Chi hơn 6.500 tỉ đồng từ ngân sách để mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành
Dự án mở rộng đoạn cao tốc TPHCM – Long Thành dài gần 22 km đang được xúc tiến với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng.
Trong đó, ngân sách nhà nước sẽ chi hơn 6.500 tỉ đồng để hỗ trợ đầu tư, phần còn lại do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) huy động.
Bộ Xây dựng vừa gửi công văn kiến nghị Chính phủ giao VEC là đơn vị chủ trì thực hiện dự án mở rộng đoạn cao tốc TPHCM – Long Thành thuộc tuyến TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Dự án này nhằm nâng cấp tuyến đường từ 4 làn xe hiện hữu lên 8 – 10 làn xe nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao.
Một đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. – Ảnh: Baodautu
Theo đề xuất, ngân sách nhà nước sẽ cấp 6.500 tỉ đồng cho dự án, trong đó 2.500 tỉ đồng lấy từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 theo đề xuất của Bộ Tài chính. Phần còn lại, 4.000 tỉ đồng, Bộ Tài chính sẽ cân đối để bố trí bổ sung theo nhu cầu thực tế.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 16.314 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách chiếm khoảng 40%, tương ứng hơn 6.500 tỉ đồng; phần vốn còn lại do VEC huy động (gần 9.814 tỉ đồng), cùng với chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng là khoảng 977 tỉ đồng.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ yêu cầu VEC rà soát và xây dựng phương án tài chính cụ thể, đảm bảo khả năng huy động vốn và trả nợ các khoản vay lại từ Chính phủ. Phương án này phải phù hợp với kế hoạch tăng vốn điều lệ giai đoạn 2024 – 2026 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
VEC sẽ chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức khởi công công trình trong năm 2025. Đơn vị cũng được phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, đoạn từ nút giao An Phú đến Vành đai 3 (từ Km0+000 đến Km8+844,5) sẽ trở thành trục chính đô thị với quy mô 8 làn xe, nằm trong hành lang quy hoạch rộng 116 – 140m. Từ Vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ có quy mô 10 làn xe theo định hướng mạng lưới giao thông quốc gia đến năm 2050.
Hiện tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây được VEC đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe và đưa vào khai thác từ năm 2014. Tuy nhiên, đoạn từ An Phú đến Biên Hòa – Vũng Tàu (dài hơn 25 km) hiện đang quá tải, khi nhu cầu vận tải đã vượt 25% so với năng lực thông hành thiết kế.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định, việc mở rộng đoạn cao tốc TPHCM – Long Thành là nhu cầu cấp thiết, nhất là trong bối cảnh giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành sắp đưa vào vận hành. Nếu không sớm triển khai mở rộng, nguy cơ ùn tắc và gián đoạn chuỗi vận tải kết nối vùng sẽ gia tăng.
Theo phương án do VEC trình lên các cơ quan chức năng, đoạn mở rộng dài khoảng 21,92 km. Trong đó, khoảng 8,46 km nằm trên địa phận TPHCM và 13,46 km thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Dự án bao gồm hai đoạn chính: đoạn cầu cạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 dài gần 5 km sẽ được nâng cấp từ 4 lên 8 làn xe; đoạn từ Vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dài hơn 17 km sẽ được mở rộng lên 10 làn xe.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận