầu tư mới và mở rộng tiêu biểu trong tháng 11/2024 tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng với tổng số vốn đầu tư thu hút được tăng thêm 1,8 tỷ USD, dự kiến nhu cầu lao động trong các năm tới vào khoảng 17 nghìn người.
Tiêu biểu phải kể đến các Dự án đầu tư mở rộng của Tập đoàn LG, Hàn Quốc (Công ty TNHH LG Display Việt Nam (Hải Phòng) tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, tăng tổng vốn đầu tư từ 4,65 tỷ USD lên thành 5,65 tỷ USD (tăng 1 tỷ USD). Đây cũng là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Tập đoàn LG tại Việt Nam, chuyên sản xuất màn hình OLED công nghệ cao với quy mô 14 triệu sản phẩm/tháng.
Dự án bắt đầu đầu tư từ năm 2016 với số vốn 1,5 tỷ USD, đến nay, sau 8 năm hoạt động đã liên tục mở rộng quy mô, tăng 4,15 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 22.000 lao động. Xuất khẩu bình quân đạt 5,8 tỷ USD/năm, nộp ngân sách bình quân 1.000 tỷ đồng/năm.
Dự án của nhà đầu tư Heesung, Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tràng Duệ tăng 154 triệu USD lên thành 279 triệu USD. Đây là một trong những đối tác thân cận của tập đoàn LG, sản xuất lắp ráp linh kiện mô đun tinh thể lỏng định vị tự động với quy mô 10,5 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm cho gần 400 lao động. Xuất khẩu bình quân đạt 100 triệu USD/năm.
Hay Dự án của Công ty TNHH Smart Logistics Service (liên doanh giữa Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, SITC Logistics (HK) Limited và Công ty TNHH Tiếp Vận SITC – Đình Vũ) với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, mục tiêu dự án là dịch vụ logistics và hậu cần sau cảng với diện tích 10.000 m2, doanh thu dự kiến đạt 100 triệu USD/năm…
Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, Hải Phòng hiện đang đứng trong tốp 6 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước. Đến nay, thành phố đã thu hút 1.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với số vốn là 32,2 tỷ USD, 228 dự án đầu tư trong nước với số vốn là 13,7 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến tại các khu công nghiệp và khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải.
Trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải là 26,2 tỷ USD, chiếm hơn 80% tổng thu hút đầu tư nước ngoài của toàn thành phố Hải Phòng. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp hiện nay đã lên đến 70%, suất đầu tư bình quân trên 1 ha của thành phố Hải Phòng vào khoảng 13 triệu USD/ha gấp hơn 3 lần suất đầu tư 4 triệu USD/ha bình quân của cả nước.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, ông Phạm Hồng Điệp, chia sẻ, các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền cũng như tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố đều có chung nhận định, Hải Phòng sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông, cảng biển và khu công nghiệp phát triển.
Cùng đó, chính quyền thành phố Hải Phòng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, hỗ trợ thủ tục hành chính và cung cấp thông tin đầu tư. Điều này giúp các nhà đầu tư dễ dàng triển khai các dự án kinh doanh của mình.
“Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến yếu tố bền vững và trách nhiệm xã hội, vì vậy, việc thành phố tập trung vào FDI xanh sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư chất lượng. Sản phẩm và dịch vụ từ các dự án FDI xanh thường đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, góp phần mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho Hải Phòng và các doanh nghiệp địa phương”, ông Phạm Hồng Điệp cho biết.
Phối cảnh thiết kế dự án Logicross Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Ngọc – TTXVN
*Kiến tạo những bước đột phá
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, chủ đề năm 2025 của thành phố là “Mở rộng không gian kinh tế, đô thị; hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù; tăng cường chuyển đổi xanh, chuyển đổi số” để toàn thể hệ thống chính trị thành phố tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ về kinh tế, cải cách hành chính, quy hoạch, giáo dục đào tạo, văn hóa, bảo vệ môi trường… trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện trình, phê duyệt các quy hoạch có liên quan và từng bước triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng của Khu kinh tế để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư.
Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng là khai thác tối đa lợi thế về vị trí cửa ngõ quốc tế, nền tảng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận và quốc tế; kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội.
Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án trọng điểm như cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và các tuyến cao tốc kết nối Hải Phòng với các khu vực lân cận, chuẩn bị xây dựng các bến khởi động của cảng Nam Đồ Sơn. Xây dựng Hải Phòng thành trung tâm logistics hiện đại, là cửa ngõ giao thương quốc tế của Việt Nam.
Trong một cuộc họp liên quan đến thu hút FDI mới đây tại Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chia sẻ, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên, tập trung vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn, pin xe điện, các linh kiện, sản phẩm điện tử…
Đây là những minh chứng rõ ràng nhất cho sự tin tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, vào những quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài và cam kết duy trì chính sách ổn định, nhất quán trong dài hạn, để các nhà đầu tư yên tâm khi triển khai các dự án và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
“Hải Phòng và một số khu vực trọng điểm khác sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp toàn cầu với thị trường Việt Nam… Cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ đồng hành cùng với Hải Phòng tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, biến ý tưởng, quyết tâm thành hiện thực, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.
Đoàn Minh Huệ
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận