Phú Thọ đứng top đầu về trình độ phát triển kinh tế – xã hội trong vùng trung du và miền núi phía Bắc
Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị đánh giá trình độ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh so với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030; đề xuất giải pháp cho những năm tiếp theo.
Diện mạo thành phố Việt Trì ngày càng khang trang hiện đại.
Trên cơ sở nghiên cứu phương pháp biên soạn chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế – xã hội của Tổng cục Thống kê, nhóm các nhà nghiên cứu của tỉnh đã tiến hành thu thập thông tin về 10 chỉ tiêu thành phần trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường của 14 tỉnh và chung toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc năm 2020 và năm 2023; tiến hành xử lý số liệu, biên soạn chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế – xã hội của 14 tỉnh.
Kết quả, năm 2020 chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế – xã hội của chung vùng trung du và miền núi phía Bắc đạt tổng số 48,79 điểm; tính đến năm 2023 chỉ số này của vùng đã có chuyển biến tích cực đạt 54,23 điểm, tăng 5,44 điểm so với năm 2020. Xếp hạng chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc năm 2023 đứng ở vị trí thứ nhất là tỉnh Thái Nguyên đạt 72,74 điểm, tăng 8,98 điểm so với năm 2020; thứ hai là tỉnh Bắc Giang đạt 64,33 điểm, tăng 6,34 điểm; thứ ba là tỉnh Phú Thọ đạt 63,20 điểm, tăng 6,99 điểm, xếp hạng cuối cùng là tỉnh Điện Biên đạt 38,65 điểm, tăng 2,44 điểm so với năm 2020.
Đánh giá kết quả chung cho thấy xếp hạng trình độ phát triển kinh tế – xã hội hội giai đoạn 2020-2023 đã phản ánh cơ bản thực trạng, khách quan kết quả đạt được của từng tỉnh cũng như của chung toàn vùng. Thứ bậc xếp hạng của các tỉnh trong Vùng đã bám sát với tình hình thực tế tại mỗi địa phương, đảm bảo được tính khách quan trong đánh giá, xếp hạng với mục tiêu nghiên cứu.
Tại Hội nghị, các nhà nghiên cứu, khoa học, nhà quản lý nhận định Phú Thọ là tỉnh luôn nằm trong tốp đầu về trình độ phát triển kinh tế – xã hội trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong duy trì sự tăng trưởng kinh tế – xã hội trong giai đoạn 2020-2023. Các đại biểu đã thảo luận làm rõ nguyên nhân, tồn tại, hạn chế và đề xuất tới các cấp có thẩm quyền các giải pháp nâng cao chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Trong đó tập trung vào các giải pháp duy trì các chỉ tiêu tăng trưởng cao cũng như chỉ ra những nguyên nhân, hạn chế, đề xuất biện pháp cải thiện các chỉ tiêu thành phần xếp thứ hạng thấp, chỉ tiêu tăng trưởng chậm, giảm thứ hạng như: Tỷ lệ rừng hiện có; tỷ lệ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh môi trường; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ đô thị hóa; hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập… Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Kim Hương
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận