Báo chí quốc tế lạc quan về tín hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam
Trong tháng 4.2025, kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức và báo chí quốc tế đánh giá lạc quan, với nhiều tín hiệu tích cực trên nhiều lĩnh vực.
GDP Việt Nam năm 2025 có thể tăng trưởng cao nhờ sự hội nhập sâu rộng vào các mạng lưới thương mại toàn cầu. Ảnh: Lan Nhi
Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin, theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, GDP Việt Nam năm 2025 có thể tăng trưởng 6,7%, nhờ sự hội nhập sâu rộng vào các mạng lưới thương mại toàn cầu thông qua nhiều hiệp định tự do thương mại, cùng với dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ổn định.
Theo đó, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp được kỳ vọng tăng lần lượt 6% và 6,2%. Tuy nhiên, Standard Chartered cũng lưu ý rằng, lạm phát tháng 3.2025 có thể đạt 3,4%, cao hơn mức 2,9% của tháng 2.2025 và nếu áp lực này kéo dài có thể ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ. Việt Nam được khuyến nghị cần cân nhắc áp dụng các chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm duy trì sự vững chắc của khu vực tài chính.
Tổng vốn FDI đăng ký gần 11 tỉ USD vào đầu năm 2025 phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của các nhà đầu tư quốc tế vào sự ổn định và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Những cải thiện mạnh mẽ trong môi trường đầu tư đã giúp Việt Nam không chỉ phục hồi sau những khó khăn trước đó mà còn nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn quốc tế tại Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, ngành công nghệ thông tin Việt Nam cũng ghi nhận sự bùng nổ mạnh mẽ, nhờ sự đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu và blockchain.
Tỉ lệ dân số sử dụng Internet tăng cao, các chính sách hỗ trợ thuận lợi từ chính phủ và dòng vốn đầu tư lớn đã biến Việt Nam thành điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Liên quan đến chính sách thuế đối ứng từ Mỹ, dù tiềm ẩn rủi ro nhưng các nhà quan sát đánh giá đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh sản xuất trong ngắn hạn.
Đây có thể là “cơ hội vàng” để châu Âu mở rộng giao thương với Việt Nam, đồng thời giúp Hà Nội đa dạng hóa các đối tác thương mại. Các cuộc đàm phán thương mại mới khởi động và giai đoạn 90 ngày tạm hoãn áp thuế cũng có khả năng tạo đà cho ngành sản xuất công nghệ của Việt Nam bứt phá.
Ngành du lịch Việt Nam cũng ghi nhận sự phục hồi ngoạn mục và tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam hiện đứng thứ ba Đông Nam Á về lượng khách quốc tế, với 17,5 triệu lượt khách vào năm 2024, vượt qua Singapore và chỉ xếp sau Malaysia và Thái Lan.
Đặc biệt, tốc độ phục hồi du lịch đạt 98% so với năm 2019, dẫn đầu khu vực. Trong hai tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã đón gần 4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước.
Sự thuận tiện trong tiếp cận đóng vai trò quan trọng khi Việt Nam áp dụng chính sách thị thực điện tử cho phép lưu trú tối đa 90 ngày và mở rộng danh sách miễn thị thực cho công dân nhiều nước như Đức, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cùng với đó, sự xuất hiện của các khách sạn cao cấp như Regent Phú Quốc, Capella Hà Nội, JW Marriott Saigon cùng với việc Michelin Guide mở rộng danh sách đến Đà Nẵng đã góp phần nâng cao uy tín du lịch Việt Nam, đặc biệt trong phân khúc du khách hạng sang.
Việt Nam cũng thu hút lượng lớn du khách quốc tế muốn tìm hiểu lịch sử chiến tranh, với những địa điểm nổi bật như Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Dinh Độc Lập, địa đạo Củ Chi, khu phi quân sự Vĩ tuyến 17, Khe Sanh, thành phố Huế và Nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội. Đây là những nơi mang đậm dấu ấn lịch sử, giúp du khách có thể cảm nhận sâu sắc hơn những câu chuyện của quá khứ.
Với mục tiêu đón 23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025 và việc đưa sân bay quốc tế Long Thành vào hoạt động năm 2026, Việt Nam đang từng bước củng cố vị thế là một trong những trung tâm du lịch năng động và hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
Anh Vũ
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận