Năm 2025: Đồng Tháp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD
Với sự phục hồi của thị trường thế giới, đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất khẩu hàng hoá của tỉnh Đồng Tháp năm 2024 đã có những khởi sắc và đạt được nhiều kết quả tích cực. Thông tin cụ thể về nội dung này, bà Võ Phương Thủy – Giám đốc Sở Công Thương có chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp.
Phóng viên: Thưa bà, kết quả tổng quan về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong năm vừa qua như thế nào, những ngành hàng nào đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của tỉnh?
Bà Võ Phương Thủy – Giám đốc Sở Công Thương
Bà Võ Phương Thủy: Năm 2024, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Tháp nói chung và ngành Công Thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, ngành Công Thương đã tham mưu tỉnh triển khai kịp thời nhiều chương trình, kế hoạch, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xúc tiến xuất khẩu và trong điều kiện kinh thế thế giới dần hồi phục, sôi động trở lại, nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh đã chủ động nắm bắt cơ hội thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Do vậy, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong năm qua đạt kết quả khả quan.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2024 của Đồng Tháp ước đạt gần 2,1 tỷ USD, tăng 49% so với năm 2023. Trong đó, 02 mặt hàng xuất khẩu chủ lực: Gạo và thuỷ sản chiếm tỷ trọng gần 80% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và nằm trong nhóm đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu.
Phóng viên: Đâu là nguyên nhân chính của sự tăng trưởng, đặc biệt là đối với 02 ngành hàng chủ lực của tỉnh là thủy sản và gạo, thưa bà?
Bà Võ Phương Thủy: Động lực tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh trong năm vừa qua chủ yếu đến từ sự tăng trưởng mạnh của mặt hàng gạo. Trong năm 2024, mặt hàng gạo tăng trưởng ấn tượng, trở thành điểm sáng của xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có 14 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương cấp Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu. Do nhiều yếu tố thuận lợi từ nhu cầu của thị trường, nguồn cung tại một số quốc gia bị sụt giảm do El Nino đẩy giá gạo tăng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã tận dụng tốt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác, việc cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, áp dụng các mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp v.v. đã góp phần nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu của Đồng Tháp. Theo thống kê, tổng lượng gạo xuất khẩu của Đồng Tháp năm 2024 ước đạt gần 1,6 triệu tấn, kim ngạch ước đạt 994 triệu USD, tăng 129% về lượng và tăng 126% về giá trị so với thực hiện năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 47% trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tổng lượng gạo xuất khẩu của Đồng Tháp năm 2024 ước đạt gần 1,6 triệu tấn
Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu của tỉnh vẫn ghi nhận tăng trưởng so với năm 2023. Lượng thủy sản xuất khẩu ước đạt hơn 283.000 tấn (283.138 tấn), tăng 10% so với năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 647 triệu USD, tăng 3% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng hơn 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Phóng viên: Sở Công Thương đã đề ra những mục tiêu cụ thể nào cho kim ngạch xuất khẩu trong năm 2025 và có chiến lược cụ thể nào để phát triển những mặt hàng xuất khẩu chủ lực hay không?
Bà Võ Phương Thủy: Như đã phân tích trên, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2024 tăng trưởng gần 50% so với năm 2023, là mức tăng trưởng cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Điều này đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan như doanh nghiệp của tỉnh chủ động cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng động trong việc tiếp cận các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, còn có nguyên nhân khách quan đến từ nhu cầu thị trường tăng đột biến (đối với sản phẩm gạo) do các nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới ban hành lệnh cấm xuất khẩu khiến nguồn cung giảm. Cùng với đó, các yếu tố thời tiết, khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm, là những mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu chính. Những yếu tố khách quan kể trên biến động theo thời điểm và tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Do đó, ngành Công Thương nhận định, xuất khẩu năm 2024 ghi nhận tăng trưởng đột phá song vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn trong năm 2025.
Trong năm 2025, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, trong đó tiếp tục xác định các ngành hàng xuất khẩu chủ lực là gạo và thuỷ sản. Bên cạnh đó, còn có mặt hàng da giày, dệt may v.v. là những ngành cũng có đóng góp nhiều cho kim ngạch xuất khẩu.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên và phát triển xuất khẩu gắn với ngành hàng chủ lực, ngành sẽ tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp; Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu kết hợp phát triển ngành công nghiệp chủ lực tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 25/8/2020 về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực, đặc thù giai đoạn 2021 – 2025, nhằm giữ vững các ngành công nghiệp có lợi thế, nâng cao chuỗi giá trị tăng tính cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu trên thị trường thế giới.
Ngoài ra, ngành Công Thương sẽ tham mưu triển khai Đề án xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030. Kế hoạch thực hiện Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại ngoài nước nhằm mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, hướng đến khai thác các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng; đẩy mạnh khai thác hiệu quả các thị trường mà Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và thực hiện nhiều chương trình, nội dung phối hợp với các Sở, ngành tỉnh, các đơn vị liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu.
Các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia. Đồ họa: Báo Chính phủ
Phóng viên: Để đạt mục tiêu đó, Sở Công Thương có biện pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua những khó khăn như chi phí logistics, cạnh tranh quốc tế, hay rào cản kỹ thuật từ các thị trường lớn?
Bà Võ Phương Thủy: Xác định công nghiệp chế biến là động lực thúc đẩy xuất khẩu bền vững, trong năm 2025, Ngành sẽ tiếp tục triển khai các Phương án phát triển Cụm công nghiệp; Phương án phát triển điện lực, năng lượng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 theo Quy hoạch tỉnh; Kế hoạch tuyên truyền thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2025; Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục vận dụng các chính sách hỗ trợ từ Chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đồng thời cải tiến bao bì, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu v.v. để thúc đẩy ngành sản xuất phát triển, tạo động lực cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện Đề án xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030; Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện công tác hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2025; Triển khai nhiều biện pháp thông tin thị trường, phát huy vai trò của Tổ Thông tin và phân tích thị trường nông sản; triển khai kế hoạch tuyên truyền về các Hiệp định FTA thế hệ mới (như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP) và phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế nhằm giúp doanh nghiệp khai thác, tận dụng tối đa hiệu quả các lợi thế, các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng đầu tư, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Ngành Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện tốt công tác phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ các ngành hàng sản xuất trong nước và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân. Tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp. Song song đó, triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà và chúc cho ngành Công Thương sẽ đạt được nhiều thắng lợi trong thực hiện mục tiêu đề ra!
Nguyệt Ánh thực hiện
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận