Triển vọng phát triển dài hạn thị trường bán lẻ Việt Nam
Trung tâm thương mại đang dẫn dắt sự phát triển ngành bán lẻ tại Việt Nam trở thành lựa chọn ưu tiên của các thương hiệu quốc tế.
Với nền kinh tế ổn định và có tốc độ tăng trưởng tốt, Việt Nam đang trở thành thị trường đầy tiềm năng đối với các thương hiệu quốc tế. Theo công bố từ Tổng cục Thống kê vào tháng 10/2024, GDP quý III/2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu bởi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 11,4%.
Với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu mở rộng và hạ tầng cải thiện, thị trường bán lẻ Việt Nam hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Nghiên cứu của Savills và Oxford Economics dự báo, dân số TP.HCM và Hà Nội sẽ vượt ngưỡng 10 triệu người vào năm 2028, củng cố sức hút của thị trường. Việt Nam cũng đang trong giai đoạn dân số vàng, với 21% dân số thuộc độ tuổi 10-24, theo Liên Hợp Quốc. Tầng lớp trung lưu mở rộng nhanh chóng, dự kiến đạt 23,2 triệu hộ gia đình vào năm 2030, theo World Bank, tạo động lực lớn cho tiêu dùng, đặc biệt trong phân khúc cao cấp.
Mặc dù các thương hiệu cao cấp đã gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam, quy mô thị trường vẫn còn khiêm tốn so với Bangkok hay Singapore. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa kinh tế ổn định, dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mở ra cơ hội để Việt Nam phát triển ngành bán lẻ cao cấp, hướng tới vị thế ngang tầm với các thị trường lớn trong khu vực.
Dự báo dân số và GDP năm 2028, sự hiện diện của thương hiệu tính đến tháng 2 năm 2024. Nguồn: Nghiên cứu của Savills, Oxford Economics
TP.HCM: Trung tâm phát triển sôi động
TP.HCM tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế và bán lẻ hàng đầu Việt Nam, đóng góp 22% GDP cả nước và đạt doanh thu bán lẻ hơn 765.000 tỷ VNĐ trong 8 tháng đầu năm 2024, tăng 10% so với cùng kỳ.
Theo Savills, trong Quý 3/2024, diện tích cho thuê mặt bàng bán lẻ TTTM tại TP.HCM đạt 1,6 triệu m², tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Công suất thuê trung bình duy trì ở mức 94%, với các dự án lớn Hùng Vương Plaza, AEON Mall, Vạn Hạnh Mall đạt 100% công suất, phản ánh nhu cầu mạnh mẽ. Thị trường năm 2024 chứng kiến thêm sự gia nhập của nhiều thương hiệu quốc tế lớn.
Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận Cho thuê Bán lẻ Savills Việt Nam nhận định: “Năm 2024, nhiều thương hiệu mới từ các lĩnh vực như SOCIÉ Esthetic, Urban Revivo và POP MART đã tìm kiếm vị trí vàng, khiến thị trường mặt bằng trở nên rất sôi động.”
Trong Quý 4/2024, hơn 27.600 m² sàn từ ba dự án mới ngoài trung tâm dự kiến khai trương, đánh dấu bước mở rộng quan trọng trong thị trường bán lẻ TP.HCM. Đến năm 2027, khu vực ngoài trung tâm sẽ chiếm 55% tổng nguồn cung 163.100 m², giảm áp lực tại các quận trung tâm và tận dụng hiệu quả hạ tầng giao thông cùng mật độ dân cư cao. Với sự phát triển đồng đều từ trung tâm đến ngoại vi, TP.HCM giữ vững vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.
Trung tâm thương mại: Lợi thế cạnh tranh vượt trội
Trung tâm thương mại (TTTM) đang trở thành lựa chọn hàng đầu của các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam nhờ lợi thế vượt trội về pháp lý, kỹ thuật và quản lý hiệu quả. So với mặt bằng phố, vốn gặp nhiều rào cản như quyền sở hữu không rõ ràng hay thời gian thi công hạn chế, TTTM được đánh giá là an toàn và thuận tiện hơn để các thương hiệu triển khai kế hoạch kinh doanh.
Tuy nhiên, chi phí thuê mặt bằng bán lẻ TTTM ở các quận trung tâm hiện đang cao hơn đáng kể so với các quận bán trung tâm, đặt ra không ít thách thức cho các thương hiệu mới gia nhập. Bà Trần Phạm Phương Quyên chia sẻ: “Giá thuê mặt bằng tại các quận trung tâm hiện nay trung bình đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba so với các quận bán trung tâm. Khi so với các thành phố khác, khoảng cách này lại còn lớn hơn nhiều.”
Không chỉ là nơi hội tụ của các thương hiệu xa xỉ, TTTM còn thu hút người tiêu dùng nhờ sự đa dạng ngành hàng, từ thời trang, ăn uống đến giải trí. Những lợi thế này đã củng cố vị thế của TTTM trong hệ sinh thái bán lẻ, đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh với các mô hình bán lẻ khác.
Thị trường bán lẻ và bất động sản bán lẻ tại Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu tích cực, nhờ nền kinh tế ổn định, dân số trẻ, và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. TP.HCM và Hà Nội, với hạ tầng giao thông cải thiện và quy mô dân số lớn tiếp tục dẫn đầu về nhu cầu không gian bán lẻ, thu hút sự quan tâm từ các thương hiệu quốc tế.
Dù đối mặt với nguồn cung hạn chế và giá thuê cao tại trung tâm, các khu vực ngoài trung tâm đang mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư và thương hiệu. Những yếu tố này không chỉ phản ánh sức hấp dẫn hiện tại mà còn khẳng định triển vọng phát triển dài hạn của thị trường bán lẻ tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành một điểm sáng trong khu vực.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận