Đỉnh cao: Lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam có doanh thu vượt mốc 1 triệu tỷ đồng
Năm 2024 đánh dấu năm thứ ba liên tiếp PVN phá kỷ lục về tổng doanh thu, đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước Covid-19 và tương đương khoảng 9% tổng GDP của cả nước.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024.
Theo đó, tất cả các chỉ tiêu sản xuất trọng yếu của Tập đoàn đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 6% đến 24%. So với năm 2023, PVN có 4 chỉ tiêu sản xuất trọng yếu tăng trưởng, gồm sản xuất urea tăng 4,6%; sản xuất điện tăng 25,8%; sản xuất xăng dầu (bao gồm NSRP) tăng 6,7%; sản xuất NPK tăng 19,5%.
Cụ thể, tổng doanh thu của PVN tăng 6%; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn tăng 9%; doanh thu hợp nhất tăng 9%.
Đáng chú ý, năm 2024 đánh dấu năm thứ ba liên tiếp PVN phá kỷ lục về tổng doanh thu, đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước Covid-19 và tương đương khoảng 9% tổng GDP của cả nước. Như vậy, PVN chính thức trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trong lịch sử đạt mức doanh thu hơn 1 triệu tỷ đồng/ năm.
Hiện nay, hằng năm PVN cung cấp gần 9-11 tỷ m3 khí cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70-80% lượng khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước.
PVN cũng là doanh nghiệp đứng thứ 2 về cung cấp điện với tổng công suất các nhà máy điện đạt 6.605 MW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia.
Trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của PVN vượt mức hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản tiền mặt và tiền gửi là gần 347.600 tỷ đồng. Nợ phải trả của Tập đoàn tại cuối năm 2023 hơn 479.000 tỷ, trong đó, tổng nợ vay hơn 262.000 tỷ. Vốn chủ sở hữu của PVN ở mức 532.000 tỷ.
Trong số các doanh nghiệp Việt hiện nay, PVN là doanh nghiệp duy nhất không phải ngân hàng có quy mô tài sản vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận