Các ngân hàng trung ương tăng tốc mua vàng
Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu mua ròng 60 tấn vàng trong tháng Mười vừa qua, mức bổ sung lớn nhất trong một tháng của năm nay, theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC).
Khối lượng vàng mua ròng của khu vực ngân hàng trung ương trong tháng Mười tăng vọt lên 60 tấn. Ảnh: Business Standard
Báo cáo hôm 4-12 của WGC cho biết, con số 60 tấn vàng mua ròng trong tháng trước lớn hơn tổng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trong cả quí 2 lẫn quí 3.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) dẫn đầu với 27 tấn vàng mua bổ sung vào kho dự trữ. Tiếp theo là Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBT) và Ngân hàng quốc gia Ba Lan (NPB), lần lượt mua 17 tấn và 8 tấn vàng.
Trong 10 tháng đầu năm, RBI đã mua thêm 77 tấn vàng, cao gấp 5 lần so với lượng mua vào cùng kỳ năm 2023. CBT đã mua ròng vàng tháng thứ 17 liên tiếp, giúp dự trữ vàng tăng 34%, tương đương 72 tấn, trong năm 2024 tính cho đến nay.
Ba Lan cũng đẩy mạnh mua vàng, với khoảng 69 tấn trong năm nay khi căng thẳng tiếp tục gia tăng ở các khu vực giáp biên giới với Nga. Hồi đầu năm, Thống đốc NBP Adam Glapiński cho biết, NPB có kế hoạch nâng lượng vàng nắm giữ lên mức 20% tổng dự trữ ngoại hối. Tính đến tháng Mười, vàng chiếm 17% trong danh mục tài sản dự trữ của NBP.
RBI, CBT và NPB chiếm 60% tổng lượng mua ròng vàng được báo cáo của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu trong năm nay.
Một số nước khác cũng góp phần vào làn sóng mua vàng trong tháng trước. Kazakhstan đảo ngược chuỗi bán ròng kéo dài 5 tháng, mua 5 tấn vàng trong tháng Mười.
Ngân hàng Quốc gia Czech (CNB) bổ sung thêm 2 tấn, đánh dấu tháng mua ròng thứ 20 liên tiếp. Kyrgyzstan báo cáo lượng mua hàng tháng cao nhất trong một năm, với 2 tấn được bổ sung. Ghana mua 1 tấn trong tháng Mười, nâng tổng trữ lượng vàng lên 28 tấn, tăng đáng kể so với mức dưới 9 tấn vào tháng 5-2023.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục dừng mua vàng trong tháng Mười, đánh dấu tháng thứ sáu liên tiếp dừng mua.
Theo WGC, đà tăng mạnh của giá vàng dường như đã kìm hãm một số hoạt động vàng và thúc đẩy hoạt động bán ra mang tính chiến thuật trong những tháng trước đây. Nhưng nhu cầu phục hồi trong tháng Mười báo hiệu khu vực ngân hàng trung ương tiếp tục quan tâm đến việc tích lũy vàng trong danh mục dự trữ.
“Điều này khẳng định lại vai trò của vàng như một tài sản chiến lược để các ngân hàng trung ương quản lý rủi ro và đa dạng hóa dự trữ”, báo cáo của WGC cho biết.
Hoạt động mua vàng của khu vực ngân hàng trung ương tăng vọt vào đầu năm 2022 sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Theo các nhà kinh tế, động lực chính thúc đẩy làn sóng mua vàng này là để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, để tránh rủi ro bị phương Tây, đứng đầu là Mỹ, trừng phạt như trường hợp của Nga. Sự chi phối của đô la trong thương mại toàn cầu cho phép Washington dễ dàng triển khai những biện pháp trừng phạt tài chính nhằm vào các nước thù địch.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2024, hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương bắt đầu chậm lại, xuống mức thấp dưới 25 tấn trong tháng Tám.
“Kể từ năm 2022, giá vàng tăng 40% ngay cả khi Mỹ đang trong chu kỳ tăng lãi suất. Điều đó rất kỳ lạ. Thông thường, lãi suất cao sẽ khiến vàng kém hấp dẫn hơn, vì vàng không trả bất kỳ khoản lãi nào, không giống như trái phiếu”, Lina Thomas, nhà chiến lược hàng hóa cỉa Goldman Sachs Research viết trong một báo cáo gần đây.
Thomas cho biết, lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga là lời cảnh tỉnh để các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đa dạng hóa dự trữ ngoại hối khỏi đồng đô la bằng cách tăng mua vàng.
Cuộc khảo sát hồi tháng Sáu của WGC cho thấy, 29% trong số các ngân hàng trung ương được thăm dò cho biết có kế hoạch mua thêm vàng trong 12 tháng tới.
Theo Jpost, Mint, Kitco
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận