Hãng xe lớn nhất của Nga AvtoVAZ tiếp cận thị trường Việt Nam
Đại diện Đại sứ quán Nga cho biết, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước không ngừng phát triển dù Nga đang chịu nhiều áp lực trừng phạt.
AvtoVAZ, nhà sản xuất ôtô lớn nhất của Nga, đang nghiên cứu tiếp cận thị trường Việt Nam, theo lời ông Viacheslav Kharinov, Trưởng đại diện thương mại Nga tại Việt Nam.
Tập đoàn AvtoVAZ đang gửi 9 mẫu xe sang Việt Nam để làm thủ tục kiểm định và cấp giấy phép, chuẩn bị cho việc xuất khẩu các xe này sang thị trường Việt Nam, ông Kharinov nói tại buổi họp báo ngày 26/12 tại Hà Nội.
AvtoVAZ, được thành lập hồi cuối thập niên 1960, nổi tiếng với thương hiệu xe Lada. Cuối tháng 9/2024, hãng xe này cho biết mẫu xe điện “Lada e-Largus” của hãng đã được đưa vào sản xuất công nghiệp với mức độ nội địa hóa hơn 50% – mức cao nhất ở Nga hiện nay. Lada e-Largus sẽ có 2 phiên bản: chở khách và thương mại, có phạm vi hoạt động từ 320 đến 420km.
Từ trái qua: Trưởng đại diện thương mại Nga tại Việt Nam Viacheslav Kharinov; Đại sứ Nga tại Việt Nam G.S. Bezdetko; Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội V.V. Murashkin. Ảnh: Luyện Vũ
Theo Trưởng đại diện thương mại Nga, một điển hình về nội địa hóa sản xuất của Nga ở Việt Nam với sự tham gia của chính phủ hai nước là nhà máy lắp ráp ô tô GAZ tại Đà Nẵng, được thành lập năm 2019.
“Trong 5 năm vừa qua, các sản phẩm thương hiệu GAZ đang dần củng cố vị trí của mình ở thị trường Việt Nam và phát triển xuất khẩu sang các nước trong khu vực”, ông Kharinov nói.
Thông tin thêm về dự án này, Đại sứ Nga tại Việt Nam G.S. Bezdetko cho biết, kể từ khi đưa dây chuyền sản xuất vào cuối năm 2020, công ty đã lắp ráp và bán ra thị trường Việt Nam khoảng 2,5 nghìn ô tô công dụng khác nhau.
Cùng với ngành công nghiệp ô tô, một tiềm năng lớn khác để phát triển hợp tác công nghiệp giữa Nga và Việt Nam là lĩnh vực công nghiệp y tế và dược phẩm, công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, thuốc của Nga bị hạn chế tiếp cận do quy định quản lý lưu hành thuốc ở Việt Nam định hướng theo các tiêu chuẩn phương Tây, ông Kharinov nhấn mạnh. Một biện pháp hiệu quả để khắc phục rào cản này là các nhà sản xuất Nga nội địa hóa sản xuất ở Việt Nam.
Ông thông tin, tại Việt Nam đang ứng dụng và triển khai thành công một số dự án công nghệ cao của các doanh nghiệp IT Nga trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, thành phố thông minh, số hóa ngành ngân hàng, giải pháp số cho doanh nghiệp, khai thác mỏ và nông nghiệp.
Theo Trưởng đại diện thương mại Nga, một vấn đề cấp thiết trong chương trình nghị sự song phương về hợp tác kinh tế thương mại là các ngân hàng phải đảm bảo được thanh toán qua lại giữa doanh nghiệp hai nước. Ngân hàng liên doanh Việt-Nga (VRB) đã thiết lập được hệ thống thanh toán bằng các đồng nội tệ.
Thương mại Việt-Nga không ngừng phát triển
Đại sứ G.S. Bezdetko cho biết, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước không ngừng phát triển dù Nga đang chịu nhiều áp lực trừng phạt.
Hai bên đã chuẩn bị dự thảo kế hoạch toàn diện về phát triển hợp tác Nga-Việt trong giai đoạn đến năm 2030, trong đó bao gồm lộ trình thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại và đầu tư, công nghiệp, năng lượng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và giáo dục.
Ông Kharinov khẳng định: “Mối quan hệ song phương vững chắc và sự tin cậy về chính trị ở cấp cao nhất đang góp phần phát triển mạnh mẽ hợp tác kinh doanh cùng có lợi giữa hai nước”.
Ông Kharinov dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong 11 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 4,15 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Nga sang Việt Nam là 2,03 tỷ USD, nhập khẩu từ Việt Nam là 2,12 tỷ USD. Trong 12 tháng năm 2023, các số liệu tương ứng là 3,6; 1,9 và 1,7 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga sang Việt Nam bao gồm than đá, phân bón, thủy sản, lúa mỳ và hóa chất. Ngược lại, Việt Nam xuất sang Nga chủ yếu là vải, hàng dệt may, máy móc thiết bị, cà phê, thủy sản, và rau củ quả.
TUẤN MINH
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận