CÁC HÃNG TÀU TĂNG TUYẾN: Cơ hội cho Cái Mép-Thị Vải tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Việc các hãng tàu quốc tế mở thêm nhiều tuyến vận tải mới nối liền Cái Mép – Thị Vải với các khu vực châu Á, châu Âu và châu Mỹ đang mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển của cảng biển.
Hãng tàu MSC tăng tuyến đến cảng SSIT
18 ngày, hàng đến Los Angeles
Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đang đón tàu ZIM FALCON, chuyến tàu trên tuyến dịch vụ thương mại điện tử tốc hành của hãng tàu ZIM đi bờ Tây nước Mỹ. Thời gian vận chuyển từ Cái Mép-Thị Vải đến Los Angeles chỉ 18 ngày, trở thành tuyến dịch vụ có thời gian vận chuyển nhanh nhất từ Việt Nam đến Mỹ. Bởi so với trước đây hàng từ Việt Nam đi Mỹ hết từ 30 – 45 ngày tùy vào cảng đến. Theo đó, các nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi dịch vụ có thời gian vận chuyển nhanh, vượt trội và đáng tin cậy.
Từ năm 2022 đến nay, các liên minh hãng tàu đã đưa thêm 17 tuyến dịch vụ mới vào Cái Mép-Thị Vải, nâng tổng số chuyến tàu khu vực này lên 51 tuyến/tuần. Trong đó có 37 tuyến quốc tế gồm 13 tuyến Nội Á, 19 tuyến đi châu Mỹ, 4 tuyến đi châu Âu, 1 tuyến Âu-Mỹ và 14 tuyến nội địa. Đây được xem là một bước phát triển nhảy vọt, chưa từng xảy ra trong suốt 14 năm khai thác của Cái Mép-Thị Vải.
Việc các hãng tàu đồng loạt mở thêm các tuyến mới vào Việt Nam, cụ thể là vào Cái Mép-Thị Vải mở ra hướng phát triển mới, định hình các tuyến vận tải từ Việt Nam đến các khu vực trên thế giới. Qua đó, giúp hàng hóa đi và đến Việt Nam dễ dàng hơn, nhất là trong bối cảnh hiện nay hàng hóa Việt Nam xuất đi các thị trường đang phải gồng mình trước chi phí vận tải tăng quá nhanh. Đồng thời cho thấy vị thế của Cái Mép-Thị Vải trong cộng đồng hàng hải quốc tế ngày càng được khẳng định. Cái Mép-Thị Vải có số lượng tuyến dịch vụ tàu mẹ đi Mỹ và châu Âu nhiều nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á, chỉ sau Malaysia và Singapore.
Xếp dỡ, vận chuyển hàng container tại cảng Gemalink
Bà Trương Kiều Anh, Giám đốc Kinh doanh của hãng tàu MSC cho biết, Cái Mép-Thị Vải nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, điều này giúp hãng tàu dễ dàng kết nối các tuyến vận tải từ châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ. Vị trí này giúp rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm chi phí logistics. “Đặc biệt, những năm gần đây, chúng tôi thấy rõ sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng, kho bãi và thiết bị xếp dỡ, giúp nâng cao hiệu suất làm hàng. Ngoài ra, khả năng tiếp nhận tàu siêu trọng và tiềm năng phát triển hạ tầng cảng là lý do để Cái Mép trở thành lựa chọn lý tưởng cho các hoạt động làm hàng và trung chuyển quốc tế của MSC”, bà Trương Kiều Anh chia sẻ thêm.
Từ góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam nhận định: “Việc các hãng tàu lớn liên tục mở rộng tuyến đến Việt Nam, đặc biệt là cụm cảng Cái Mép-Thị Vải là cơ hội lớn để chúng ta khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để bắt kịp cơ hội này, chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng cảng biển, dịch vụ hậu cần và cải thiện thủ tục hải quan nhằm tối ưu hóa hiệu suất hoạt động”.
Tàu trọng tải lớn cập cảng làm hàng tại cảng CMIT
Phải đồng bộ hạ tầng
Theo các hãng tàu, một trong những vấn đề mà cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đang đối mặt là sự hạn chế của hệ thống kết nối giao thông và dịch vụ logistics. Mặc dù cảng có khả năng tiếp nhận tàu lớn, nhưng hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt kết nối với các KCN vẫn chưa hoàn chỉnh. Đặc biệt, là tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu đóng vai trò quan trọng trong phát triển giao thông vận tải khu vực Đông Nam Bộ nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng, kết nối các phương thức vận tải phục vụ nhu cầu thu gom, giải toả hàng hoá cho Cái Mép-Thị Vải. Cần phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường sắt kết nối cảng.
Bên cạnh đó, để phát huy hết tiềm năng của Cái Mép-Thị Vải, cần có sự đồng bộ về hạ tầng giao thông và cải cách thủ tục hành chính, giúp giảm thời gian và chi phí cho các DN xuất nhập khẩu, hãng tàu.
Ngoài ra, Cái Mép-Thị Vải không chỉ là một cảng biển, mà còn là trung tâm của hệ sinh thái logistics quan trọng. Để thu hút đầu tư quốc tế, cần phát triển các KCN, trung tâm logistics, và dịch vụ hậu cần quanh khu vực cảng. Hệ sinh thái này sẽ giúp giảm chi phí vận tải, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, và thu hút các nhà đầu tư đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, chế biến, và thương mại quốc tế.
Đặc biệt, việc xây dựng và hoàn thiện khu vực trung tâm logistics Cái Mép Hạ, kết hợp với các KCN và hệ thống kho bãi hiện đại, sẽ giúp Cái Mép-Thị Vải trở thành một “điểm dừng chân” lý tưởng cho các hãng tàu, DN quốc tế trong việc vận chuyển, lưu trữ và phân phối hàng hóa.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận