Tạo lợi thế cho Ukraine khi đàm phán hòa bình

Tạo lợi thế cho Ukraine khi đàm phán hòa bình

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt gói trừng phạt quy mô lớn nhất đối với lĩnh vực năng lượng của Nga kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát vào tháng 2-2022 nhằm tạo thuận lợi cho Kiev trong các cuộc đàm phán hòa bình có thể xảy ra sau khi ông Donald Trump nhậm chức.

Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt quy mô lớn đối với lĩnh vực năng lượng Nga. Ảnh: TASS

Các lệnh trừng phạt được Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 10-1 nhắm vào hai công ty dầu khí Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas, hơn 180 tàu chở dầu cùng nhiều quan chức ngành năng lượng Nga, trong đó có Tổng Giám đốc điều hành Gazprom Neft Aleksandr Valeryevich Dyukov. Các công ty bảo hiểm Ingosstrakh và Alfastrakhovanie của Nga cũng nằm trong lệnh trừng phạt.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, các tàu chở dầu bị trừng phạt chủ yếu thuộc “hạm đội ngầm” đang né tránh các lệnh trừng phạt hiện hành đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Mátxcơva. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết: “Chúng tôi đang tăng cường trừng phạt liên quan đến hoạt động thương mại dầu mỏ của Nga, bao gồm cả vận chuyển và tạo điều kiện tài chính để hỗ trợ cho hoạt động này. Lệnh trừng phạt được phối hợp thực hiện với Vương quốc Anh”.

Gazprom Neft và Surgutneftegas đã xuất khẩu 970.000 thùng dầu mỗi ngày bằng đường biển trong 10 tháng của năm 2024. Đáng chú ý, việc Washington nhắm mục tiêu vào Ingosstrakh vì công ty này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo hiểm các tàu vận chuyển hàng hóa của Nga đến Ấn Độ. Hạn chế mới sẽ khiến các nhà máy lọc dầu Ấn Độ không thể mua dầu của Nga từ các tàu chở dầu bị trừng phạt hoặc được bảo hiểm bởi các công ty bị trừng phạt.

Giới chức Mỹ nhận định, lệnh trừng phạt này sẽ khiến nền kinh tế xứ sở Bạch dương thiệt hại hàng tỷ USD mỗi tháng. Do vậy, có khả năng sẽ thúc đẩy lạm phát và khiến Tổng thống Vladimir Putin khó có thể duy trì tài trợ cho cuộc xung đột. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết: “Những lệnh trừng phạt này, cùng với các hành động mà chúng tôi đã thực hiện trong vài tuần qua sẽ đưa Ukraine vào vị thế có khả năng làm việc với chính quyền mới để cố gắng tìm kiếm một nền hòa bình công bằng”.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, các biện pháp được công bố hôm 10-1 sẽ “gây ra một đòn đáng kể cho Mátxcơva. Nga càng ít doanh thu từ dầu mỏ… thì hòa bình càng sớm được khôi phục”.

Trên thực tế, mặc dù nền kinh tế Nga đã chứng tỏ được khả năng phục hồi nhưng vẫn chịu nhiều áp lực. Đồng rúp giảm xuống mức thấp nhất vào tháng 11 năm ngoái đã làm giảm sức mua của Nga. Trong khi tỷ lệ lạm phát hằng năm tăng ở mức gần 10% vào năm 2024, buộc ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất chuẩn lên 21%. Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và tình trạng thiếu hụt sản phẩm ngày càng trầm trọng. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Nga dự kiến sẽ tăng trưởng 1,3% trong năm nay, giảm so với mức 3,6% của năm 2024.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine đầu năm 2022 đã làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung lớn từ một trong những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. Giá dầu vọt lên tới 130 USD/thùng vào tháng 3-2022, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng lạm phát trên toàn bộ nền kinh tế Mỹ và đẩy giá xăng lên mức cao nhất mọi thời đại. Thời điểm đó, Nhóm G7 đã tạo ra một “mức giá trần” dầu mỏ nhằm mục đích hạn chế doanh thu mà Nga có thể kiếm được từ xuất khẩu dầu. Theo thời gian, hiệu quả của chiến lược này đã giảm dần khi Mátxcơva tăng cường các biện pháp để lách lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, nguồn cung dầu toàn cầu lành mạnh hơn và lạm phát giảm đã tạo ra cơ hội cho Washington gây thêm áp lực lên ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga trong bối cảnh cuộc xung đột đang tiến gần đến năm thứ tư. Giá dầu đã tăng lên hơn 80 USD/thùng vào ngày 10-1, khi có nhiều thông tin cho rằng, gói trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ thắt chặt nguồn cung trên thị trường toàn cầu.

Các biện pháp trừng phạt mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tăng cường sức mạnh mặc cả cho Ukraine nếu Kiev buộc phải đàm phán hòa bình với Nga sau khi ông Donald Trump nhậm chức. Ông Donald Trump đã tuyên bố muốn làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Mátxcơva và Kiev để chấm dứt chiến tranh, đồng thời từng bày tỏ mối quan ngại về tác động mà các biện pháp trừng phạt có thể gây ra đối với đồng USD và vị thế của nó. Do đó, hiệu quả của lệnh trừng phạt cuối cùng sẽ được chính quyền Tổng thống mới quyết định, bởi họ sẽ chịu trách nhiệm thực thi lệnh trừng phạt và có khả năng đảo ngược các biện pháp này.

Thùy Dương-Link gốc

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

Trong 1 năm, dự trữ ngoại hối của nước giáp biên với Việt Nam sụt mất 35 tỷ USD

Sự sụt giảm đến từ nhiều yếu tố.

Tiếp tục đọc

Rủi ro tỷ giá vẫn là mối lo, giá USD có thể tăng lên bao nhiêu?

Nhóm chuyên gia dự báo tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 25.800 VND/USD trong Quý 1/2025.

Tiếp tục đọc

Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chịu thiệt hại đáng kể từ lệnh trừng phạt dầu mỏ của Mỹ đối với Nga

Mỹ chuẩn bị áp lệnh trừng phạt lên 180 tàu và hai công ty dầu Nga, đe dọa xuất khẩu dầu thô Nga sang Trung Quốc, Ấn Độ giảm mạnh.

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay