TS-KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng: Công trình xanh – nốt thăng trong “bản giao hưởng” đô thị bền vững
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2022, cả nước mới chỉ có 233 công trình đã được chứng nhận và hơn 20 công trình khác đang được đánh giá là “công trình xanh” với tổng diện tích trên dưới 6 triệu mét vuông sàn xây dựng đạt tiêu chí công trình xanh – con số vô cùng khiêm tốn so với số lượng dự án xây dựng trong suốt thập niên qua.
Làm sao để thúc đẩy phát triển các công trình xanh – nốt thăng nổi bật trong “bản giao hưởng” đô thị bền vững mà tất cả các nước phát triển đang hướng đến?
Công trình xanh không có nghĩa là nhiều cây xanh
TS-KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng.
“Năm 2024, biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến Việt Nam qua nhiều hiện tượng thiên nhiên như bão lụt, lũ quét, sạt lở đất… ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều vùng trên cả nước. Việt Nam thường xuyên phải hứng chịu những cơn “thịnh nộ” của thiên nhiên là kết quả của biến đổi khí hậu, rõ nhất là cơn bão Yagi đã tác động đến miền Bắc hồi tháng 9 vừa qua. Vì thế, giải pháp công trình xanh để thích ứng, giảm nhẹ, đảm bảo khả năng xoay chuyển linh hoạt, đa dạng trước các tác động của biến đổi khí hậu là xu hướng tất yếu của ngành xây dựng Việt Nam nhằm đáp ứng được các giá trị về kinh tế, văn hóa, công nghệ, các yêu cầu và chất lượng cuộc sống trong hiện tại và tương lai” – Đó là khẳng định của TS-KTS. Lê Thị Bích Thuận (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng), bên lề Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024, vừa được Bộ Xây dựng tổ chức đầu tháng 11.2024.
Không còn bàn cãi, công trình xanh đã và đang trở thành xu hướng toàn cầu, tạo nên “bản giao hưởng” đô thị bền vững, giữa bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, theo bà Thuận, nhận thức của mọi người về công trình xanh vẫn chưa chính xác: “Nước ta đã xuất hiện các đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công trình xanh nhưng vẫn chưa có những chính sách và giải pháp quyết liệt, cụ thể để thúc đẩy sự phát triển công trình xanh. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường công trình xanh Việt Nam chậm phát triển. Việc thực hiện các công trình xanh ở Việt Nam đang là tự nguyện, tự lực của các chủ đầu tư, không có hướng dẫn, quy định hay khuyến khích gì từ cơ quan có thẩm quyền.
Việt Nam cũng chưa có hệ thống đánh giá nào được cơ quan quản lý nhà nước chính thức ban hành như một công cụ có tính pháp lý để đánh giá, quản lý công trình xanh. Hơn nữa, nhận thức về công trình xanh còn chưa chính xác, hầu hết công trình xanh đều được hiểu phiến diện nghĩa là nhiều cây xanh”.
Bà Thuận lý giải công trình xanh phải đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, nước, vật liệu… ngoài ra phải đảm bảo không tác động xấu tới sức khỏe con người, giảm thiểu chất thải độc hại cho môi trường. Cụ thể hơn, công trình xanh đòi hỏi các giải pháp trên bốn lĩnh vực: giảm năng lượng sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm bên ngoài và làm tổn hại môi trường, giảm năng lượng và tiêu hao tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm bên trong và tổn hại sức khỏe con người.
Công trình xanh cũng đòi hỏi công trình kiến trúc phải giảm áp lực lên môi trường, giảm và xử lý chất thải, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nói cách khác là kiến trúc phải thân thiện với tự nhiên, không phá vỡ sự cân bằng của môi trường sống. Khái niệm “Kiến trúc xanh/Công trình xanh/Green Building” được coi là hoạt động đóng góp quan trọng, tích cực và hiệu quả nhất của lĩnh vực xây dựng nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và bảo đảm sự phát triển bền vững của Trái đất.
Tòa nhà trụ sở của Viettel đạt tiêu chuẩn của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ. Ảnh: CTV
Cũng theo bà Thuận, trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, trào lưu kiến trúc tại các nước phát triển lan sang các nước đang phát triển như Việt Nam được xem là một mô hình lý tưởng. Những mô hình công trình xanh khiến các nước đang phát triển “choáng ngợp” bởi các giải pháp công nghệ tân tiến, vật liệu xây dựng hiện đại. Tuy nhiên ứng dụng một cách linh hoạt và phù hợp vào trong điều kiện riêng từng nước, từng địa phương còn là một khoảng trống lớn. Việc hiện thực công trình xanh tại Việt Nam đang gặp rất nhiều trở ngại.
Cần gấp một bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh chính thống
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt đề rõ, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 30% công trình xây mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, 20% số lượng công trình xây mới và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân đạt các tiêu chí xanh, giảm 10 – 15% mức tiêu thụ năng lượng vận hành công trình/m2 sàn so với năm 2010… Phấn đấu đến năm 2030 con số này là 40% đối với công trình xây bằng vốn ngân sách nhà nước và 30% công trình xây bằng vốn tư nhân đạt tiêu chí xanh, mức tiêu thụ năng lượng đến năm 2030 giảm tiếp 5-10% so với năm 2020.
Để hoàn thành mục tiêu vạch ra, theo bà Thuận, cần nhất hiện nay là xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh “thuần Việt” do Bộ Xây dựng đưa ra để các công trình xanh có “điểm tựa” cất cánh.
Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia tổ chức tọa đàm tháng 9.2023. Ảnh: CTV
Hiện tại, Việt Nam đang sử dụng 6 công cụ đánh giá công trình xanh chính. TS-KTS. Lê Thị Bích Thuận chỉ rõ: Một là công cụ đánh giá công trình xanh do Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam biên soạn theo đặt hàng của Bộ Xây dựng. Hai là LOTUS – Hệ thống đánh giá công trình xanh do Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ và là thành viên của Hội đồng Công trình Xanh Thế giới thực hiện. Ba là LEED – Hệ thống đánh giá công trình xanh do Hội đồng Công trình Xanh Mỹ nghiên cứu và áp dụng cho cả các công trình trong và ngoài lãnh thổ Mỹ. Bốn là Green Mark – Hệ thống đánh giá công trình xanh do Hiệp hội Công trình Xanh Singapore, trực thuộc Bộ Xây dựng Singapore đề xuất. Năm là tiêu chí Kiến trúc xanh – hệ thống đánh giá do Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất. Sáu là Hệ thống EDGE – Hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả do Tổ chức Tài chính Quốc tế, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế Giới sáng tạo.
“Hầu hết các chủ đầu tư nước ngoài và cả những chủ đầu tư Việt Nam vẫn lựa chọn các bộ công cụ quốc tế như LEED và Green Mark do các bộ công cụ này mang lại giá trị quảng bá cao hơn. Trong năm 2014, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cũng đã cho ra đời bộ công cụ Công trình xanh với mục tiêu tạo ra một công cụ thuần Việt, tuy nhiên cho tới nay công cụ mới chỉ được áp dụng đánh giá thành công cho một công trình chung cư tại Hà Nội. Xuất hiện cuối cùng nhưng đang giữ tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là công cụ EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)”, bà Thuận cho biết.
Rõ ràng, các bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh vẫn chưa thống nhất và chưa ban hành thành luật, nghị định, quy định. Vì thế Bộ Xây dựng cần thống nhất các tiêu chí này để các đơn vị, tổ chức tại Việt Nam áp dụng hiệu quả vào đời sống.
“Công trình xanh” là vấn đề địa phương nên không thể áp dụng máy móc kinh nghiệm các nước hàn đới vào Việt Nam. Hệ thống đánh giá này phải được xây dựng trên một hệ thống chứng thực rõ ràng, lấy phương thức định lượng để kiểm tra hiệu quả, đồng thời đưa ra thị trường những hạn chế và quy định, thúc đẩy nghiên cứu các yếu tố môi trường trong quá trình thiết kế, vận hành, quản lý và bảo vệ, hướng kiến trúc.
“Bộ Xây dựng sớm hoàn thiện và nâng cấp hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Nghiên cứu các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đến vật liệu, thiết kế lắp đặt trang thiết bị công trình, đánh giá hiệu quả năng lượng của vật liệu và thiết bị, hiệu quả năng lượng của tòa nhà. Đồng thời xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chứng nhận công trình xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam; bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng cho công trình xanh”, bà Thuận đề xuất.
Đề xuất đồng bộ hóa các khái niệm “xanh” trong đô thị
Thực trạng quá tải và ô nhiễm ở các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay đặt ra nhu cầu tất yếu hình thành và phát triển đô thị xanh, bền vững. Với chủ trương thông qua các tọa đàm khoa học để từng bước hệ thống hóa cơ sở lý luận về hạ tầng xanh và các thành phần xanh của hạ tầng xanh một cách toàn diện, Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng đã khởi xướng và phối hợp với các đơn vị tổ chức chuỗi tọa đàm quan trọng hướng đến đô thị xanh, bền vững: Nghĩa trang và an táng xanh (tháng 11.2024); Quản lý chất thải rắn xanh và Vệ sinh môi trường xanh (tháng 8.2024); Hạ tầng xanh và Chiếu sáng xanh (tháng 5.2024); Hạ tầng xanh và Cấp nước xanh (tháng 12.2023); Hạ tầng xanh và Công viên xanh (tháng 11.2023); Hạ tầng xanh và Thoát nước xanh (tháng 10.2023); Hạ tầng xanh và Giao thông xanh (tháng 9.2023)…
Từ kết luận của các tọa đàm, Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng đề xuất đồng bộ hóa các khái niệm “xanh” trong đô thị. Cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí của mỗi thành tố “xanh” trong đô thị. “Đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh không chỉ là đầu tư vào môi trường, mà còn là một bước ngoặt trong việc tạo ra những cộng đồng lành mạnh và đáng sống cho các thế hệ tương lai”, PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, nhận định.
Việt Đan
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận