Bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng 9T2024: Techcombank vọt lên Top 2 toàn ngành và bỏ xa nhóm tư nhân, câu lạc bộ vạn tỷ gọi 8 cái tên,…
Toàn cảnh bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng 9 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm nhấn thú vị…
Thống kê từ 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2024 của 29 ngân hàng này đạt hơn 218 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó có 21/29 ngân hàng tăng trưởng dương.
Vietcombank Quán quân, Techcombank Á quân toàn ngành
Vietcombank vẫn là quán quân toàn ngành với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 31.533 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tăng trưởng này chủ yếu nhờ việc ngân hàng giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần và lãi từ hoạt động dịch vụ của Vietcombank chỉ tăng nhẹ 1,8% và 6,1% so với cùng kỳ. Trong khi hàng loạt mảng kinh doanh khác kém khả quan như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, hoạt động khác. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm 2024 của Vietcombank đạt 50.868 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí hoạt động giảm 1,1% và chi phí dự phòng giảm mạnh 45% xuống còn 3.347 tỷ đồng đã giúp ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương.
Techcombank gây ấn tượng với vị trí Á quân lợi nhuận. So với cùng kỳ, thứ hạng của Techcombank đã tăng thêm tới 3 bậc.
Động lực chính tạo ra con số lợi nhuận ấn tượng của Techcombank trong 9 tháng đầu năm đến từ thu nhập lãi thuần (NII). Với mức tăng trưởng 33,9% so với cùng kỳ 2023, đạt 26.906 tỷ đồng, NII đóng góp 72% trong tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.
Thu nhập lãi thuần của Techcombank tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ hai yếu tố: (1) Biên lãi ròng (NIM) duy trì ở mức cao; và (2) Tăng trưởng tín dụng nhanh và lành mạnh.
Cụ thể, NIM (trượt 12 tháng) của Techcombank duy trì tại 4,3%, tăng so với mức 4,1% của cùng kỳ năm trước và giữ ở mức cao hàng đầu hệ thống đến từ việc ngân hàng quản lý tốt các tài khoản cho vay, đồng thời kiểm soát chi phí huy động vốn thông qua duy trì tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức cao. Theo đó, số dư CASA của Techcombank đạt kỷ lục 200,3 nghìn tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2024, góp phần đưa tỷ lệ CASA lên 40,5% – mức cao nhất toàn hệ thống hiện nay.
Yếu tố quan trọng khác đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận của Techcombank là việc mở rộng danh mục tín dụng (tăng 17,4% – gấp gần 2 lần tốc độ tăng bình quân của toàn ngành ngân hàng).
Câu lạc bộ vạn tỷ lợi nhuận gọi tên 8 ngân hàng
Ngoài Vietcombank và Techcombank, có 6 ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận 9 tháng đạt trên mốc 10.000 tỷ đồng gồm BIDV, MB, VietinBank, ACB, VPBank, HDBank. 8 ngân hàng này đang nắm giữ gần ¾ lợi nhuận toàn ngành và đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Những ngân hàng cải thiện được thứ hạng gồm Techcombank, VPBank.
Trong khi đó, MB giảm 2 bậc so với cùng kỳ xuống vị trí thứ 4. VietinBank cũng tụt 1 bậc xuống vị trí Top 5 hệ thống. HDBank từ vị trí thứ 7 tụt xuống thứ 8.
Techcombank ngày càng bỏ xa các ngân hàng tư nhân khác
Không tính đến nhóm Big 3 (Vietcombank, BIDV, VietinBank), Techcombank đang là ngân hàng cổ phần có lợi nhuận cao nhất (22.800 tỷ đồng). MB xếp sau với hơn 20.700 tỷ đồng.
Trên bảng xếp hạng lợi nhuận của các ngân hàng tư nhân, Techcombank đang bỏ xa các nhà băng còn lại và khoảng cách ngày một nới rộng.
Nếu như cùng kỳ năm ngoái, khoảng cách của Techcombank với ngân hàng tư nhân thứ 2 là ACB mới chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng, thì sau 1 năm đã lên tới 7.500 tỷ. Techcombank cũng có lợi nhuận cao hơn VPBank tới gần 9.000 tỷ đồng, so với HDBank là hơn 10.000 tỷ đồng.
Có 8 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm
Bức tranh toàn cảnh cũng cho thấy, sự phân hoá trong ngành ngày một lớn. Hiện 5 ngân hàng Top đầu đã nắm giữ hơn một nửa lợi nhuận của toàn ngành.
Không phải ngân hàng nào cũng có lợi nhuận tăng trưởng dương. Có đến 8/29 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm và một ngân hàng bị lỗ trong 9 tháng đầu năm.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận