Bài 3: Để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi một cách hợp lý
Vừa qua, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam đã thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về chuỗi cung ứng công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam, từ đó đưa ra những gợi mở để Việt Nam trở thành một trung tâm chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại châu Á – Thái Bình Dương.
Để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, mỗi quốc gia cần sớm có quyết định về địa điểm phù hợp, thuận lợi, hội tụ những lợi thế để sản xuất, kinh doanh lâu dài. Tại Việt Nam, nghiên cứu của Đại sứ quán Na Uy về điện gió ngoài khơi cho rằng có thể được chia thành hai vùng chính: miền Bắc và miền Nam.
Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC, Vũng Tàu.
Trong những năm 2018-2021, năng lượng tái tạo ở Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể, với hầu hết các dự án tập trung ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Trong khi đó, miền Bắc chủ yếu phát triển các dự án thủy điện, nhiệt điện, trong đó có nhiều dự án chậm tiến độ so với kế hoạch. Điều này đã dẫn tới những khó khăn, thách thức trong quá trình vận hành hệ thống điện quốc gia.
Để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện, đặc biệt trong thời kỳ nắng nóng ở khu vực phía Bắc, cần đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực này. Ngoài ra, đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương,…), trung tâm tiêu thụ điện năng, cần phải tận dụng tiềm năng điện gió ngoài khơi, hướng tới sự phát triển cân bằng giữa nguồn – phụ tải, cũng như giảm thiểu tình trạng truyền tải điện năng đi xa.
Quy hoạch điện VIII khuyến khích tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực phía Bắc cho đến năm 2030. Cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh hiện chuyên cung cấp dịch vụ đóng tàu. Đây là địa điểm vô cùng phù hợp cho hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất các sản phẩm cơ khí chế tạo và cung cấp thiết bị cho các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi.
Khu vực phía Nam/Nam Trung Bộ có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất lớn, đặc biệt là khu vực tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Ngoài việc có tốc độ gió cao và điều kiện đáy biển lý tưởng để lắp đặt móng điện gió ngoài khơi, Ninh Thuận còn có tiềm năng phát triển các cảng quốc tế để phục vụ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.
Ngoài ra, Ninh Thuận và Bình Thuận là khu vực lân cận với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương), trung tâm tiêu thụ điện năng. Do đó, việc tận dụng tiềm năng hiện có từ các nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực phía Nam/Nam Trung Bộ và tránh truyền tải điện năng đi xa đã trở thành chìa khóa quan trọng trong những bước phát triển mới của ngành năng lượng tái tạo.
Mặc dù các cảng biển ở khu vực Nam Trung Bộ chủ yếu đang trong giai đoạn phát triển theo định hướng quốc tế, cảng TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu từ lâu đã chuyên về đóng tàu, chế tạo thiết bị dầu khí và hàng hải quy mô lớn cũng như tàu thuyền. Gần đây, họ đã nhận thầu sản xuất các bộ phận trong cấu trúc điện gió ngoài khơi (bao gồm móng jacket và trạm biến áp ngoài khơi). Điều này không chỉ chứng minh cho khả năng hiện tại mà còn là bước đầu để xây dựng chuỗi cung ứng trong ngành điện gió ngoài khơi. Nhờ vào cơ sở hạ tầng sản xuất dầu khí hiện có, khu vực phía Nam có khả năng phát triển nhanh chóng hơn theo đúng kịch bản 1 – hoàn thành và đưa vào vận hành dự án điện gió ngoài khơi vào năm 2030.
Việc phát triển trang trại điện gió ngoài khơi đòi hỏi các chuỗi cung ứng phức tạp. Các bộ phận thường được sản xuất tại nhiều nơi trên thế giới và sẽ được vận chuyển bằng các tàu chuyên dụng, do đó đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng cảng biển đủ mạnh cũng như kỹ năng chuyên môn vững vàng. Việt Nam sở hữu cơ sở hạ tầng cảng biển vững chắc với các kỹ năng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau (chế tạo kết cấu thép, năng lượng tái tạo và dầu khí).
PTSC thực hiện công tác lắp đặt cáp ngầm cho dự án điện gió Tân Thuận.
Ngoài đánh giá ban đầu về chuỗi cung ứng hiện tại, cũng cần lưu ý rằng một vài lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển hơn so với những lĩnh vực khác. Nhưng nghiên cứu của Na Uy chỉ tập trung đánh giá vào việc phát triển chuỗi cung ứng để triển khai các dự án giả định được trình bày trong các kịch bản. Đánh giá này hiện chưa hoàn toàn xem xét đến nhu cầu cung ứng các bộ phận này trong khu vực và quốc tế. Khi xem xét các cơ hội rộng mở hơn, có thể thấy rằng chuỗi cung ứng toàn cầu cho các bộ phận quan trọng như cáp ngầm đang bị hạn chế, nhưng cũng có thể mở ra tiềm năng lớn.
Nghiên cứu của Đại sứ quán Na Uy chỉ ra rằng, việc hoàn thành mục tiêu đúng thời hạn của kịch bản năm 2030, cần hoàn thiện khung pháp lý và tài chính của ngành điện gió ngoài khơi sớm nhất có thể vào năm 2025-2026. Còn theo kịch bản năm 2035, nhiệm vụ này có thể được hoàn thiện vào một thời điểm muộn hơn, nhưng muộn nhất nên được hoàn thành vào năm 2030. Việc thiết lập được khung chính sách minh bạch về cơ sở hạ tầng sẽ xây dựng được niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như những nhà phát triển và nhà cung cấp về thị trường Việt Nam, từ đó nâng cao động lực đầu tư vào ngành.
Tuy nhiên, chỉ thiết lập một khung chính sách cụ thể về ngành điện gió ngoài khơi là chưa đủ. Chính phủ Việt Nam sẽ cần hợp tác với các đơn vị vận hành Hệ thống truyền tải (TSO) trong nước và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, ví dụ như các cảng, để nắm được thông tin về những rào cản hiện tại. Hiểu rõ những rào cản về cơ sở hạ tầng lưới điện hoặc cảng hiện tại là yếu tố vô cùng quan trọng, vì điều này có thể ảnh hưởng đến việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi một cách hiệu quả và kịp thời. Đối với kịch bản năm 2030, cơ sở hạ tầng lưới điện hiện tại sẽ cần được nâng cấp và cơ sở hạ tầng cảng cũng cần được cải thiện một phần.
Nhìn chung, để phát triển chuỗi cung ứng trong nước một cách hợp lý, Nghiên cứu đưa ra gợi ý Chính phủ nên hợp tác song song với các bên liên quan về điện gió ngoài khơi nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển một lộ trình dự án điện gió ngoài khơi phong phú, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng toàn diện.
Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam là vào khoảng 600 GW, triển vọng nguồn năng lượng này có thể cung cấp 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào 2035. WB cũng lưu ý về việc Việt Nam thu hút sự quan tâm của quốc tế với các kế hoạch năng lượng tái tạo nhưng chính sách chậm trễ khiến một số nhà đầu tư tiềm năng xem xét lại kế hoạch.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận