Chuyên gia: Không phải BRICS, một yếu tố đến từ bên trong nước Mỹ đang tự lật đổ vị thế thống trị của đồng USD
Theo chuyên gia, việc Mỹ “lạm dụng” lệnh trừng phạt đang khiến các quốc gia trong và ngoài BRICS đi tìm các giải pháp thanh toán khác để né tránh đồng USD.
Trước khi chính thức bước vào nhiệm kỳ mới, Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết rằng các “quốc gia BRICS sẽ không tạo ra một đồng tiền tệ mới và không ủng hộ bất kỳ đồng tiền nào khác để thay thế cho đồng USD.” Và lời cảnh báo này được hậu thuẫn bởi mối đe doạ thuế quan.
Sau đó, một số quốc gia thành viên của BRICS đã đưa ra những tuyên bố có thể xoa dịu quan điểm của ông Trump. Nam Phi khẳng định rằng khối này không lên kế hoạch ra mắt đồng tiền chung. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cũng nhấn mạnh rằng các nước BRICS “không có ý định làm suy yếu đồng USD.”
Trên thực tế, việc các nước BRICS chỉ tiến hành giao dịch bằng đồng tiền tệ của các nước thành viên. Hành động này lại không khả thi ở thời điểm này và khó có thể được áp dụng rộng rãi. Thương mại quốc tế là hoạt động vô cùng phức tạp. Ví dụ, Ấn Độ có thể muốn mua thêm dầu Nga nhưng phải tìm được người mua hàng hoá Ấn Độ ở Nga để giao dịch bằng rúp hoặc rupee. Nếu không, Moscow sẽ nắm giữ rất nhiều rupee mà không thể tiêu.
Nhưng nhìn chung, những yếu tố này không quá quan trọng. Dù có dễ dàng hay không, dù ông Trump có phát biểu hay đưa ra hành động gì, các nước BRICS sẽ tiếp tục tìm cách thực hiện các giao dịch quốc tế mà không cần sử dụng USD. Khi làm như vậy, mục đích của họ không phải nhắm đến việc gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ hay thách thức vị thế đứng đầu của đồng USD. Các nước này muốn tạo ra một bộ phận của hệ thống tài chính mà không bị chi phối bởi quyền lực của Mỹ.
Các quốc gia như UAE, vốn từ lâu đã đóng vai trò là trung tâm thanh toán cho các giao dịch tài chính giữa các khối địa chính trị đối lập, đã tìm kiếm điều tương tự như vậy trong ít nhập 1 thập kỷ qua. Song, mục tiêu này càng trở nên cấp bách hơn trong thời điểm rủi ro xảy ra các cuộc chiến thương mại rõ ràng hơn và sự tách rời giữa các quốc gia do yếu tố địa chính trị.
Trong bối cảnh đó, New Delhi không thực sự hào hứng với nỗ lực này như những nước khác. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ sau hơn 1 thập kỷ qua. Trong vài năm qua, quốc gia này đã ngừng nhập khẩu dầu từ một trong những đối tác thương mại lớn nhất là Venezuela vì những lệnh hạn chế của Mỹ. Vị trí này đã được thay thế bởi Iran nhưng có thể sớm gặp các rào cản tương tự và mối quan hệ với Nga cũng đối mặt với rủi ro. Do đó, việc thiết lập các cơ chế thanh toán không chịu sự giám sát của Mỹ là điều quan trọng với Delhi.
Dù sự phức tạp của thương mại toàn cầu khiến việc thay thế đồng USD trở nên khó khăn, nhưng ngày càng nhiều các doanh nghiệp và quốc gia trên thế giới vẫn nhận thấy việc tìm ra giải pháp thay thế dù là tạm thời hay một phần. Số lượng hàng hoá và các tập đoàn tài chính phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ tăng lên gần như hàng tháng.
Cũng như bất kỳ lệnh hạn chế nào với thị trường, ai cũng sẽ tìm ra cách kiếm tiền thông qua việc đảm bảo hoạt động thương mại vẫn diễn ra. Ngay cả các cổ chức được phương Tây hậu thuẫn, như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), cũng khởi động các dự án nhằm độc lập hơn với đồng USD, dù ngân hàng này đã rút khỏi dự án vài tuần trước.
Nếu cả thế giới coi đồng USD là “tài sản chung” thì sẽ không có nỗ lực nào như vậy được đưa ra. Các quốc gia giao dịch bằng đồng USD, đầu tư vào USD và tự do chuyển đổi đồng USD. Điều này đã giúp Mỹ có được quyền lực lớn khi kiểm soát đồng tiền dự trữ của thế giới.
Nếu muốn duy trì vị thế thống trị của đồng USD, ông Trump cần nhận ra rằng giá trị của đồng USD không nằm ở sức mạnh hay các mối đe doạ của Mỹ, mà là mức độ tin cậy. Việc lạm dụng những động thái nhằm răn đe đều gây ra mối đe doạ lớn hơn nhiều với đồng bạc xanh so với bất kỳ bước đi nào của BRICS.
*Bài viết thể hiện quan điểm của Mihir Sharma. Ông là thành viên cấp cao của Quỹ nghiên cứu Observer tại New Delhi và tác giả của cuốn sách “Restart: The Last Chance for the Indian Economy.”
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận