Khủng hoảng chính trị tại Đức và Pháp gây sức ép lên kinh tế châu Âu

Khủng hoảng chính trị tại Đức và Pháp gây sức ép lên kinh tế châu Âu

Châu Âu đang đối mặt với một giai đoạn đầy thử thách khi hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Pháp đều phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, tạo thêm áp lực lên bức tranh kinh tế vốn đã không mấy sáng sủa.

Khủng hoảng chính trị tại Paris và Berlin

Tình trạng bất ổn chính trị nghiêm trọng tại Pháp vẫn chưa có hồi kết sau khi Thủ tướng Michel Barnier phải từ chức hôm 5-12, chỉ một ngày sau khi chính phủ của ông bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện. Đây cũng là chính phủ đầu tiên tại Pháp thất bại trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm kể từ năm 1962.


Khoảng trống lãnh đạo từ hai quốc gia chủ chốt cũng sẽ khiến châu Âu gặp khó khăn trong quan hệ thương mại. Ảnh minh họa

Trước đó, hồi tháng 10, ông Barnier đã công bố kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách từ mức 6,2% GDP hiện nay – cao gấp đôi so với quy định của Liên minh châu Âu (EU), xuống còn 3% GDP vào năm 2029. Dự thảo đề xuất các biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm 60 tỉ euro ngân sách công trong năm tới.

Tuy nhiên, một số biện pháp trong số này không nhận được sự đồng tình của các đảng đối lập, như trì hoãn tăng lương hưu để thích ứng với tình hình lạm phát. Sự phản đối dữ dội đã khiến Thủ tướng Barnier cố gắng thông qua dự thảo mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội – động thái đã dẫn đến cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Sự chia rẽ chính trị khiến cho bất kỳ ai thành lập chính phủ mới vào lúc này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy các đề xuất về thuế và chi tiêu. Sự gián đoạn các nỗ lực cải cách tài chính của Chính phủ Pháp sẽ kéo theo sự suy yếu niềm tin của giới đầu tư.

Theo Ngân hàng Barclays, nếu không có đề xuất ngân sách nào được thông qua vào ngày 20-12 tới, ngân sách năm 2024 có thể được gia hạn sang năm 2025, và khiến thâm hụt ngân sách của chính phủ gia tăng hơn nữa, lên khoảng 6,3-6,6% GDP, cao hơn gấp đôi so với mức dưới 3% mà EU quy định.

Tệ hơn nữa, cuộc khủng hoảng ở Paris diễn ra cùng lúc với tình trạng bất ổn ở một cường quốc kinh tế và chính trị khác của EU – Đức. Berlin hiện đang đối mặt với những rắc rối chính trị, khi liên minh ba bên trong chính phủ đã sụp đổ hồi tháng 11 sau những bất đồng về chính sách tài khóa.

Thủ tướng Olaf Scholz đã kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử sớm vào tháng 2-2025. Một chính phủ mới dự kiến sẽ nhậm chức tại Berlin vào tháng 6. Và từ nay cho đến lúc đó, Chính phủ Đức nhiều khả năng sẽ hành động thận trọng, không đưa ra các quyết định chính sách táo bạo.

Trên thực tế, do sự hỗn loạn về mặt chính trị trong thời gian qua, Berlin đã không gửi cho EU bất kỳ kế hoạch nào về cách giải quyết thâm hụt ngân sách trong những năm tới – mặc dù Đức luôn là một trong những nước đi đầu trong việc kêu gọi EU cần có các quy tắc tài chính chặt chẽ.

Bức tranh ảm đạm của hai nền kinh tế lớn

Cuộc khủng hoảng chính trị diễn ra trong bối cảnh cả hai nền kinh tế lớn đều đang đối mặt với nhiều khó khăn. Kinh tế Đức dự kiến sẽ suy giảm 0,2% trong năm nay – đánh dấu năm suy giảm thứ hai liên tiếp, do những cơn gió ngược từ tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng, bộ máy quan liêu quá mức, và giá năng lượng ở mức cao.

Trên thực tế, nền kinh tế số một Eurozone đã bắt đầu trì trệ kể từ đầu năm 2020 và những cuộc khủng hoảng gần đây từ các tập đoàn mang tính biểu tượng của Đức như Volkswagen, BASF, Siemens và ThyssenKrupp càng củng cố quan điểm cho rằng, nền kinh tế cần được cải cách và đầu tư khẩn cấp.

Một vấn đề đang được đặt ra là liệu Đức sẽ chỉ cố gắng hiện đại hóa mô hình kinh doanh cũ của mình, vốn dựa trên năng lượng giá rẻ và thúc đẩy xuất khẩu, hay sẽ lựa chọn một cuộc đại tu kinh tế hoàn toàn. Cho đến thời điểm hiện tại đây vẫn là câu hỏi chưa có lời giải bởi những sự đình trệ mà khủng hoảng chính trị mang lại.

Còn tại Pháp, nền kinh tế được dự báo đạt mức tăng trưởng 1,1% trong năm nay, và một số chỉ số chính nhìn chung vẫn tương đối ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 7,4%, tương đối thấp đối với Pháp, trong khi lạm phát đã hạ nhiệt từ mức 5% cách đây vài năm xuống còn khoảng 2%.

Tuy nhiên, theo ông Denis Ferrand – người đứng đầu Viện nghiên cứu kinh tế Rexecode có trụ sở tại Paris, những con số này không thể che giấu được một sự thật là kinh tế Pháp đã suy yếu đáng kể trong vài năm qua do lạm phát cao, lãi suất tăng và giá năng lượng đắt đỏ. Dự kiến, sẽ có khoảng 65.000 công ty tại Pháp nộp đơn xin phá sản trong năm nay, vượt xa mức 56.000 công ty trong năm ngoái.

“Các công ty Pháp và châu Âu đã trở nên kém cạnh tranh hơn so với các công ty Trung Quốc, vì chi phí sản xuất của chúng tôi đã tăng 25% kể từ năm 2019. Cùng thời gian đó, chi phí ở Trung Quốc chỉ tăng 3%”, ông Ferrand chia sẻ với DW.

“Chúng tôi đã tiến hành khảo sát hàng quí với lãnh đạo 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Pháp về hoạt động đầu tư của họ. Trong tháng 10, chỉ 36% số người được hỏi cho biết có kế hoạch duy trì kế hoạch đầu tư, trong khi 45% cho biết sẽ trì hoãn, và 18% có ý định hủy bỏ”, ông Ferrand cho biết.

Những thách thức chờ đợi Đức, Pháp và châu Âu

Theo ING, nền kinh tế Pháp sẽ bước vào năm 2025 đầy biến động với sự bất ổn chính trị phủ bóng lên triển vọng kinh tế. Sự chia rẽ giữa các đảng phái, việc không thể thông qua kế hoạch ngân sách, và viễn cảnh về việc có nhiều cuộc bầu cử hơn, sẽ thúc đẩy sự bất ổn, gây tổn hại đến cả chi tiêu của người tiêu dùng lẫn đầu tư kinh doanh.

Với trường hợp của Đức, ING kỳ vọng, sau cuộc bầu cử vào tháng 2 một chính phủ mới sẽ triển khai nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn. ING ước tính, Đức cần một biện pháp kích thích tài khóa bổ sung khoảng 1,5% GDP/năm trong 10 năm tới để bù đắp sự thiếu hụt đầu tư trong thập kỷ qua. Các cải cách cơ cấu và đầu tư sẽ là cần thiết để giúp nền kinh tế Đức thoát khỏi tình trạng trì trệ.

Hồi tuần trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Đức và Pháp do những lo ngại về khủng hoảng chính trị và nhu cầu toàn cầu suy yếu. Các chuyên gia nhận định, kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,7% vào năm tới, giảm so với dự báo trước đó là 1,1%, trong khi dự báo tăng trưởng kinh tế Pháp cũng bị điều chỉnh giảm từ 1,2% xuống còn 0,9%.

Trước đó, hồi tháng 11, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo rằng cả hai nền kinh tế hàng đầu của Eurozone sẽ suy giảm trong năm 2025, mặc dù khối thị trường chung vốn có liên kết chặt chẽ với nhau có thể tránh được suy thoái.

Trong khi tác động trực tiếp đến tăng trưởng có thể được hạn chế, bế tắc chính trị tại Đức và Pháp – hai quốc gia chủ chốt, đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ khó có thể đưa ra những chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ nền kinh tế.

Để cải thiện môi trường kinh doanh, châu Âu được kỳ vọng sẽ triển khai nhiều chính sách như phát hành trái phiếu chung để hỗ trợ đầu tư công; thúc đẩy chính sách công nghiệp trên toàn EU; và tích hợp thị trường tài chính để giúp các công ty khởi nghiệp huy động vốn. Tuy nhiên, theo ông Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại Eurasia Group, “sẽ không thể có sự chuyển biến lớn nào nếu không có sự liên kết giữa Pháp và Đức”.

Khoảng trống lãnh đạo từ hai quốc gia chủ chốt cũng sẽ khiến châu Âu gặp khó khăn trong quan hệ thương mại. Căng thẳng thương mại với Trung Quốc liên quan đến thuế quan ô tô đang gia tăng, trong khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ quay trở lại Nhà Trắng vào đầu năm tới, với các cam kết áp thuế mạnh mẽ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen dự kiến sẽ đề nghị các quốc gia mua thêm khí đốt tự nhiên của Mỹ, đồng thời cảnh báo ông Trump về khả năng EU có thể trả đũa thương mại nếu bị áp thuế. Tuy nhiên, rõ ràng, một đề nghị thiếu vắng sự ủng hộ mạnh mẽ từ Pháp và Đức, sẽ không có đủ sức nặng.

Theo ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Berenberg Bank, sự chậm trễ của Đức và Pháp đang khiến châu Âu bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để thu hút ông Donald Trump. “Sẽ là lý tưởng nếu châu Âu chuẩn bị một đề nghị hấp dẫn tại thời điểm ông Trump chưa nhậm chức, để đổi lấy những chính sách dễ chịu hơn về thương mại. Thật không may là điều này không xảy ra, và châu Âu có thể đối mặt với những chính sách thương mại cứng rắn của Mỹ”.

Nguồn: DW, Euronews, ING, Reuters, AP

Lạc Diệp-Link gốc

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

APG: Công ty đầu tiên công bố báo cáo tài chính báo lãi kỷ lục

Lũy kế cả năm 2024, Agimexpharm ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận cao kỷ lục kể từ khi niêm yết, thậm chí vượt kế hoạch đề ra đầu năm.

Tiếp tục đọc

NovaWorld Phan Thiet bùng nổ chuỗi sự kiện chào năm mới “Tết Holidays”

Tết này, NovaWorld Phan Thiet sẽ “chiêu đãi” du khách một mùa lễ hội sôi động, khác biệt nhưng vẫn đậm chất truyền thống với chuỗi sự kiện hấp dẫn diễn ra từ mùng 2 đến mùng 6 Tết Âm Lịch.

Tiếp tục đọc

CTCK ước tính KQKD quý 4/2024 của 45 doanh nghiệp lớn, tên tuổi nào được dự báo “vô địch” tăng trưởng lợi nhuận?

Hàng loạt doanh nghiệp được dự báo tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý 4/2024 bao gồm: DBC, DGW, MWG, DGC, PVT, PLX,...

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay