An toàn vệ sinh thực phẩm: ‘Giá đỗ an toàn, mua ở đâu?’
Trên đây là câu hỏi mà anh Phạm Văn[1], một người dân tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), buột miệng trong cuộc điện đàm với người viết.
“(Tầm) cỡ Bách Hóa Xanh (BHX) mà giá đỗ ủ bằng chất cấm vẫn lọt vào hệ thống bán lẻ thì (mua thực phẩm) ở đâu an toàn?”, anh Văn băn khoăn, một phần bởi nhà bán lẻ này từng có tiền lệ về chất lượng thực phẩm. Năm 2022, BHX là một trong những doanh nghiệp bị phát hiện bán một số loại rau củ nguồn gốc từ Trung Quốc dán nhãn VietGAP. Nhìn chung, giá rau củ từ kênh siêu thị cao hơn “rau chợ”. Việc người tiêu dùng sẵn lòng chi trả nhiều hơn chủ yếu xuất phát từ niềm tin tự thân, rằng những doanh nghiệp bán lẻ tầm cỡ có năng lực quản trị chuỗi cung ứng chặt chẽ, bảo đảm chất lượng hàng hóa.
Hơn 20 tấn giá đỗ bị ngâm chất cấm bị cảnh sát phát hiện. Ảnh: Công an Đăk Lăk
Thực phẩm an toàn đến từ những nhà sản xuất theo quy trình. Lực lượng này đang ở đâu nhìn từ thị trường Buôn Ma Thuột. Báo Vnexpress[2] dẫn nguồn từ cơ quan điều tra công bố lời khai của bị can Lâm Văn Đạo, trích: “Do thị trường cạnh tranh em mới dùng nước kẹo, chứ thị trường mà sạch hết với nhau, thì em cũng thích làm giá sạch”. Đạo là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (đăng ký trụ sở tại buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) – nhà cung cấp giá đỗ cho BHX với khối lượng 300-400kg/ngày trong năm 2024.
Lời khai của Đạo hàm ý rằng để sống sót trên thị trường, nhà sản xuất này buộc phải ủ giá bằng “nước kẹo”, tức 6 – Benzylaminopurine. Loại hóa chất này không nằm trong danh mục được phép sử dụng để sản xuất thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước, có tác dụng kích thích giá phát triển, rút ngắn thời gian sản xuất, tiết kiệm chi phí, mang lại cho nhà sản xuất này lợi thế cạnh tranh.
Trong bối cảnh thị trường vàng thau lẫn lộn, vòng xoáy đi xuống này vô hình trung khiến những nhà sản xuất giá đỗ tuân thủ quy định pháp luật (không sử dụng chất cấm) trở thành nhóm yếu thế do hạn chế năng suất. Bên cạnh đó, thực tế còn ghi nhận không hiếm trường hợp phải rời khỏi thị trường do không đủ nguồn lực chứng minh được thực phẩm của mình an toàn, nhằm thuyết phục người tiêu dùng chi trả tương xứng với chất lượng hàng hóa.
Chi phí phát tín hiệu về thực phẩm an toàn đòi hỏi đầu tư bài bản, là gánh nặng đáng kể đối với nền nông nghiệp “đa phần manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” như nhận xét của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Nông thôn Lê Minh Hoan[3]. Hiệu ứng hàng xấu lấn át, đẩy hàng tốt ra khỏi thị trường là cơ sở để nhà nước can thiệp.
Tiêu dùng thực phẩm an toàn có thể được xếp vào bậc thấp nhất trong tháp nhu cầu Maslow, là mối quan tâm thường nhật của người tiêu dùng nhiều năm qua. Trừng phạt những nhà sản xuất bất lương không chỉ bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà còn góp phần quan trọng vào việc giành lại dư địa cho người làm ăn đàng hoàng khai thác thị trường 100 triệu dân.
Hạn chế rủi ro “bệnh từ miệng mà vào” cũng chính là giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội mà nhà nước có trách nhiệm giải quyết.
Nhìn lại chuỗi cung ứng giá đỗ của BHX tại thị trường Đắk Lắk. Sau khi xảy ra sự cố, nhà bán lẻ này thông báo những khách hàng mua giá đỗ sẽ được hoàn tiền khi xuất trình hóa đơn. Dư luận xuất hiện nhiều ý kiến bất bình. Nhà bán lẻ này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 34 khoản 1 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, trích: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật,…”.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo Bộ luật Dân sự 2015 (Điều 585 khoản 1) dựa trên “thiệt hại thực tế”. Giá đỗ ủ “nước kẹo” mặc dù có nhiều tác động lâu dài đến sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ mang bầu, nhưng lại không gây phản ứng cấp tính, khiến người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không đủ chi phí để chứng minh “thiệt hại thực tế”. Thách thức này có thể tạo ra “khuyến khích ngược”, giảm động lực tăng cường trách nhiệm kiểm soát chất lượng chuỗi cung ứng từ phía nhà bán lẻ, đồng thời suy giảm đáng kể động lực đòi lại quyền lợi chính đáng của một nhóm người cùng bị thiệt hại do hành vi của một hoặc một nhóm chủ thể khác.
Trên những diễn đàn chính thức trong những năm qua đã xuất hiện nhiều thảo luận sôi nổi về áp dụng chế định khởi kiện tập thể trong pháp luật dân sự, nhất là sau khi xảy ra vụ Vedan xả thải gây thiệt hại cho 6.973 hộ nông dân tại ba tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM. Tuy nhiên, những đề xuất này đến nay vẫn chưa được luật hóa.
Xét cho cùng, pháp luật là giá trị đạo đức tối thiểu theo nghĩa là giải pháp cuối cùng. Thị trường cần thêm những cơ chế khuyến khích cụ thể, thiết thực để những nhà sản xuất nông nghiệp tích tụ nguồn lực nhằm tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô. Tăng năng suất thực phẩm an toàn là cơ sở để giảm giá bán hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong xã hội. Hạn chế rủi ro “bệnh từ miệng mà vào” cũng chính là giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội mà nhà nước có trách nhiệm giải quyết.
Ngoài Lâm Văn Đạo, cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk còn khởi tố vụ án, bắt tạm giam 3 chủ cơ sở sản xuất giá ủ bằng 6 – Benzylaminopurine của 3 cá nhân gồm Vũ Duy Tư (sinh năm 1991), Nguyễn Văn Quynh (1973) và Nguyễn Văn Hảo (1988) cùng ngụ phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột.
Khi vụ việc ở Đắk Lắk chưa lắng xuống và cũng chưa có cơ quan quản lý nhà nước nào nhận trách nhiệm (tính đến thời điểm bài báo này lên khuôn) thì ngày 30.12.2024, công an TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi công bố phát hiện, xử lý một cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng hoạt chất 6 -Benzylaminopurine để pha vào nước ngâm giá đỗ. Chủ cơ sở là bà Đ.T.T. (sinh năm 1978) ngụ phường Nghĩa Chánh.
Thượng Tùng
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận