BYD ‘khai hỏa’ cuộc chiến giá xe điện tại châu Âu
Tập đoàn xe điện hàng đầu Trung Quốc BYD vừa chính thức giới thiệu mẫu xe điện nhỏ nhất và có giá rẻ nhất của mình tại thị trường Vương quốc Anh, đánh dấu bước đi đầu tiên trong chiến lược thâm nhập phân khúc xe nhỏ, vốn vẫn phụ thuộc lớn vào động cơ đốt trong, tại châu Âu.
Ra mắt xe điện giá rẻ tại Anh
Mẫu Dolphin Surf, có giá khởi điểm 18.650 bảng Anh (khoảng 23.700 USD), được xem là phiên bản tương đương với mẫu hatchback Seagull vốn rất phổ biến tại Trung Quốc – nơi mẫu xe này đang được bán với giá chưa đến 6.000 bảng.
Phát biểu tại sự kiện ra mắt ở Rome gần đây, bà Stella Li, Phó Chủ tịch điều hành BYD, nhận định: “Những mẫu xe nhỏ gọn sẽ là mặt trận tiếp theo trong quá trình điện khí hóa tại châu Âu”, đồng thời lưu ý rằng quá trình chuyển đổi sang xe điện ở phân khúc này diễn ra chậm hơn so với các dòng SUV cỡ lớn.
Mẫu Dolphin Surf, có giá khởi điểm 18.650 bảng Anh (khoảng 23.700 USD), được xem là phiên bản tương đương với mẫu hatchback Seagull vốn rất phổ biến tại Trung Quốc.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong số 360 mẫu xe điện có mặt tại châu Âu vào năm ngoái, chỉ có 33 mẫu thuộc phân khúc xe nhỏ. Dự kiến sẽ có thêm 23 mẫu mới trong năm nay. Lý do là bởi biên lợi nhuận của xe nhỏ thường thấp, trong khi chi phí sản xuất, đặc biệt là giá pin, lại cao, khiến việc vừa duy trì mức giá phải chăng, vừa đảm bảo lợi nhuận trở nên khó khăn.
Không chỉ châu Âu, BYD cũng đang tăng tốc tấn công thị trường Nhật Bản. Tháng trước, hãng đã công bố kế hoạch tung ra mẫu xe điện Kei giá rẻ vào năm tới – một chiếc xe hình hộp nhỏ hơn cả Dolphin, với mức giá chỉ 2,9 triệu yên (khoảng 20.700 USD).
Ngay cả trước khi Dolphin Surf chính thức ra mắt tại châu Âu với mức giá dưới 24.000 USD, nhiều đối thủ cạnh tranh đã xuất hiện trên thị trường với giá tương đương hoặc thấp hơn, như Renault 5, Citroën ë-C3, hay Dacia Spring.
Các hãng xe Trung Quốc đang áp dụng chiến lược định giá thận trọng hơn tại châu Âu so với thị trường nội địa, đặc biệt trong bối cảnh Ủy ban châu Âu (EU) đã áp thuế cao hơn đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc từ năm ngoái. Tuy nhiên, việc BYD mở rộng ra tất cả các phân khúc xe hơi tại châu Âu được cho là sẽ thúc đẩy mạnh mẽ đà tăng trưởng quốc tế của hãng.
Theo báo cáo của Schmidt Automotive Research, thị phần của BYD và các hãng xe Trung Quốc khác tại Anh và lục địa châu Âu đã tăng từ 2,9% trong quý I/2024 lên 4,8% trong 4 tháng đầu năm 2025. Riêng Vương quốc Anh, nơi không áp dụng mức thuế cao đối với xe điện Trung Quốc, hiện chiếm gần 1/3 tổng lượng xe thương hiệu Trung Quốc nhập khẩu vào Tây Âu.
Dữ liệu từ trang thương mại điện tử Auto Trader cho thấy số lượng xe điện Trung Quốc được rao bán tại Anh từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay đã tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 3.300 xe, chiếm gần 3% tổng số xe mới được chào bán trên nền tảng này – so với mức chỉ 0,2% một năm trước đó.
Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt
Các nhà phân tích nhận định rằng vẫn còn nhiều dư địa để giá xe điện nhỏ tiếp tục giảm. Nguyên nhân là các hãng xe phương Tây đang chuyển sang sử dụng pin LFP giá rẻ hơn để cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc – những hãng đang tăng cường sản xuất tại châu Âu nhằm tránh thuế nhập khẩu.
BYD dự kiến mang công nghệ sạc siêu nhanh của mình đến châu Âu trong vòng 12 tháng tới.
Các tên tuổi lớn như Renault và Volkswagen cũng đang tận dụng chuyên môn kỹ thuật và linh kiện từ Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ phát triển các mẫu xe điện nhỏ gọn, dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào năm tới.
Nhà phân tích ô tô Matthias Schmidt nhận định: “Khi các mẫu xe này bắt đầu xuất hiện trên thị trường, chúng ta sẽ chứng kiến xu hướng giảm giá rõ rệt”.
Ông Cao Li, Phó Chủ tịch cấp cao của hãng Leapmotor (được tập đoàn Stellantis hậu thuẫn), phát biểu với báo giới rằng: “Việc giá xe điện và xe chạy xăng tiệm cận nhau là một xu hướng lớn trên thị trường châu Âu hiện nay”.
Tuy nhiên, một số lãnh đạo ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến giá cả khốc liệt tại quê nhà có thể lan sang châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và EU ngày càng gia tăng.
Bắc Kinh và các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã đề xuất một cơ chế kiểm soát giá tự nguyện nhằm thay thế cho các mức thuế quan của EU, song hiện vẫn chưa rõ liệu Brussels có chấp nhận cách tiếp cận định giá tối thiểu này hay không.
Theo một số nguồn tin gần gũi với các cuộc đàm phán, Trung Quốc từng đưa ra đề xuất mức giá tối thiểu là 35.000 euro (40.000 USD) cho tất cả các mẫu xe, nếu được thông qua, điều này sẽ khiến các mẫu xe giá rẻ như Dolphin hoặc Leapmotor không thể cạnh tranh tại châu Âu.
Dù vậy, ngay cả khi bị hạn chế giảm giá, các sản phẩm đến từ Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn lớn với người tiêu dùng nhờ chất lượng công nghệ và phần mềm vượt trội. Gần đây, bà Stella Li chia sẻ với truyền thông Bỉ rằng BYD sẽ mang công nghệ sạc siêu nhanh của mình đến châu Âu trong vòng 12 tháng tới.
Mặc dù cuộc chiến giá tại Trung Quốc được xem là có tác động phá hoại đến ngành công nghiệp ô tô nội địa ở Anh và châu Âu, song sự cạnh tranh lớn hơn có thể giúp thúc đẩy nhu cầu xe điện vốn vẫn ở mức thấp hơn so với trước đại dịch.
Ông Ian Plummer, Giám đốc Thương mại tại Auto Trader, nhận định: “Mức độ cạnh tranh ngày càng tăng cùng với sự xuất hiện của một số thương hiệu nổi bật mới tại thị trường của chúng tôi có thể tạo ra áp lực định giá lớn hơn – điều này sẽ có lợi cho người mua xe trong ngắn hạn và hy vọng cũng sẽ thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng thị trường trong trung hạn”.
Theo Financial Times
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận