CHIA DI SẢN TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHỨC TẠP: TÌNH HUỐNG 1

CHIA DI SẢN TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHỨC TẠP: TÌNH HUỐNG 1

TÌNH HUỐNG 1

Ông A và bà B kết hôn vào năm 1950, có 2 người con chung là C (sinh năm 1952) và D (sinh năm 1954). Anh C có vợ là Q và có 2 người con chung là K (sinh năm 1980) và H (sinh năm 1984). Ông A và anh C chết cùng thời điểm do tai nạn giao thông vào tháng 4/2006. Ông A có để lại di chúc cho C 1/4 di sản, còn 3/4 di sản ông A cho đều anh D, cháu K và H. Sau khi ông A qua đời, bà B kiện đến Tòà án quận M xin chia di sản của ông A. Tòa án xác định được tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B có 960.000.000 đồng.

(i) Cách chia đúng

Với sự kiện trên, thấy rằng tài sản chung hợp nhất của vợ chồng ông A và bà B có 960.000.000 đồng. Vậy khi ông A qua đời, quan hệ sở hữu chung hợp nhất giữa ông A và bà B chấm dứt. Di sản thừa kế của ông A được xác định bằng 1/2 khối tài sản thuộc quyền sở hữu chung với bà B. Vậy di sản của ông A có: 960.000.000 đồng : 2 = 480.000.000 đồng.

Phần di sản của ông A được chia theo di chúc. Theo sự kiện trên, thấy rằng ông A định đoạt cho anh C 1/4 di sản. Nhưng anh C đã chết cùng thời điểm với ông A, phần di chúc liên quan đến C được hưởng vô hiệu (người thừa kế đã chết cùng thời điểm với người để lại di sản). Phần di sản liên quan đến phần của di chúc vô hiệu được chia theo pháp luật. Theo tình huống này, chỉ có phần di chúc liên quan đến anh D, cháu K và H (là cháu nội của ông A) được thừa kế theo di chúc. Vậy D = K = H = 480.000.000 đồng x (nhân với) 3/4 : 3 = 120.000.000 đồng.

Còn 1/4 di sản, ông A định đoạt cho anh C được thừa kế theo di chúc, nhưng anh C đã chết cùng thời điểm với ông A, phần di sản liên quan đến phần của di chúc vô hiệu được đem chia theo pháp luật. Biết rằng, hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, của ông A gồm có: bà B, anh C, anh D. Vậy B = C = D = (phải xác định cho anh C được hưởng bao nhiêu nếu còn sống để có căn cứ xác định di sản chia cho các con của anh C thế vị) = 120.000.000 đồng : 3 = 40.000.000 đồng.

Anh C đã chết cùng thời điểm với ông A, cho nên con của anh C là cháu K và H được thế vị. Vậy K = H = 40.000.000 đồng : 2 = 20.000.000 đồng. Theo cách chia di sản của ông A trên đây, thấy rằng bà B là vợ của ông A, mới được hưởng thừa kế theo pháp luật một phần di sản. Nhưng theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì bà B phải được hưởng phần tối thiểu theo tình huống này là: B = 480.000.000 đồng : 3 x 2/3 = 106.660.000 đồng. Nhưng thực tế, bà B mới chỉ được hưởng phần di sản còn lại của ông A chia theo pháp luật là 40.000.000 đồng. Vậy bà B còn thiếu là: 106.660.000 đồng – 40.000.000 đồng = 66.660.000 đồng.

Theo cách tính này, số di sản mà bà B được hưởng đã được xác định theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bà B còn thiếu là 66.660.000 đồng. Phần còn thiếu của bà B được lấy ra từ đâu là một vấn đề cần phải được biện luận. Phần còn thiếu của bà B trừ vào phần di sản mà anh D, cháu K và cháu H được hưởng theo di chúc theo tỷ lệ cho đủ. Thấy rằng, anh D, cháu K và cháu H được thừa kế theo di chúc của ông A theo tỷ lệ ngang nhau. Vậy trừ theo tỷ lệ vào phần thừa kế theo di chúc mà anh D, cháu K và H được hưởng là 1:1:1. Theo đó trừ của anh D, cháu K và H như sau: 66.660.000 đồng : 3 = 22.220.000 đồng.

Anh D còn được hưởng theo di chúc là: 120.000.000 đồng – 22.220.000 đồng = 97.780.000 đồng;

Cháu K còn được hưởng theo di chúc là: 120.000.000 đồng – 22.220.000 đồng = 97.780.000 đồng;

Cháu H còn được hưởng theo di chúc là: 120.000.000 đồng – 22.220.000 đồng = 97.780.000 đồng.

Theo cách tính trên, bà B đã được hưởng phần tối thiểu bằng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật.

Tổng hợp:

– Bà B được hưởng di sản của ông A = 106.660.000.000 đồng;

– Cháu K được hưởng di sản của ông A = 20.000.000 đồng + 97.780.000 đồng = 117.780.000 đồng;

– Cháu H được hưởng di sản của ông A = 20.000.000 đồng + 97.780.000 đồng = 117.780.000 đồng;

– Anh D được hưởng di sản của ông A = 40.000.000 đồng + 97.780.000 đồng = 137.780.000 đồng.

(ii) Cách chia không đúng

Theo tình huống trên, cần thiết phải xem xét một số vấn đề trong cách giải quyết tình huống.

Biết rằng, ông A đã định đoạt trong di chúc cho anh C hưởng 1/4 di sản, nhưng anh C đã chết cùng thời điểm với ông A cho nên phần di chúc liên quan đến C được hưởng vô hiệu. Theo nguyên tắc của pháp luật quy định về thừa kế thì phần di sản liên quan đến phần của di chúc vô hiệu được chia theo pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu chúng ta không nắm vững những quy định của pháp luật về thừa kế thì sẽ vướng phải những sai lầm.

a) Sai lầm thứ nhất: Căn cứ vào di chúc của ông A, anh C được hưởng = 480.000.000 đồng : 4 = 120.000.000 đồng, theo đó cháu K = cháu H (thừa kế thế vị) = 120.000.000 đồng : 2 = 60.000.000 đồng. Phần tài sản còn lại của ông A là 360.000.000 đồng được chia đều cho D và cháu K, cháu H. Vậy D = K = H = 360.000.000 đồng : 3 = 120.000.000 đồng. Từ sai lầm này, sẽ dẫn đến sai lầm thứ hai là tính phần thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc do bà B được hưởng theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015. Bà B là vợ của ông A, tuy không bị ông A truất quyền hưởng di sản, nhưng di sản của ông A đã được định đoạt hết (1/4 cho anh C; 3/4 cho D và hai cháu của ông là K và H, và đã chia theo cách chia do nhận thức sai lầm trên. Do vậy, phần bà B được hưởng không phụ thuộc vào nội dung của di chúc sẽ theo đó mà tính sai. Việc tính sai này được thể hiện như sau: B = 480.000.000 đồng : 3 x 2/3 = 106.660.000 đồng. Phần của bà B được hưởng theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, được trừ theo tỷ lệ vào phần của D, K, H được hưởng cho đủ. Theo cách tính sai lầm này, thì D được hưởng là 120.000.000 đồng; K được hưởng là 60.000.000 đồng (thế vị) + 120.000.000 đồng (hưởng theo di chúc) = 180.000.000 đồng;

H cũng được hưởng của ông A là: 60.000.000 đồng (thế vị) + 120.000.000 đồng (được hưởng theo di chúc) = 180.000.000 đồng. Theo tổng giá trị mà D, K và H mỗi người được hưởng để trừ theo tỷ lệ cho đủ phần của bà B được hưởng theo Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015. Thấy rằng, giá trị di sản D được hưởng = 120.000.000 đồng; K = 180.000.000 đồng; H = 180.000.000 đồng. Vậy trừ theo tỷ lệ giá trị tài sản giữa D, K và H theo thứ tự là 1: 1,5:1,5. Theo đó trừ vào phần di sản anh D được hưởng 1.000.000 đồng, thì trừ vào phần di sản của K và H được hưởng mỗi người là 1.500.000 đồng. Giá trị di sản bà B được là 106.660.000 đồng : 4 = 26.660.000 đồng. Biết rằng, 1/4 của tổng 106.660.000 là 26.660.000 đồng. Theo tỷ lệ, thì D = 1, K = 1,5 và H = 1,5. Do đó K và H mỗi người phải trừ thêm vào phần di sản được hưởng là 13.330.000 đồng. Vậy K và H mỗi người phải trừ vào phần di sản được hưởng là 39.990.000 đồng.

Suất của D = 120.000.000 đồng – 26.660.000 đồng = 93.340.000 đồng;

K= 180.000.000 đồng – 39.990.000 đồng = 140.010.000 đồng;

H = 180.000.000 đồng – 39.990.000 đồng = 140.010.000 đồng.

b) Sai lầm thứ hai: Áp dụng Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, để tính phần di sản mà bà B được hưởng không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, phần còn lại chia theo di chúc cho D, K và H. Theo cách tính này thì: B = 480.000.000 đồng : 3 x 2/3 = 106.660.000 đồng. Lấy tổng di sản của ông A trừ phần bà B được hưởng: 480.000.000 đồng – 106.660.000 đồng = 373.340.000 đồng.

C = 1/4 theo di chúc. Vậy C = 373.340.000 đồng : 4 = 93.330.000 đồng;

Do C đã chết cùng thời điểm với ông A, cho nên cháu K và H thế vị. Vậy K = H = 93.330.000 đồng : 2 = 46.660.000 đồng.

Di sản còn lại của ông A, chia đều cho D, K và H được thừa kế theo di chúc. Vậy D = K = H = 280.010.000 đồng : 3 = 93.330.000 đồng.

c) Sai lầm thứ ba: Do bà B là vợ của ông A, nhưng tài sản của ông A đã được định đoạt hết cho những người khác là C, D, K, H cho nên phải tính phần thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 cho bà B. Vậy B = 480.000.000 đồng : 3 x 2/3 = 106.660.000 đồng.

Do anh C đã chết cùng thời điểm với ông A, cho nên phần di chúc liên quan đến C vô hiệu. Phần này chia theo pháp luật.

Theo đó C = D = 120.000.000 đồng : 2 = 60.000.000 đồng.

Cháu K = H (thế vị) = 60.000.000 đồng : 2 = 30.000.000 đồng.

Anh D = K = H (thừa kế theo di chúc phần di sản còn lại của ông A. Vậy D = K = H = 480.000.000 đồng – (120.000.000 đồng + 106.660.000 đồng) : 3 = 84.660.000 đồng.

Cách chia này có những sai lầm trong việc xác định phần cho bà B được hưởng theo Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 trước do vậy đã không đề cập phần di sản liên quan đến phần di chúc cho anh C hưởng là vô hiệu. Phần di sản liên quan đến phần di chúc C hưởng vô hiệu, được chia theo pháp luật, thì bà B trước tiên có quyền hưởng phần được chia theo pháp luật ngang bằng với anh D và anh C, sau đó phần của C được hưởng nếu còn sống sẽ chia cho hai người con của anh là K và H thế vị. Trong cách giải quyết này, đã không chia thừa kế theo pháp luật phần di sản liên quan đến phần của di chúc vô hiệu cho bà B. Do vậy cách giải quyết này không đúng.

Tham khảo: Pháp Luật Về Thừa Kế Ở Việt Nam-Nhận Thức Và Áp Dụng

PGS.TS. Phùng Trung Tập

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

TÌNH HUỐNG THỪA KẾ QUYỀN TÀI SẢN ĐỐI VỚI QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

TÌNH HUỐNG Ông Nguyễn Văn A tạo ra sáng chế thuộc lĩnh vực công nghệ thông...

Tiếp tục đọc

TÌNH HUỐNG THỪA KẾ QUYỀN TÁC GIẢ CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT, KHOA HỌC

TÌNH HUỐNG 1 Nhà văn Nguyễn Văn A, sau khi qua đời ở tuổi 83, có để lại 5...

Tiếp tục đọc

CHIA DI SẢN TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHỨC TẠP: TÌNH HUỐNG 29 – 30 – 31 – 32

TÌNH HUỐNG 29 Ông A và bà B kết hôn vào năm 1960, không có con chung. Vào năm 1970,...

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay