Bắc Ninh, Quảng Ninh ‘giữ vững phong độ’ thu hút vốn FDI
Trong 11 tháng năm 2024, Bắc Ninh tiếp tục dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,04 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Trong khi đó, Quảng Ninh đứng thứ hai với hơn 2,29 tỷ USD vốn FDI.
Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam tại Bắc Ninh.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, 11 tháng năm 2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Về vốn thực hiện, tính đến 30/11, các dự án đầu tư nước ngoài ước tính đã giải ngân được khoảng khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, vốn FDI thu hút vào 10 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Nghệ An, Bắc Giang đã chiếm 79,6% số dự án mới và 69,4% số vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng.
Trong 11 tháng năm 2024, Bắc Ninh dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,04 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ.
Cụ thể, từ đầu năm đến hết tháng 11, toàn tỉnh đã cấp mới 359 dự án, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023 với tổng vốn 1.803,7 triệu USD, tăng 70,7% so với cùng kỳ. Điều chỉnh vốn 174 dự án, vốn điều chỉnh tăng 2.972 triệu USD. Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 33 lượt trị giá 52,8 triệu USD. Lũy kế, Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 2.418 dự án còn hiệu lực với tổng vốn hơn 29,8 tỷ USD.
Sản xuất thiết bị điện tử tiếp tục là lĩnh vực giúp Bắc Ninh thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI. Các dự án quy mô lớn từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã góp phần đáng kể vào thành tích ấn tượng này.
Trong đó có nhiều dự án giá trị lớn như: Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam mở rộng, vốn đầu tư tăng thêm gần 1,1 tỷ USD cho dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn. Hay việc Tập đoàn Samsung cam kết mở rộng đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,8 tỷ USD trong năm nay, ngoài khoản đầu tư 6,5 tỷ USD đã đầu tư tại Khu công nghiệp Yên Phong…
Nhiều dự án lớn trong lĩnh vực điện tử cũng được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, như: Dự án nhà máy của Nhà đầu tư Foxconn (Singapore) với tổng vốn đầu tư hơn 383 triệu USD; dự án nhà máy của Công ty TNHH khoa học kỹ thuật Goertek Vina với tổng đầu tư đăng ký 280 triệu USD; dự án bảng mạch in công nghệ chính xác cao của nhà đầu tư Victory Giant Technology (Singapore) tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD; dự án của Công ty TNHH công nghệ thông minh Goertek Vina với tổng vốn đầu tư 410 triệu USD…
Đứng thứ hai về thu hút FDI là Quảng Ninh với hơn 2,29 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 26,3% so với cùng kỳ. Trong kỳ báo cáo trước, tổng vốn FDI đăng ký của Quảng Ninh là 1,97 tỷ USD, tiếp theo là TP HCM với 2,1 tỷ USD. Với sự tăng trưởng ở tháng gần nhất, Quảng Ninh đã đẩy TP HCM xuống vị trí thứ 3 với tổng vốn FDI đăng ký đầu tư đạt hơn 2,28 tỷ USD.
Theo đó, TP HCM đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 7,3% tổng vốn đầu tư cả nước. Nếu xét về số dự án, 11 tháng năm 2024, TP HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới, chiếm 42,3% tổng số dự án; chiếm 14,7% cả nước về số lượt dự án điều chỉnh vốn và chiếm 70,9% về số lượt vốn góp mua cổ phần.
Lũy kế đến hết tháng 11/2014, TP HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với tổng vốn đạt 58,4 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn FDI trên cả nước.
Đứng thứ tư về thu hút vốn FDI trên cả nước là Hải Phòng với tổng số vốn 2,15 tỷ USD. Ngày 14/11, Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Trong số các dự án nhận giấy chứng nhận đầu tư có dự án đầu tư mở rộng của Tập đoàn LG tại khu công nghiệp Tràng Duệ khi tăng vốn từ 4,65 tỷ USD lên 5,65 tỷ USD. Đây cũng là một trong dự những dự án đầu tư lớn nhất của LG tại Việt Nam với 8 năm liên tục mở rộng quy mô, tạo ra việc làm cho hơn 22.000 người, nộp ngân sách trung bình 1.000 tỷ đồng năm.
Hà Nội là địa phương giữ vị trí thứ năm cả nước về điểm đến của các nhà đầu tư ngoại. Theo đó, đã thu hút gần 2,07 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo UBND Thành phố, tháng 11/2024, Hà Nội thu hút 152 triệu USD vốn FDI. Trong đó: Có 25 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 16,8 triệu USD; 20 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 99 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 21 lượt, đạt 36,2 triệu USD.
Tính chung 11 tháng năm 2024, toàn thành phố thu hút 1,8 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, đăng ký cấp mới 258 dự án với số vốn đạt 1,2 tỷ U SD; 180 lượt tăng vốn đầu tư với 283,2 triệu USD; 213 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 341,1 triệu USD.
Đứng trong Top 6 về thu hút vốn FDI là “thủ phủ công nghiệp” Bình Dương trong 11 tháng đầu năm nay đã thu hút hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư, vượt mục tiêu đề ra cho cả năm. Tỉnh ghi nhận 184 dự án đầu tư mới, 149 dự án tăng vốn và 121 dự án đăng ký góp vốn hoặc mua cổ phần. Lũy kế đến tháng 11/2024, Bình Dương có tổng vốn FDI đạt gần 42,4 tỷ USD từ 4.378 dự án còn hiệu lực, chiếm 8,5% số vốn ngoại tại Việt Nam.
Trong bảng xếp hạng thu hút vốn FDI trong 11 tháng năm 2024, các địa phương khác trong Top 10 bao gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 1,71 tỷ USD; Đồng Nai với 1,67 tỷ USD; Nghệ An đạt 1,57 tỷ USD và Bắc Giang với 1,17 tỷ USD.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận