Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều vấn đề tại Vietcombank: Một số khách hàng lớn mất cân đối tài chính, hạch toán tài sản bảo đảm, thu nhập chưa chính xác
Theo Kiểm toán Nhà nước, nhìn chung VCB đã thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật, của NHNN và nội bộ ngân hàng. Tuy nhiên, một số lĩnh vực hoạt động của VCB vẫn còn những tồn tại, bất cập.
Ảnh minh họa
Theo Báo Kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công khai kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2023; kiểm toán chuyên đề chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ tại VCB. Cuộc kiểm toán được thực hiện từ ngày 07/5 đến ngày 27/6/2024.
Kết quả kiểm toán cho thấy: Năm 2023, nhìn chung VCB đã thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nội bộ VCB về công tác quản lý tài chính – kế toán, đầu tư xây dựng cơ bản, hoạt động tín dụng, hoạt động huy động vốn, đầu tư tài chính, kinh doanh ngoại hối, các dịch vụ ngân hàng, kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm, việc tuân thủ các chỉ tiêu an toàn vốn. Tuy nhiên, một số lĩnh vực hoạt động của VCB vẫn còn những tồn tại, bất cập.
Hạch toán giá trị tài sản bảo đảm, khoản thu nhập lãi chưa chính xác
Về quản lý công nợ phải thu, phải trả, qua kiểm toán, KTNN nhận thấy Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) chưa đối chiếu công nợ đầy đủ đối với các khoản nợ phải thu, các khoản nợ phải trả tại thời điểm 30/6 theo Quy chế quản lý nợ của Công ty.
Theo kết quả kiểm toán của KTNN, trong công tác quản lý tài sản cố định (TSCĐ), còn trường hợp chưa kịp thời hạch toán tăng nguyên giá đối với TSCĐ đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong năm 2023; chưa hạch toán tăng nguyên giá TSCĐ đối với một số khoản chi về tài sản đủ điều kiện ghi nhận TSCĐ.
Về quản lý tài sản ngoại bảng, còn trường hợp chưa hạch toán kịp thời một số khoản bảo lãnh, cam kết đã hết hiệu lực; hạch toán theo dõi lãi phải thu chưa thu được ngoại bảng chưa chính xác. Hạch toán chưa chính xác giá trị tài sản bảo đảm (TSBĐ) do chưa cập nhật kịp thời theo biên bản định giá gần nhất, TSBĐ là tài sản hình thành trong tương lai hạch toán giá trị chưa đúng quy định, đưa vào sử dụng chưa được định giá lại. Một số TSBĐ là tài sản thế chấp của khách hàng đã hết dư nợ nhưng vẫn được theo dõi trên tài khoản ngoại bảng.
Về quản lý thu nhập, hạch toán các khoản thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự chưa chính xác như: chưa thực hiện điều chỉnh lãi dự thu của khách hàng theo kết quả phân loại nợ CIC tháng 12/2023, chưa hạch toán kịp thời thu nhập của một số hợp đồng bảo lãnh đã phát sinh hiệu lực năm 2023, chưa hạch toán phân bổ thu nhập phí bảo lãnh, cam kết do phân bổ theo niên độ kỳ kế toán, thoái thiếu lãi dự thu của khoản cho vay Ngân hàng Xây dựng…
Hạch toán thiếu một số khoản thu nhập tháng 12/2023 như: phí dịch vụ thanh toán, phí quản lý dự án vay vốn SWEFP, phần phí trợ cấp tiếp thị của bảo hiểm nhân thọ năm 2023, phí lưu ký dịch vụ chứng khoán, phí lưu ký bảo quản tài khoản, phí lưu ký trả Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, phí lưu trái phiếu chính phủ…
Liên quan đến quản lý chi phí, kết quả kiểm toán chỉ rõ: Hạch toán, phân bổ một số khoản chi phí chưa đúng niên độ; chưa trích khấu hao đối với TSCĐ đã nghiệm thu bàn giao hoặc tài sản đủ điều kiện ghi nhận là TSCĐ theo quy định; hạch toán vào chi phí một số khoản chi sửa chữa bảo dưỡng, chi vật liệu đủ điều kiện ghi nhận là TSCĐ hữu hình…
Một số khách hàng lớn mất cân đối tài chính, phân loại nợ chưa phù hợp, trích dự phòng chưa chính xác
Kết quả kiểm toán chọn mẫu tại một số chi nhánh kiểm toán trực tiếp và hồ sơ tín dụng của các chi nhánh không kiểm toán trực tiếp tại Trụ sở chính cho thấy, VCB còn có sai sót trong thực hiện quy trình, quy định, quy chế cho vay tại một số khâu.
Ngoài ra, KTNN phát hiện một số khách hàng, nhóm khách hàng vay có dư nợ lớn, mất cân đối tài chính, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng. Điều này đòi hỏi cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau cho vay nhằm đảm bảo khả năng trả nợ.
Bên cạnh đó, một số trường hợp phân loại nợ chưa phù hợp, trích dự phòng chưa chính xác do phân loại nợ chưa chính xác, xác định giá trị khấu trừ TSBĐ chưa phù hợp, trích thừa dự phòng… Việc thu hồi nợ xử lý rủi ro trong năm đạt 41,7% kế hoạch do Tổng giám đốc giao và chưa đạt chỉ tiêu Hội đồng quản trị giao; còn có Chi nhánh chưa hoàn thành kế hoạch thu hồi nợ xử lý rủi ro được giao…
Năm 2023, VCB quản lý đảm bảo an toàn hoạt động theo các chỉ tiêu, quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 của NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, việc quản lý và báo cáo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu còn một số hạn chế. Cụ thể, do VCB sử dụng số liệu phân loại nợ và trích lập dự phòng tại thời điểm 30/11/2023 nên việc tính toán hệ số rủi ro của một số khoản phải đòi chưa chính xác. Một số khoản cho vay thế chấp nhà chưa cập nhật thu nhập trong năm của khách hàng, dẫn đến tính toán chưa chính xác tỷ lệ thu nhập. Một số khoản phải đòi phân loại chưa phù hợp. Tuy nhiên, hạn chế này không ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) riêng lẻ, hợp nhất của VCB.
Liên quan đến việc thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ NSNN theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, KTNN chỉ rõ, kết quả hỗ trợ lãi suất đạt 2,6% so với số được NHNN thông báo hạn mức (năm 2022 đạt 0,91% và năm 2023 đạt 3,51%). Còn có nội dung tuyên truyền qua đài truyền hình, đài tiếng nói chưa được VCB thực hiện đầy đủ. VCB tổng hợp, báo cáo số liệu với NHNN chưa đầy đủ về doanh số cho vay đối với một số khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất nhưng bị thu hồi./.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận