BQL các KCN tỉnh Hà Nam: Số lượng dự án đăng ký đầu tư vượt 206% so với kế hoạch
Được biết, theo Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030 tỉnh Hà Nam sẽ phát triển 16 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 4.627 ha; định hướng đến năm 2050 sẽ phát triển thêm 6 KCN mới, nâng tổng số KCN trên địa bàn lên thành 22 KCN với tổng diện tích 6.656 ha.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có 12 KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích là 3.458,95 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho các doanh nghiệp thuê, thuê lại là 1.541,2 ha. Đối với 12 KCN tỷ lệ lấp đầy là 61,6%.
Số lượng dự án đăng ký đầu tư vượt 206% so với kế hoạch
Không chỉ vậy, với nỗ lực ngay từ đầu năm 2024 đến nay, BQL các KCN đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 75 dự án đăng ký mới. Trong đó có 37 dự án FDI và 38 dự án đầu tư trong nước, điều chỉnh cho 237 lượt dự án (56 lượt dự án tăng tổng vốn đầu tư và 07 lượt dự án giám tổng vốn đầu tư) với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 26.857 tỷ đồng (bao gồm689,57 triệu USD và 9.617,7 tỷ đồng), đạt 206,6% so với kế hoạch năm 2024.
Trụ sở BQL các KCN tỉnh Hà Nam.
Để đạt được kết quả nêu trên, năm 2024, BQL các KCN đã tham mưu và chuẩn bị các điều kiện phục vụ 07 Đoàn xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Châu Âu, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ – Canada, Singapore – Malaysia; Tham mưu, chuẩn bị các điều kiện phục vụ Hội nghị Thường trực tỉnh ủy, Lãnh đạo UBND tỉnh gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để lắng nghe những ý kiến, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để có những giải quyết tháo gỡ kịp thời.
Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, gặp gỡ, trao đổi của Đoàn công tác, đã có nhiều nhà đầu tư bày tỏ mối quan tâm đối với tỉnh Hà Nam và lên kế hoạch sang nghiên cứu, khảo sát thực tế tại tỉnh Hà Nam để đầu tư các dự án về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo,….
Cùng với phương châm, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế của Chính phủ, trong năm 2024, BQL các KCN đã tổ chức thẩm định 73 hồ sơ cấp Giấy phép Môi trường; Tham gia đánh giá tác động môi trường và cấp Giấy phép môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức cho 20 dự án. Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về môi trường và các quy định của tỉnh.
Kiểm tra, giám sát kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của 50 doanh nghiệp và thực hiện lấy mẫu đối chứng theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, trả lời đối với 17 nội dung ý kiến kiến nghị của cử tri, báo chí, tổ chức cá nhân có phản ánh liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.
KCN Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ảnh internet
Đơn vị đã thường xuyên theo dõi, kiểm soát ô nhiễm và giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong các KCN.
Đặc biệt tập trung vào các điểm nóng, các doanh nghiệp có ngành nghề nhạy cảm về môi trường, thường xuyên có ý kiến kiến nghị phản ánh như: Kênh A48, Công ty Vikohasan, Công ty Vũ Gia, Công ty Casablanca, Công ty Nam Vang, Nhà máy xử lý nước thải Đồng Văn I, Công ty thép Hà Nam, Công ty Vina Ito, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, Công ty Hacera…
Luôn quan tâm đến người lao động
Một trong những nội dung được BQL các KCN tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm đó là quản lý lao động trong và ngoài nước. Tổng số lao động đang làm việc trong các KCN hiện nay là 91.236 lao động (chưa bao gồm lao động của các đơn vị cung cấp dịch vụ), trong đó lao động nữ là 52.091 lao động chiếm 56% tổng số lao động. Lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã tham gia là 84.827 lao động, chiếm 97,8% tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (86.736 người thuộc đối tượng tham gia BHXH).
Trong năm 2024, đơn vị đã tham mưu tổ chức 02 hội nghị tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về đầu tư, môi trường, lao động, xây dựng cho các doanh nghiệp trong KCN với tổng số đại biểu là 986 người tham gia; 03 hội nghị gặp mặt các nhóm nhà đầu tư lớn trong KCN (bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan).
Các hội nghị này được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ, là diễn đàn để các nhà đầu tư có thể trực tiếp phản ánh những khó khăn, vướng mắc đến cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước hiểu rõ nhu cầu, nguyện vọng của nhà đầu tư.
Năm 2024, BQL các KCN đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao nhằm gắn kết người lao động, tạo sân chơi lành mạnh. Ảnh BQL các KCN tỉnh Hà Nam.
Từ đó đẩy mạnh công tác tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhằm mục tiêu cải thiện tối đa môi trường đầu tư của tỉnh. Đồng thời lãnh đạo Ban đã tổ chức làm việc với một số doanh nghiệp Đài Loan có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn (Công ty Qisda, Wistron, Neweb, AVC, Alpha Network, AUO, Darfon) nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động, vấn đề nhà ở công nhân, nhà ở cho thuê đối với lao động ngoại tỉnh. Hướng tời cải thiện môi trường làm việc, nâng cao thu nhập, chế độ đãi ngộ để giữ chân người lao động.
Ngoài những công tác kể trên, BQL các KCN tỉnh Hà Nam cũng luôn chú trọng đến việc cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp trong KCN, từ đó tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp và người lao động an tâm lao động sản xuất.
Các dịch vụ trong KCN cơ bản đồng bộ, bao gồm: hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp điện, hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, hệ thống dịch vụ viễn thông, liên lạc, dịch vụ bảo vệ… Các dịch vụ trên được cung cấp đến chân hàng rào và từng bước đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Toàn bộ các KCN đi vào hoạt động đều có trạm xử lý nước thải tập trung, vận hành ổn định, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường. 08/08 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động với tổng công suất xử lý 18.400 m3/ngày đêm và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường 24h/24h để theo dõi, giám sát.
Các KCN đã đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước mưa chạy dọc theo đường nội bộ KCN và thoát ra các kênh thủy lợi hiện có xung quanh KCN. Việc tiêu thoát nước của các kênh thủy lợi phụ thuộc vào các trạm bơm của khu vực.
Hệ thống đường giao thông, đèn chiếu sáng, cây xanh, vệ sinh môi trường, cảnh quan trong các KCN đáp ứng yêu cầu. Các đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng cơ bản đã triển khai xây dựng đồng bộ các hạng mục đảm bảo an toàn giao thông theo quy định trên các tuyến đường giao thông như: Biển báo, tín hiệu, sơn kẻ vạch, gờ giảm tốc… Định kỳ, thường xuyên duy tu, sửa chữa hệ thống đường giao thông, đèn chiếu sáng, trồng cây xanh tạo cảnh quan trong KCN.
Công tác bảo vệ an ninh trật tự KCN được đảm bảo. Hiện tại đã có 08/08 KCN đang hoạt động đã xây dựng được mô hình Khu công nghiệp an toàn về an ninh trật tự. Đến nay, các công ty kinh doanh hạ tầng đã chủ động lắp đặt hệ thống camera an ninh trên các tuyến đường lớn, góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự tại các KCN.
Nguyễn Thuỷ
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận