Ngành Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh: Gỡ khó để phát triển
Năm 2024, ngành Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường BĐS gặp nhiều thách thức. Đã có 34/64 dự án lớn được gỡ vướng về pháp lý, giúp hồi phục niềm tin của nhà đầu tư và ổn định thị trường.
Tuyến vành đai 3 đoạn qua một khu đô thị tại thành phố Thủ Đức
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Năm 2024, nhiệm vụ của ngành Xây dựng rất nặng nề nhưng Ngành đã có nhiều cách làm mới như: Xây dựng trình tự thủ tục đầu tư các dự án NƠXH; ủy quyền phân cấp thực hiện dự án đầu tư xây dựng lại chung cư cấp D, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại; xây dựng và triển khai hệ thống phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý cấp phép xây dựng tại Sở Xây dựng và các quận, huyện, TP Thủ Đức; xây dựng và triển khai hệ thống quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị; tạo lập cơ sở dữ liệu và số hóa hồ sơ, tài liệu Giấy phép xây dựng và hồ sơ quản lý nhà thuộc sở hữu Nhà nước, giai đoạn 2023 – 2025…
Cụ thể, ngành Xây dựng đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư xây dựng, giúp rút ngắn thời gian cấp phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; duy trì tỷ lệ giải quyết 100% hồ sơ trước hạn, đúng hạn, không có hồ sơ trễ hạn; tiếp tục triển khai vận hành trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM (http://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/vi) đối với 28 thủ tục hành chính (17 thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình và 11 thủ tục hành chính trực tuyến một phần); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Sở, đảm bảo 100% văn bản, tài liệu giải quyết công việc trong nội bộ và giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử (trừ những văn bản, tài liệu mật); đặc biệt vận hành, nâng cấp, cải tiến App Mobile SXD247, tuyên truyền để người dân sử dụng, kịp thời phản ánh, kiến nghị các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý của Sở…
Ông Trần Hoàng Quân – Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 của Thành phố, Sở Xây dựng đã chủ động xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm là triển khai các chương trình đề án, nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển đô thị, chỉnh trang cải tạo lại chung cư cũ, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đổi mới cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về cơ chế đặc thù, tổ chức công tác cán bộ và xây dựng pháp luật.
Phát triển NƠXH và cải tạo nhà ven kênh rạch
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, năm 2024, ngành Xây dựng có nhiều kiến nghị giải pháp gửi UBND Thành phố và cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Trong đó, phối hợp với đơn vị liên quan giải quyết vướng mắc các dự án nhà lưu trú công nhân; góp ý mô hình Quỹ tiết kiệm NƠXH TP.HCM và xây dựng Đề án về nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống chính trị thành phố.
Một dự án phát triển đô thị tại TP Thủ Đức theo định hướng khu đô thị thông minh với mật độ cây xanh và mặt nước chiếm gần 80%.
Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ giải quyết vướng mắc tại khu đất 1,21 ha xây dựng NƠXH trong dự án Khu tái định cư, công viên cây xanh và trung tâm thể dục thể thao diện tích 17,519 ha, phường 12, quận Bình Thạnh; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng NƠXH có quy mô lớn. Tình hình thực hiện thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng, cam kết kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng hoàn thành tại quỹ đất 20% diện tích đất ở để phát triển NƠXH như: Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc thuộc dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu Trung tâm dân cư Tân Tạo – Khu A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân; dự án Khu nhà ở 11A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh theo tiến độ đã duyệt; Công ty CP Xây dựng Sài Gòn thuộc dự án Khu dân cư Cát Lái (Khu đô thị PhoDong Village), phường Cát Lái, TP Thủ Đức; Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền thuộc dự án Khu nhà ở Công ty Phú Điền tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè…
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp về xây dựng Đề án đầu tư xây dựng các dự án NƠXH và chính sách bồi thường phục vụ cho công tác di dời đối với nhà đất trên và ven sông, kênh, rạch tại thành phố.
Theo đề án cải tạo nhà ở ven kênh rạch, tình trạng nhà ở trên và ven sông, kênh, rạch là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của thành phố. Giải quyết tình trạng này giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo ra không gian đô thị thông thoáng, giảm thiểu nguy cơ thiên tai, đồng thời phát triển hạ tầng giao thông và môi trường sống đô thị. Thành phố đã đánh giá, tìm giải pháp, cơ chế, chính sách để thực hiện di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.
Từ năm 1993 đến nay, thành phố đã di dời, giải phóng mặt bằng 40.381 căn nhà trên và ven kênh rạch, thuộc 4 tuyến kênh rạch chính và các chi lưu. Theo kế hoạch bố trí vốn đến hết năm 2025, dự kiến sẽ thực hiện bồi thường, di dời 5.717/6.500 căn, đạt 87,95% chỉ tiêu đề ra.
Trên địa bàn thành phố hiện có 17 quận, huyện có nhà trên và ven sông, kênh, rạch, với tổng số 47.516 căn (đã di dời 1.400 căn). Thành phố xác định đây là nhiệm vụ nặng nề, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và giải pháp đồng bộ, hiệu quả mới mong sớm giúp người dân ổn định cuộc sống.
Người đứng đầu UBND Thành phố cho rằng: “Trên tinh thần rất khẩn trương, không được chậm trễ, chúng ta phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và rất ý nghĩa. Thành phố quyết tâm đến năm 2030, cơ bản phải di dời, tái định cư 46.000 căn nhà trên,ven sông, kênh rạch”.
Đối với quỹ đất sau di dời, Thành phố sẽ chỉnh trang về giao thông, thủy lợi, cảnh quan và chọn một số địa điểm chỉnh trang kết hợp khai thác quỹ đất dựa trên cơ sở pháp lý nhưng không lạm dụng để tạo nguồn vốn. Chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức phải xác định các vị trí đất này dựa trên quy hoạch hoặc đã có định hướng quy hoạch. Đồng thời, các quận, huyện phải phân loại danh sách diện quy hoạch nằm trong ranh và chỉnh trang, từ đó có tiêu chí và phạm vi danh sách.
Để thực hiện việc này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Sở TN&MT làm việc với các quận, huyện về vị trí tái định cư, khai thác quỹ đất, cũng như rà soát quy hoạch để xem cần điều chỉnh hoặc bổ sung quy hoạch hay không. Sở Xây dựng và Viện Nghiên cứu và Phát triển được yêu cầu thuê đơn vị tư vấn để thực hiện nhiệm vụ theo đúng tiến độ.
Với những giải pháp cụ thể và sự quyết tâm từ các cơ quan chức năng, hy vọng rằng thị trường BĐS TP.HCM sẽ sớm vượt qua khó khăn, tạo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư và người dân.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận