Chậm cổ phần hóa DNNN, nguy cơ mất an toàn tài chính
Là một trong những trụ cột của nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nắm giữ nguồn lực lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, việc cổ phần hóa chậm chạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tài chính, lãng phí nguồn lực nhà nước.
Vướng mắc do lịch sử để lại
Bộ Tài chính cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, giai đoạn 2022 -2025, cơ quan chức năng tiến hành cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước đầu tư tại 141 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đã hết 3 quý của năm 2024 nhưng chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Về thoái vốn, cơ quan chức năng đã thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tổng giá trị phần vốn nhà nước thoái 145 tỷ đồng, thu về 157 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái vốn tại 3 đơn vị con với giá trị gần 41 tỷ đồng và thu về 183 tỷ đồng.
Bến xe thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) chậm cổ phần hóa do vướng mắc phương án sử dụng đất.
Theo Bộ Tài chính, việc chậm cổ phần hóa, thoái vốn DNNN chủ yếu do vướng mắc liên quan đến sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất. Tiêu biểu như tại Đồng Nai, địa phương phải cổ phần hóa Tổng Cty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) và công ty con, chi nhánh; Tổng Cty CP phát triển khu công nghiệp (Sonadezi); Tổng Cty Tín Nghĩa; đơn vị sự nghiệp công lập (Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai và Bến xe thành phố Biên Hòa).
Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Đồng Nai, việc cổ phần hóa, thoái vốn gặp vướng mắc, chậm tiến độ, chưa có giải pháp cụ thể. Dẫn ví dụ cổ phần hóa, thoái vốn tại Dofico, các vướng mắc do lịch sử để lại như: chứng từ, hồ sơ góp vốn đầu tư bằng giá trị quyền sử dụng đất; góp vốn bằng tài sản trên đất chưa phù hợp quy định hiện hành.
“Khó khăn, vướng mắc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nêu nhiều lần và kéo dài nhiều năm nhưng chưa có giải pháp. Chúng tôi đề xuất cần xây dựng nhiều phương án để đẩy nhanh lộ trình”, đại diện Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Đồng Nai cho biết.
Nhiều DN mất an toàn tài chính
Một trong những vấn đề của DNNN là còn tình trạng quản lý, kinh doanh chưa hiệu quả nguồn vốn. Gần đây nhất, Bộ Tài chính công bố báo cáo về kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2023 đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Số liệu này được tổng hợp từ 143 doanh nghiệp khối Trung ương, dựa trên cơ sở báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp. Theo đó, tổng doanh thu của khối doanh nghiệp thuộc bộ, cơ quan ngang bộ năm 2023 đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế 101 nghìn tỷ đồng.
Trong số 143 doanh nghiệp, có 107 doanh nghiệp đảm bảo an toàn về tài chính. Có 7 doanh nghiệp kinh doanh lỗ với tổng số lỗ 23,5 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, Cty TNHH Thiết bị giáo dục nghề nghiệp lỗ phát sinh 82 triệu đồng, Cty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long lỗ 15 tỷ đồng, Cty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp lỗ 639 triệu, Cty TNHH MTV Hà Thành lỗ 276 triệu đồng, Cty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch lỗ 339 triệu đồng, Cty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương lỗ 4,6 tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát sinh lỗ lớn nhất, với 23,5 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính chỉ ra, 10 doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, gồm: Cty mẹ – Tổng Cty 15, Cty mẹ-Cty TNHH MTV 622, Cty TNHH Thiết bị giáo dục nghề nghiệp, Cty TNHH MTV Ứng dụng và phát triển công nghệ, Cty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch, Cty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Cty TNHH MTV Nhà xuất bản Thế giới, Tổng Cty Cà phê Việt Nam.
Đáng quan ngại, có 4 doanh nghiệp mất an toàn về tài chính, gồm: Cty TNHH MTV Hà Thành, Cty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long, Cty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp, Cty TNHH MTV XNK Nông sản, thực phẩm Hà Nội.
“Tổng số lỗ của DNNN năm 2023 tăng 44,6 nghìn tỷ đồng so với năm 2022. Số lượng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ của khối Trung ương thua lỗ chưa giảm so với trước đó. Với khối địa phương, số lượng doanh nghiệp thua lỗ tăng lên”, Bộ Tài chính cho biết.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nhiều năm nay, DNNN nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, đất đai. Bên cạnh DN hoạt động tốt, vẫn còn tình trạng DNNN thua lỗ, mất an toàn tài chính.
Với các DN thua lỗ, ông Long kiến nghị, cơ quan chức năng cần xem xét nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới thua lỗ của từng doanh nghiệp và đưa ra giải pháp xử lý. Cơ quan chủ quản cần xem xét vị trí, vai trò của doanh nghiệp có còn phù hợp, có cần nắm giữ độc quyền, doanh nghiệp làm nhiệm vụ chính trị hay kinh doanh thông thường để tìm giải pháp phù hợp.
Bộ Tài chính cho biết, tổng số lỗ của DNNN năm 2023 tăng 44,6 nghìn tỷ đồng so với năm 2022. Số lượng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ của khối Trung ương thua lỗ chưa giảm so với trước đó. Với khối địa phương, số lượng doanh nghiệp thua lỗ tăng lên.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận