Châu Phi: Bàn đạp cho tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc?

Ngày càng nhiều nước châu Phi ký kết các thỏa thuận liên quan đến đồng nhân dân tệ với Trung Quốc. Theo South China Morning Post, Trung Quốc đang định vị châu Phi như vùng thí điểm cho quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, phá vỡ sự thống trị của đồng USD.
Thí điểm cho quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tới Ai Cập mới đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Ai Cập đã ký một loạt thỏa thuận nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại và đầu tư giữa 2 nước.
Theo đó, 2 bên sẽ xem xét một hiệp định hoán đổi tiền tệ, cũng như tạo điều kiện cho các công ty Ai Cập phát hành “trái phiếu panda” (trái phiếu bằng nhân dân tệ) tại Trung Quốc.
Khu Hợp tác Kinh tế và Thương mại TEDA Suez giữa Trung Quốc và Ai Cập. (Ảnh: Handout).
Ai Cập là nước mới nhất trong danh sách các quốc gia châu Phi có thỏa thuận liên quan đến đồng nhân dân tệ với Trung Quốc. Nam Phi, Nigeria và Angola đều đang thử nghiệm hoặc triển khai việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch thương mại và tài chính.
Mới đây, Nigeria cũng đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc với quy mô 15 tỷ nhân dân tệ (2 tỷ USD), cho phép trao đổi trực tiếp giữa đồng naira và nhân dân tệ mà không cần qua đồng USD của Mỹ.
Theo South China Morning Post, Trung Quốc đang định vị châu Phi như “vùng thí điểm” cho quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, phá vỡ sự thống trị của đồng USD. Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) được Trung Quốc thúc đẩy nhằm thay thế mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT của Mỹ.
Quốc tế hóa đồng nhân dân tệ “một cách từ từ”
Theo nhà nghiên cứu Lauren Johnston, quan hệ kinh tế với Trung Quốc rất quan trọng với các nước châu Phi. Cùng lúc đó, nhiều nước châu Phi gặp khó khăn trong việc tiếp cận các đồng ngoại tệ mạnh như euro hay USD Mỹ. Do vậy, đây có thể là “cơ hội để Trung Quốc thử nghiệm quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, trước tiên là tại một vài quốc gia châu Phi”, bà Johnston nói.
Tuần trước, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Nam Phi đã ký một thỏa thuận cho vay trị giá 2,1 tỷ nhân dân tệ. Đây là hợp tác tài chính đầu tiên giữa 2 bên bằng đồng nhân dân tệ. Ngoài ra, từ năm 2015 Nam Phi cũng đã có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Bắc Kinh với quy mô 30 tỷ nhân dân tệ.
Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) được Trung Quốc thúc đẩy nhằm thay thế mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT của Mỹ. (Ảnh: The Economic Times).
Bà Johnston cho biết Trung Quốc đang ở một vị thế đặc biệt: Tuy là quốc gia có nền kinh tế lớn, nhưng đồng nhân dân tệ của nước này lại chưa có vai trò đáng kể trong hệ thống tài chính toàn cầu.
“Giống như mọi thay đổi chính sách trong thời kỳ cải cách và mở cửa vài thập niên qua, bất kỳ nước đi nào liên quan đến việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đều sẽ diễn ra một cách từ từ”, bà Johnston nhận định.
Theo bà, những thay đổi liên quan đến việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ rất phức tạp, do phải tính đến một loạt các biến số chính sách như tỷ giá hối đoái, tốc độ tăng trưởng, cán cân thương mại và tài khoản vốn.
Châu Phi được coi là “vùng thí điểm” cho tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).
Hồi tháng 6, Ngân hàng Standard Bank của Nam Phi trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên ở châu Phi triển khai CIPS để thực hiện các giao dịch thanh toán liên ngân hàng trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ với Trung Quốc.
Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) cũng gia nhập hệ thống CIPS vào tháng trước để “thực hiện các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ với Trung Quốc một cách nhanh hơn, rẻ hơn và độc lập hơn”.
Chưa thể “soán ngôi” đồng USD
Trung Quốc hiện chiếm tới 20% tổng kim ngạch thương mại của châu Phi với thế giới, tăng mạnh so với mức chỉ 5% cách đây 2 thập kỷ.
“Mặc dù quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã phát triển nhanh chóng, nhưng các dòng vốn tài chính thì không, chúng vẫn bị cản trở bởi các rào cản xuyên biên giới, chi phí thanh toán cao và các quy trình phức tạp. Điều này làm hạn chế tiềm năng đầy đủ của mối quan hệ kinh tế Trung Quốc – châu Phi”, ngân hàng Afreximbank nhận định.
Theo Afreximbank, hiện có hơn 4.900 tổ chức tài chính tại 187 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sử dụng hệ thống CIPS.
Bà Johnston cho biết các căng thẳng địa chính trị và nguy cơ bị đóng băng tài sản ngoại tệ đã khiến một số quốc gia BRICS chú trọng hơn đến việc giảm phụ thuộc vào hệ thống SWIFT của Mỹ.
“Ai Cập và Nam Phi đều là thành viên BRICS và là những nền kinh tế quan trọng ở châu Phi, nhưng chưa phải là có tầm quan trọng trên quy mô toàn cầu. Điều này có thể khiến họ trở thành những nước thích hợp để thử nghiệm triển khai quốc tế hóa đồng nhân dân tệ một cách dần dần”, bà Johnston nói.
Theo nhà phân tích Aly-Khan Satchu, các thỏa thuận sử dụng đồng nhân dân tệ trong quan hệ Trung Quốc – châu Phi đang ngày càng phổ biến, dù hiện tại vẫn chỉ chiếm “một phần nhỏ trong tổng giá trị thương mại”.
“Về lý thuyết, con số này có thể tiến tới 100% tổng thương mại. Tuy nhiên, việc thay thế sự thống trị của đồng USD trong khu vực vẫn sẽ là một chặng đường dài đối với Trung Quốc”, ông Satchu cho biết.
Theo South China Morning Post
Lê Ngọc
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận