Kích thích tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng

Kích thích tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng

Tiêu dùng trong nước đã phục hồi tích cực, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng 7,09% của nền kinh tế năm 2024. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, người dân vẫn tiếp tục xu hướng tiết kiệm chi tiêu.

(Ảnh: TRẦN THANH GIANG)

Với quyết tâm đưa nền kinh tế phục hồi và trở lại đà tăng trưởng cao, năm 2024 vừa qua, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ hướng mạnh vào phát triển thị trường trong nước nhằm đạt tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khoảng 9%. Nhiệm vụ này đã được hoàn thành trong năm 2024 với kết quả tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm ước đạt hơn 6,39 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023.

4 yếu tố làm tăng sức cầu

Theo bà Đinh Thúy Phương, Vụ trưởng Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê, có 4 yếu tố dẫn đến kết quả tích cực nêu trên. Trước hết, đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước; tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành sản xuất, bán lẻ hàng hóa; dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ du lịch lữ hành; dịch vụ vận tải, kho bãi…

Việc tiếp tục giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với một số mặt hàng thiết yếu và thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 cũng góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu tiêu dùng. Đáng lưu ý, kim ngạch nhập khẩu vật phẩm tiêu dùng năm 2024 tăng 20,6% so với năm 2023 cũng phản ánh cầu tiêu dùng trong nước hồi phục tích cực. Ngoài ra, tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường du lịch cũng góp phần quan trọng vào phục hồi cầu tiêu dùng.

Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 ước đạt hơn 17,5 triệu lượt khách, tăng 39,5% so với năm 2023, góp phần tác động lan tỏa đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số ngành kinh tế dịch vụ thị trường trong nước, gồm dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải; bán lẻ hàng hóa và dịch vụ du lịch lữ hành.

Tuy nhiên, bà Đinh Thúy Phương lưu ý, tiêu dùng phục hồi tích cực và đạt mục tiêu đề ra nhưng chưa đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng và chưa trở về mức tăng trưởng hai con số như thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Đáng lưu ý, trong cấu trúc tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cơ cấu tiêu dùng của người dân đối với các mặt hàng phục vụ thiết yếu đời sống chiếm tỷ trọng 77%, tăng so với tỷ trọng 75,3% của năm 2019.

Các dịch vụ xã hội khác như lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành, vui chơi, giải trí… đều giảm so với trước đại dịch. Điều này phản ánh người dân có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn và chủ yếu chỉ mua sắm, tiêu dùng ở các nhóm hàng thiết yếu phục vụ đời sống như lương thực, thực phẩm; hàng may mặc; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình; vật phẩm văn hóa, giáo dục,… Chi tiêu đối với các dịch vụ xã hội đều giảm so với thời kỳ trước dịch.

Tăng thu nhập cho người lao động

Theo các chuyên gia kinh tế, trong ngắn hạn, tiêu dùng vẫn là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng tiêu dùng nội địa chưa phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024 tăng trưởng vượt dự báo, thu nhập bình quân tháng của người lao động cũng tăng 8,6% là vấn đề rất đáng lưu ý trong điều hành năm 2025.

Trong ngắn hạn, tiêu dùng vẫn là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê tại một hội thảo gần đây cho biết: Tiêu dùng cuối cùng chiếm khoảng hai phần ba GDP của toàn nền kinh tế, do đó, tiêu dùng cuối cùng vẫn là động lực tăng trưởng rất quan trọng. Chính phủ cần có các giải pháp kích thích động lực tiêu dùng cuối cùng thông qua các giải pháp đem lại thu nhập cho người lao động, bảo đảm tất cả người lao động đều có thu nhập và tăng thu nhập của các hộ gia đình. Đặc biệt, cần có giải pháp hỗ trợ để người lao động sẵn sàng tìm kiếm việc làm, nhất là việc làm ở khu vực chính thức.

Từ con số tăng trưởng ấn tượng của kim ngạch nhập khẩu vật phẩm tiêu dùng năm 2024 và xu hướng du lịch nước ngoài của người dân, Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm cho rằng, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần nghiên cứu sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ở trong nước bảo đảm về chất lượng và cạnh tranh về giá cả để thu hút tiêu dùng hàng Việt và thúc đẩy du lịch trong nước, đóng góp mạnh mẽ hơn cho tăng trưởng.

Vì tiêu dùng hàng hóa nhập khẩu và nhập khẩu dịch vụ vô hình trung sẽ làm GDP giảm. Năm 2024, cả nước gần đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế và chỉ có khoảng 5,3 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên cả nước vẫn nhập siêu khoảng 380 triệu USD dịch vụ du lịch do chi tiêu của người Việt du lịch nước ngoài lớn hơn doanh thu từ khách du lịch quốc tế.

Lĩnh vực đóng góp đáng kể vào tổng mức tiêu dùng trong nước và có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới là thương mại điện tử. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 9% tổng mức hàng hóa tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ, duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử khoảng 20% trong 5 năm tiếp theo là cần thiết để thúc đẩy GDP đạt mức tăng trưởng hai con số.

Nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách giảm tới mức thấp nhất tác động tăng giá hàng hóa từ việc tăng lương cơ sở; duy trì ổn định nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng trong nước, nhất là các chương trình kết nối cung, cầu trên nền tảng số; bên cạnh đó, xúc tiến hoạt động du lịch, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, ưu tiên đối với các địa phương có lợi thế phát triển du lịch.

Phương Anh-Link gốc

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

Thế Giới Di Động và chiến lược hợp tác với các tập đoàn toàn cầu: đồng hành để vươn xa bền vững

Khởi đầu 2025, Thế Giới Di Động tiếp tục khẳng định tầm nhìn chiến lược khi liên tiếp ký kết hợp tác với hàng loạt đối tác lớn trên tinh thần Familyship: cùng hợp tác như người một nhà nhằm phát triển bền vững và mang lại những giá trị thiết thực cho khách hàng.

Tiếp tục đọc

‘Người tị nạn’ TikTok của Mỹ bất ngờ chuyển sang Xiaohongshu của Trung Quốc

Xiaohongshu-một nền tảng hình ảnh và video của Trung Quốc, đang chào đón nhiều "người tị nạn" khi ứng dụng TikTok đứng trước nguy cơ bị cấm tại Mỹ.

Tiếp tục đọc

‘Chu kỳ mới của bất động sản: Thị trường sẽ có tính thanh lọc lớn’

Thị trường bất động sản năm 2025 được kỳ vọng sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới. Chuyên gia Savills Đỗ Thu Hằng cho rằng sau mỗi chu kỳ, thị trường sẽ được nâng cấp và trở nên chuyên nghiệp, đồng bộ hơn so với chu kỳ cũ.

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay