CHIA DI SẢN LIÊN QUAN ĐẾN DI SẢN THỜ CÚNG & DI TẶNG: TÌNH HUỐNG 1 – 2 – 3 – 4

CHIA DI SẢN LIÊN QUAN ĐẾN DI SẢN THỜ CÚNG & DI TẶNG: TÌNH HUỐNG 1 – 2 – 3 – 4

TÌNH HUỐNG 1

Vợ chồng ông A, bà B kết hôn vào năm 1960, có 2 người con chung là C (sinh 1962) và D (sinh 1964). Anh C có vợ là Q và có 2 người con chung là E và F. Ông A qua đời vào tháng 02/2013, có để lại di chúc định đoạt toàn bộ tài sản của ông và giao cho anh C quản lý dùng vào việc thờ cúng. Di sản của ông A được trị giá là 320.000.000 đồng.

Giải quyết tình huống này, cần xác định nhiều yếu tố có liên quan.

Thứ nhất, hiểu phần di sản dùng vào việc thờ cúng là bao nhiêu? Vì Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định di sản dùng vào việc thờ cúng chiếm bao nhiêu phần trăm của tổng giá trị di sản của người chết để lại.

Thứ hai, nếu suy đoán di sản dùng vào việc thờ cúng chỉ là một phần tài sản của người chết để lại, mà không thể lớn hơn 1/2 giá trị tài sản của người đó.

Thứ ba, tuy rằng người lập di chúc để lại toàn bộ di sản của mình dùng vào việc thờ cúng, nhưng những người thừa kế có thể thỏa thuận phần di sản này nhỏ hơn phần mà ý nguyện của người để lại di sản này đã định đoạt?

Thứ tư, trước đây cha ông căn cứ vào Bộ Dân luật Bắc Kỳ năm 1931 và Bộ Dân luật Trung Kỳ năm 1936 quy định về việc lập hương hỏa, có thể dựa vào đó để xác định giá trị di sản dùng vào việc thờ cúng hay không?

Giải quyết những vấn đề đặt ra, cần phải xác định những yếu tố liên quan. Di sản dùng vào việc thờ cúng là do người để lại di chúc định đoạt từ tài sản riêng của mình. Ý nguyện của người có tài sản là để lại tài sản của mình dùng vào việc thờ cúng ông bà, cha, mẹ và mình. Ý chí hoàn toàn tự do, tự nguyện và được thể hiện bằng cách lập di chúc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng.

Những người thừa kế chỉ có quyền thỏa thuận chỉ định người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng trong trường hợp người để lại di sản này không chỉ định người quản lý. Do vậy, những người thừa kế không có quyền thỏa thuận về giá trị di sản dùng vào việc thờ cúng trái với ý nguyện của người để lại di sản này theo di chúc.

Bộ Dân luật Bắc Kỳ năm 1931 và Bộ Dân luật Trung Kỳ năm 1936 quy định về hương hỏa là đất đai mà không phải mọi tài sản có thể dùng vào việc thờ cúng như Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định.

Điều 398 Bộ Dân luật Bắc Kỳ năm 1931 quy định: Phàm hương hỏa không được quá một phần năm giá tài sản của người lập hương hỏa, dù số người thừa kế là bao nhiêu mặc lòng. Và Điều 399 Bộ Dân luật Bắc Kỳ năm 1936 quy định: Khi nào hương hỏa lập quá số hạn. Sự xin giảm ấy là tùy quyền các người thừa kế, các chủ nợ người thừa kế, cùng là các chủ nợ của toàn thể người thừa kế.

Về hương hỏa, Điều 406 Bộ Dân luật Trung Kỳ năm 1936 cũng quy định tương tự như Bộ Dân luật Bắc Kỳ năm 1931.

Căn cứ vào sự kiện trên, xác định di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:

Cách 1: Do ông A đã định đoạt hết tài sản của mình dùng vào việc thờ cúng, nhưng theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Vậy bà B được hưởng là: 320.000.000 đồng : 3 x 2/3 = 71.111.111 đồng. Di sản dùng vào việc thờ cúng là: 320.000.000 đồng – 71.111.111 đồng = 248.888.889 đồng.

Cách 2: Di sản dùng vào việc thờ cúng chỉ là một phần, do vậy tối đa không thể lớn hơn 1/2 tổng di sản của người chết. Vậy di sản dùng vào việc thờ cúng là: 320.000.000 đồng : 2 = 160.000.000 đồng.

160.000.000 đồng chia theo pháp luật cho B, C, D hưởng. Vậy B = C = D = 160.000.000 đồng : 3 = 53.333.333 đồng.

Theo Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 bà B được 71.111.111 đồng. Vậy bà B còn thiếu 71.111.111 đồng – 53.333.333 đồng = 17.777.778 đồng.

Phần còn thiếu của bà B được trừ vào di sản dùng vào việc thờ cúng. Di sản dùng vào việc thờ cúng còn lại là: 160.000.000 đồng – 17.777.778 đồng = 142.222.222 đồng.

Tuy nhiên, giải quyết các tranh chấp về di sản dùng vào việc thờ cúng trong tình huống này, còn có thể áp dụng tập quán?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật Dân sự năm

2015: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”.

Tình huống này có thể áp dụng tập quán không, khi mà đã có Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 để áp dụng? Tuy nhiên, Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định rõ “một phần di sản dùng vào việc thờ cúng” là bao nhiêu, 1/3; 1/5 hay 1/20 giá trị di sản của người để lại di sản dùng vào việc thờ cúng?

Nếu tất cả các biện pháp trên đều chưa thật sự thuyết phục trong việc xác định di sản dùng vào việc thờ cúng, thì nguyên tắc tại Điều 3 và quy định tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể viện dẫn để áp dụng “án lệ” hay “lẽ công bằng”?

Ở Việt Nam đã có án lệ về di sản dùng vào việc thờ cúng hay chưa? Lẽ công bằng ở đây là gì để có thể xác định di sản dùng vào việc thờ cúng theo tình huống đặt ra?

Căn cứ vào tình huống đặt ra, cần thiết phải xác định quy phạm để áp dụng vào việc giải quyết những tranh chấp phát sinh liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng. Vì vậy, tình huống được đặt ra nhằm gợi mở cho việc áp dụng pháp luật về thừa kế nói chung và quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng nói riêng.

Tác giả cuốn sách đã áp dụng pháp luật thừa kế và các điều luật được viện dẫn giải quyết theo cách 1 trên đây.

TÌNH HUỐNG 2

Ông A là trưởng tộc họ T, có 3 người con là B, C và D. Ông qua đời có để lại di chúc định đoạt 50 m2 đất ở thuộc quyền sử dụng của ông và giao cho người con trưởng là B quản lý dùng vào việc thờ cúng. Vợ của ông A đã mất từ năm 1980. Diện tích đất ở của ông A có được do các cụ là bố, mẹ của ông để lại cho riêng ông. Diện tích đất ở 50 m2 có giá trị gấp nhiều lần so với thời điểm ông A còn sống, do quy hoạch thành phố và lợi thế của diện tích đất này gần trung tâm thương mại. Vì vậy, anh C và D yêu cầu B phải quy diện tích đất ở theo giá thị trường để chia đều làm 3 suất. Các anh C và D sẽ nhận tiền, còn anh B vẫn sử dụng diện tích đất đó để trồng cây ăn quả. Anh B không đồng ý với đề nghị của hai người em ruột C và D.

Tình huống trên được giải quyết theo hướng sau đây:

Diện tích 50 m2 đất ở thuộc quyền sử dụng của ông A, đất sử dụng lâu dài. Ông A có quyền định đoạt quyền sử dụng của mình trên diện tích đất ở này. Vì vậy, ông A đã lập di chúc định đoạt diện tích đất này dùng vào việc thờ cúng và giao cho anh B quản lý.

Căn cứ vào quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 về di sản dùng vào việc thờ cúng là di sản không được chia thừa kế và người quản lý di sản này là anh B, được chỉ định trong di chúc của ông A. Vì vậy, các anh C và D không có quyền nhận giá trị theo phần đất nếu được chia theo pháp luật. Anh B có nghĩa vụ quản lý diện tích đất này để trồng cây ăn quả. Các hoa lợi thu được từ cây ăn quả trên diện tích đất này cho dù có quy đối thành tiền, thì đây là một khoản tài sản dùng vào việc thờ cúng. Trong trường hợp anh B không thực hiện đúng di chúc của ông A, thì những người thừa kế khác là anh C và anh D có quyền giao diện tích đất này cho anh C hoặc anh D quản lý để dùng vào việc thờ cúng.

Theo quy định tại đoạn ba khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”.

Tình huống trên là một tình huống đặc biệt, không có người thừa kế theo di chúc, do vậy đoạn ba khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 không áp dụng cho trường hợp này. Đây là sự bất cập của quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng. Vì Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 không định tính di sản dùng vào việc thờ cúng và cũng không xác định phạm vi về thời hạn để người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thờ cúng trong phạm vi đời mình hay cả đời sau hay trong khoảng thời hạn nhất định, thì di sản thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản.

TÌNH HUỐNG 3

Ông A và ông B là anh em ruột. Khi bố, mẹ họ qua đời, có để lại diện tích đất ở là 1.200 m2. Trước khi qua đời, các cụ đã thể hiện ý nguyện là diện tích đất ở của ông bà để lại được chia đôi, ông A và ông B mỗi người 1/2 . Ông A là anh, do điều kiện công tác nên sống xa quê. Ông B có vợ là K và có 2 người con ruột là M và N đều sống tại quê. Ông B dựng ngôi nhà ở trên 1/2 diện tích đất do bố, mẹ chia cho ông. Diện tích đất 600 m2 của ông A được giao cho ông B quản lý để sau này xây nhà thờ thờ cúng tổ tiên. Ông B qua đời vào năm 2010, vào thời điểm này các con của ông đã kết hôn và về sống ở gia đình nhà chồng. Bà K ở lại ngôi nhà của vợ chồng bà và trông coi diện tích đất của ông A. Vào năm 2016, ông A về quê và có ý định xây nhà thờ để thờ cúng tổ tiên trên diện tích đất 600 m2 nói trên và được biết, toàn bộ diện tích 1.200 m đã được cấp sổ đỏ và mang tên vợ chồng ông B và bà K. Ngoài ra, ông A còn được biết là bà K đang thỏa thuận với ông Q để bán toàn bộ diện tích đất nói trên và ngôi nhà ở của vợ chồng bà để ra thành phố sống cùng vợ chồng người con gái cả với giá 1 tỷ 200 triệu đồng. Ông A không đồng ý và với lý do đất đó là của riêng ông, bà K không thể bán khi ông không đồng ý. Ông A muốn xây nhà thờ trên diện tích đất 600 m2 thuộc quyền sử dụng của ông và trong trường hợp ông không về quê sinh sống thì bà K quản lý để thờ cúng tổ tiên và chồng bà.

Qua sự kiện trên, nhận thấy diện tích đất 1.200 m2 của các cụ là bố, mẹ của ông A và ông B. Sau khi các cụ qua đời, theo ý nguyện của các cụ khi còn sống thì ông A và ông B là những người thừa kế theo pháp luật di sản của bố, mẹ (các cụ không để lại di chúc dưới bất kỳ hình thức nào). Do vậy, ông A và ông B mỗi người được hưởng 600 m2 đất ở do được thừa kế và hưởng bằng hiện vật (diện tích đất).

(i) Với nguồn gốc đất nói trên, vợ chồng ông B, bà K không thể được xác định là đồng sở hữu chung đối với quyền sử dụng 1.200 m2 đất ở như đã đề cập. Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương đã có lỗi trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 1.200 m2 đất ở cho vợ chồng ông B, bà K. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này phải được thu hồi và làm lại thủ tục từ đầu đối với diện tích đất nói trên để xác định diện tích của ông A và ông B có quyền sử dụng và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp lại cho mỗi người. Vì vậy, bà K không có quyền chuyển nhượng diện tích đất này cho người khác trong khi đang có tranh chấp.

(ii) Khi ông A được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trường hợp ông xây nhà thờ thì nhà thờ đó thuộc quyền sở hữu của ông. Trường hợp này không phải là di sản thờ cúng do bố, mẹ của ông A để lại, vì không có di chúc. Ông A tự quản lý nhà thờ này hoặc ủy quyền cho người khác quản lý.

(iii) Trường hợp trước khi ông A qua đời, ông có thể lập di chúc định đoạt nhà thờ do ông xây dựng dùng vào việc thờ cúng và giao cho người khác quản lý để dùng vào việc thờ cúng, khi đó sẽ áp dụng Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015.

(iv) Nhà thờ này (nếu được xây dựng) thuộc quyền sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng ông A, trong trường hợp ông A và vợ của ông không có ý định làm nơi thờ cúng thì được xử lý như các di sản thừa kế khác, sau khi ông A và vợ của ông qua đời. Trường hợp ông A và vợ ông vẫn có ý nguyện để nhà thờ làm nơi thờ cúng, thì phải thể hiện bằng di chúc.

Thờ cúng tổ tiên là phong tục của người Việt Nam đã có từ rất xa xưa và hiện nay vẫn được coi trọng. Di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định của pháp luật thời thực dân – phong kiến “là phần động sản hay bất động sản trong gia tài dùng vào việc cúng giỗ một người vợ hoặc người chồng người ấy và việc cúng giỗ tổ tiên bên nội người ấy”. Thông thường, di sản dùng vào việc thờ cúng được chuyển giao cho người nối dõi hay được coi là nối dõi người đã chết để sử dụng thu hoa lợi dùng vào việc thờ cúng cho người để lại hương hỏa và những người theo quan hệ huyết tộc của người đó. Phần tài sản dùng vào việc thờ cúng không quá 1/5 tổng giá trị tài sản của người để lại di sản đó. Điều 398 Bộ Dân luật Bắc Kỳ năm 1931 quy định: “Phàm hương hỏa không được quá một phần năm giá tài sản của người lập hương hỏa, dù số người thừa kế là bao nhiêu mặc lòng”. Về hương hỏa, Điều 406 Bộ Dân luật Trung Kỳ năm 1936 cũng quy định tương tự như vậy.

Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định di sản dùng vào việc thờ cúng rất phức tạp khi áp dụng đối với di sản thông thường khác, mà còn phức tạp hơn khi di sản dùng vào việc thờ cúng là nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Việc giải quyết tranh chấp về di sản dùng vào việc thờ cúng là nhà ở và quyền sử dụng đất tại Tòa án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, nhà ở và đất ở cũng là tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân khi còn sống, là di sản khi cá nhân chết và cá nhân để lại tài sản này dùng vào việc thờ cúng thì cũng giải quyết như đối với tài sản khác. Tuy nhiên, về hình thức, thủ tục, thời hạn sử dụng đất (nếu có), thì người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng cũng phải thực hiện đầy đủ những thủ tục luật định.

TÌNH HUỐNG 4 ( DI TẶNG)

Ông A có vợ là B và có 2 người con chung là C và D. Các con của ông A đều đã trưởng thành và tự lập. Ông A qua đời vào tháng 3/2016, có để lại di tặng cho chị C 1/2 số vàng của ông.

Sau khi ông A qua đời, chị D yêu cầu Tòa án chia di sản của ông A. Tòa xác định được, ngoài số vàng 50 lượng (trị giá 2 tỷ đồng), ông A còn có các tài sản khác trị giá 600.000.000 đồng.

Căn cứ vào sự kiện trên, trước hết di sản là phần di tặng, chị C được hưởng 25 lượng vàng. Phần di sản còn lại của ông A không được định đoạt trong di chúc, chia theo pháp luật.

Nhận thấy, tài sản còn lại của ông A có hiện vật là 25 lượng vàng, còn các tài sản khác trị giá thành tiền là 600.000.000 đồng, do vậy di sản là hiện vật (vàng) được chia cho bà B, chị C và chị D.

Mỗi người thừa kế được hưởng số vàng là: B = C = D = 25 lượng vàng : 3 = 8,33 lượng vàng.

Hưởng di sản thừa kế khác là: B = C = D = 600.000.000 đồng : 3 = 200.000.000 triệu.

Quan hệ tài sản về di tặng được hiểu là việc một cá nhân cho người khác một phần tài sản hay một vật chất nhất định trong khối tài sản của mình thông qua di chúc. Di tặng không phải là tặng cho. Tặng cho là hợp đồng được xác lập giữa bên tặng cho tài sản và bên được tặng cho và cả hai bên đều phải còn sống. Di tặng là giao dịch dân sự có đặc điểm là hành vi pháp lý đơn phương, thể hiện ý chí của cá nhân lập di chúc, còn bên được di tặng hoàn toàn “bị động”, không có sự thể hiện ý chí nào vào thời điểm bên di tặng là cá nhân lập di chúc.

Đối tượng của di tặng là vật được xác định, một dây chuyền vàng, bạc, đá quý…, một xe mô tô, một xe hơi… Tính chất của di tặng này là di tặng đặc định.

Di tặng có thể là một phần tài sản của cá nhân lập di chúc, di tặng có tính chất bao quát; di tặng có thể là toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, còn rất nhiều hình thức di tặng khác nhưng Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định. Trên thực tế, có thể còn có các loại di tặng như người lập di chúc có thể yêu cầu người hưởng di tặng khi chết thì phải hoàn trả những phần tài sản là di tặng cho một người khác mà người lập di chúc đã chỉ định. Loại di tặng này là “di tặng lưỡng cấp tồn sản”. Loại di tặng này được áp dụng với điều kiện phần tài sản di tặng vẫn còn.

Loại di tặng có điều kiện, người lập di chúc di tặng cho A hưởng một ngôi nhà hay căn hộ với điều kiện sau khi A chết mà không có người con nào “nối dõi” phần di tặng này thì B được hưởng. Bộ luật Dân sự Việt Nam kể từ Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định di tặng là hình thức nhận di sản của người lập di chúc để lại phần di tặng, người được di tặng là chủ sở hữu của phần tài sản được di tặng. Quy định về di tặng có một điểm chung là: “Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện nghĩa vụ còn lại của người này’ (khoản 3 Điều 646 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Tham khảo: Pháp Luật Về Thừa Kế Ở Việt Nam-Nhận Thức Và Áp Dụng

PGS.TS. Phùng Trung Tập

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

TÌNH HUỐNG THỪA KẾ QUYỀN TÀI SẢN ĐỐI VỚI QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

TÌNH HUỐNG Ông Nguyễn Văn A tạo ra sáng chế thuộc lĩnh vực công nghệ thông...

Tiếp tục đọc

TÌNH HUỐNG THỪA KẾ QUYỀN TÁC GIẢ CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT, KHOA HỌC

TÌNH HUỐNG 1 Nhà văn Nguyễn Văn A, sau khi qua đời ở tuổi 83, có để lại 5...

Tiếp tục đọc

CHIA DI SẢN TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHỨC TẠP: TÌNH HUỐNG 29 – 30 – 31 – 32

TÌNH HUỐNG 29 Ông A và bà B kết hôn vào năm 1960, không có con chung. Vào năm 1970,...

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay