Khách hàng mua dầu Nga chật vật xoay sở sau lệnh trừng phạt mới của Mỹ
Các công ty lọc dầu, hãng tàu dầu và các cảng trên khắp châu Á đang xoay sở tìm cách khắc phục hậu quả sau khi lệnh trừng phạt mới của Mỹ khiến đội tàu hơn 180 chiếc Nga tê liệt hoạt động.
Trung Quốc và Ấn Độ, hai nhà nhập khẩu dầu hàng đầu châu Á dự kiến chịu tác động lớn nhất từ lệnh trừng phạt này.
Cuối tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp lệnh trừng phạt đối với 183 tàu mà Moscow sử dụng để vận chuyển dầu đi khắp thế giới. Ảnh minh họa: IntelliNews
Đội tàu “bóng tối” chở dầu của Nga bị trừng phạt
Cuối tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp lệnh trừng phạt đối với 200 thực thể và cá nhân trong ngành dầu khí của Nga, bao gồm hai nhà sản xuất dầu Gazprom Neft và Surgutneftegas. Lệnh trừng phạt cũng được áp đặt với 183 tàu mà Moscow sử dụng để vận chuyển dầu đi khắp thế giới.
Trong số tàu đó, có nhiều tàu “bóng tối” được sử dụng để vận chuyển dầu đến Ấn Độ và Trung Quốc nhằm lách quy định trần giá dầu 60 đô la Mỹ/thùng mà phương Tây áp đặt với những thùng dầu từ Nga. Chính sách giá trần yêu cầu bất kỳ bên thứ ba nào muốn sử dụng các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, vận chuyển của châu Âu để mua dầu của Nga phải tuân thủ cơ chế giá trần.
Trong khi đó, tàu “bóng tối” là tàu đổi cờ, tắt hệ thống nhận diện tự động (AIS), gửi tín hiệu nhận diện giả, trao đổi dầu trên biển, hoặc tàu được quét sơn che tên, sử dụng tài liệu giả và che giấu quyền kiểm soát thông qua các lớp sở hữu và công ty quản lý.
Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden, các lệnh trừng phạt trên là mạnh mẽ nhất cho đến nay nhằm vào ngành năng lượng Nga, nơi tạo là nguồn doanh thu lớn nhất để tài trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Nếu được thực thi đầy đủ, các lệnh trừng phạt mới sẽ khiến Nga mất hàng tỉ đô la doanh thu xuất khẩu dầu mỗi tháng.
“Không có khâu nào nào trong chuỗi sản xuất và phân phối dầu của Nga không bị ảnh hưởng. Điều đó khiến chúng tôi tin tưởng hơn rằng, nỗ lực né lệnh trừng phạt sẽ còn gây tốn kém hơn nữa cho Nga”, vị này nói.
Ngân hàng Morgan Stanley trích dẫn dữ liệu từ công ty theo dõi tàu chở dầu Vortexa, cho biết các tàu chịu lệnh trừng phạt mới nhất vận chuyển khoảng 1,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào năm 2024. Con số này tương đương với khoảng 1,4% nhu cầu dầu toàn cầu.
Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy, kể từ khi lệnh trừng phạt của Mỹ công bố, có ít nhất 65 tàu chở dầu đã thả neo tại nhiều nơi trên thế giới, bao gồm các khu vực ngoài khơi bờ biển Trung Quốc, Singapore và Nga.
Trung Quốc, Ấn Độ chạy đua tìm nguồn cung thay thế
Các nguồn tin trong ngành kinh doanh dầu của Nga và ngành lọc dầu của Ấn Độ cho biết, lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ gây gián đoạn nghiệm trọng hoạt động xuất khẩu dầu của Nga sang hai khách hàng chính là Ấn Độ và Trung Quốc.
Hai nước này là những bên hưởng lợi chính từ dòng chảy dầu thô giá rẻ của Nga kể từ cuộc xung độ Nga-Ukraine vào đầu năm 2022. Thế nhưng, loạt lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào các nhà sản xuất, công ty bảo hiểm và tàu chở dầu của Nga đã khiến hoạt động thương mại đó trở nên hỗn loạn.
Các thương nhân tiết lộ, các công ty lọc dầu độc lập (chỉ tập trung mảng lọc dầu, chứ không thăm dò và khai thác dầu) ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, vốn mua rất nhiều dầu của Nga đã họp khẩn cấp vào cuối tuần qua để cố gắng trả lời câu hỏi liệu có thể tiếp nhận dầu thô đang trên đường khi lệnh trừng phạt được công bố hay không.
Tại Ấn Độ, nước phụ thuộc vào Nga để nhập khẩu khoảng 1/3 tổng lượng dầu hàng năm, các công ty lọc dầu đang nghiên cứu các lệnh trừng phạt để phân tích hậu quả đối với việc mua dầu thô Ural của Nga. Các lãnh đạo ngành lọc dầu Ấn Độ cho biết, đang chuẩn bị tinh thần cho sự gián đoạn lớn trong hoạt động nhập khẩu dầu của Nga, có thể kéo dài từ 3-6 tháng.
Các tàu chở dầu bị Mỹ trừng phạt xử lý hơn 530 triệu thùng dầu thô của Nga hồi năm ngoái, chiếm khoảng 20% lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của nước này, theo công ty phân tích dữ liệu Kpler.
Hơn một nửa khối lượng này, khoảng 300 triệu thùng, được vận chuyển đến Trung Quốc, chiếm khoảng 61% lượng dầu nhập khẩu bằng đường biển của Trung Quốc từ Nga.
Các cảng ở Sơn Đông trong tình trạng báo động cao đối với các tàu bị trừng phạt sau khi một công ty điều hành một số bến cảng trong khu vực cảnh báo sẽ không tiếp nhận các tàu này. Các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc có khả năng sẽ lỗ khi giá dầu tăng và chi phí vận chuyển trở nên đắt đỏ hơn.
Công ty lọc dầu Yulong Petrochemical trước đây mua dầu thô ESPO Blend của Nga nhưng vào cuối tuần qua đã chuyển sang mua 4 triệu thùng dầu thô Upper Zakum từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), giao tháng 2 và tháng 3.
Hôm 10-1 Unipec, công ty kinh doanh dầu mỏ lớn nhất Trung Quốc đặt mua 4 tàu chở dầu thô công suất lớn, có thể chở tới 2 triệu thùng dầu thô từ Trung Đông. Phản ứng với tình hình mới, giá dầu diesel ở Trung Quốc tăng vọt vào cuối tuần qua.
Một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết, các công ty lọc dầu Ấn Độ đã ngừng giao dịch với các tàu chở dầu và thực thể bị Mỹ trừng phạt. Vị này dự đoán, sắp tới Nga có thể chào bán giá dầu 60 đô la/thùng để có thể sử dụng tàu chở dầu và dịch vụ bảo hiểm của phương Tây.
Hầu hết các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang đàm phán hợp đồng mua dầu cho niên vụ kinh doanh 2025-2026 và có thể tìm kiếm khối lượng cao hơn từ các nhà sản xuất dầu lớn ở Trung Đông.
Điện Kremlin cảnh báo, lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ có nguy cơ gây bất ổn cho thị trường dầu toàn cầu và Moscow sẽ làm mọi cách có thể để giảm thiểu tác động
Hôm 13-1, giá dầu thô trên thị trường quốc tế chạm mức cao nhất trong 6 tháng trước thông tin các nhà lọc dầu của Ấn Độ và Trung Quốc sốt sắng tìm nguồn cung dầu thay thể cho dòng chảy dầu từ Nga dự kiến bị gián đoạn do lệnh trừng phạt mới của Mỹ.
Giá dầu thô Brent ở thị trường London có lúc tăng đến 1,9%, lên 81,29 đô la Mỹ/thùng sau khi tang 3% vào hôm 10-1 khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt. Trong khi đó, giá dầu Tây Texas ở New York tang 2,3%, lên 78,33 đô la /thùng.
Giá dầu thô đã tăng hơn 6 % trong năm nay, một khởi đầu mạnh mẽ khiến một số bên tham gia thị trường bất ngờ vì nhiều ngân hàng và tổ chức tư vấn dự báo tình trạng dư cung đáng kể sẽ gây áp lực lên giá dầu trong năm 2025.
Theo Reuters, Bloomberg, Financial Times
Chánh Tài
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận