Boeing rút máy bay khỏi Trung Quốc giữa lúc căng thẳng leo thang
Trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ – Trung tiếp tục gia tăng căng thẳng, tập đoàn Boeing đã bất ngờ đưa một số máy bay khỏi cơ sở hoàn thiện tại Trung Quốc và chuyển ngược về Mỹ.
Tạm ngừng bàn giao máy bay cho Trung Quốc
Một chiếc máy bay Boeing 737 MAX từng được đưa đến cơ sở hoàn thiện tại Chu Sơn (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) đã bất ngờ quay trở lại Mỹ vào ngày 18/4, theo dữ liệu từ các trang theo dõi chuyến bay. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhà sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ bị cuốn vào cuộc chiến thuế quan ngày càng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.
Chiếc Boeing 737 MAX này là một trong số nhiều chiếc đang chờ lắp đặt nội thất và sơn logo để bàn gia cho các hãng hàng không Trung Quốc. Chiếc máy bay đã rời Chu Sơn và bay đến Guam, điểm dừng trước khi vượt Thái Bình Dương về lại nhà máy chính của Boeing ở Seattle.
Hãng hàng không Trung Quốc China Southern Airlines sử dụng máy bay Boeing 737 MAX.
Dù không có bình luận chính thức từ Boeing, đây được coi là tín hiệu rõ ràng cho thấy hãng đang tạm dừng bàn giao máy bay cho thị trường Trung Quốc.
Chỉ vài tuần trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố gói thuế quan mới vào ngày 2/4, 3 chiếc 737 MAX mới vẫn được chuyển từ Seattle đến Chu Sơn, cho thấy Boeing vẫn duy trì việc bàn giao máy bay cho khách hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là đã yêu cầu các hãng hàng không trong nước tạm ngừng mua sắm máy bay và linh kiện từ các nhà sản xuất Mỹ, như một phần trong phản ứng đối với chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông báo chính thức từ chính phủ hay truyền thông nhà nước Trung Quốc về thông tin này.
Một nguồn tin trong ngành hàng không chia sẻ rằng Boeing và các nhà cung cấp hiện đang lên kế hoạch phóng trường hợp họ sẽ không thể bàn giao máy bay cho Trung Quốc trong thời gian tới. Điều này đặt ra nguy cơ cho chuỗi cung ứng và chiến lược thị trường của Boeing tại một trong những thị trường hàng không lớn nhất thế giới.
Rào cản mới tại thị trường chiến lược
Động thái chuyển ngược máy bay từ Trung Quốc về Mỹ cho thấy nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh ngành hàng không vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19 và khủng hoảng an toàn liên quan đến dòng 737 MAX. Việc một số hãng hàng không Trung Quốc rút khỏi các cam kết thuê máy bay từ Boeing càng làm tình hình thêm bất ổn.
C919 là sản phẩm được Tập đoàn Hàng không thương mại Trung Quốc (COMAC) thai nghén, phát triển trong 15 năm.
Trung Quốc từng chiếm đến 25% tổng số đơn hàng giao hàng năm của Boeing, nhưng tỷ trọng này đã sụt giảm mạnh do các yếu tố chính trị và khủng hoảng ngành.
Dữ liệu của Boeing cho thấy hiện vẫn còn 130 đơn đặt hàng từ các hãng hàng không và công ty cho thuê máy bay Trung Quốc chưa được hoàn tất. Ngoài ra, trong số hơn 760 đơn hàng chưa xác định khách hàng, giới phân tích cho rằng một phần lớn cũng đến từ Trung Quốc.
Dù chưa có hướng dẫn chính thức từ hải quan Trung Quốc hay các cơ quan quản lý, nhiều lãnh đạo hãng bay cho biết họ đang cân nhắc hoãn nhận máy bay mới để tránh chịu thuế nhập khẩu, khiến hàng loạt đơn hàng có nguy cơ rơi vào trạng thái “treo”.
Các nhà sản xuất máy bay từ lâu đã coi Trung Quốc là thị trường hàng không thương mại tiềm năng lớn nhất thế giới trong tương lai. Trong nhiều năm, Boeing cũng giữ vai trò là nhà xuất khẩu công nghiệp hàng đầu của Mỹ sang quốc gia này. Theo số liệu từ Cơ quan Thương mại Quốc tế Mỹ, năm ngoái, Mỹ đã xuất khẩu gần 12 tỷ USD máy bay, tàu vũ trụ và phụ tùng sang Trung Quốc.
Nhằm giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hàng chục tỷ USD để phát triển Tập đoàn Hàng không thương mại Trung Quốc (COMAC), có trụ sở tại Thượng Hải, với tham vọng cạnh tranh trực tiếp với Boeing (Mỹ) và Airbus (châu Âu) trên thị trường máy bay thương mại.
Theo nguồn tin của The Wall Street Journal trong tuần này, các hãng hàng không Trung Quốc hiện đã được yêu cầu hoãn việc đặt mua máy bay Boeing mới và phải xin phép trước khi tiến hành nhận máy bay theo các hợp đồng đã ký. Mặc dù vậy, sản lượng hạn chế của COMAC đồng nghĩa với việc hãng không thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa. Trong bối cảnh đó, nếu có một bên hưởng lợi từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, thì nhiều khả năng đó sẽ là Airbus.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng việc tạm hoãn bàn giao ngắn hạn sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng ngay lập tức với Boeing, khi hãng vẫn có thể chuyển giao máy bay cho khách hàng khác – trong bối cảnh đối thủ Airbus cũng không đủ năng lưc dự phòng.
Theo Reuters
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận