CHIA DI SẢN TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHỨC TẠP: TÌNH HUỐNG 15 – 16 – 17

CHIA DI SẢN TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHỨC TẠP: TÌNH HUỐNG 15 – 16 – 17

TÌNH HUỐNG 15

Ông bà A, B kết hôn vào năm 1940, có 3 người con chung là C, D và E.

Vào năm 1946, ông A kết hôn với bà Q và đã có với bà Q 2 người con chung là K và T. Vào năm 1959, ông A kết hôn với bà M và có 3 người con chung là N, P, H.

Ông A qua đời vào năm 1997, có để lại di chúc cho bà M 1/2 di sản, còn 1/2 di sản ông định đoạt chia đều cho tất cả các con.

Sau khi ông A qua đời, bà B có đơn kiện đến Tòa án xin được chia di sản của ông A. Tòa án xác định được:

(i) Tài sản của ông A và bà B chung nhau có 120.000.000 đồng;

(ii) Tài sản của ông A và bà Q chung nhau có 90.000.000 đồng;

(iii) Tài sản của ông A và bà M chung nhau có 360.000.000 đồng.

a) Giải quyết tình huống

Theo tình huống trên, nhận thấy ông A là người đa thê nhưng tất cả các cuộc hôn nhân đều không bị coi là trái pháp luật vì đều được xác lập trước ngày 13/01/1960 ở miền Bắc và ngày 25/3/1977 ở miền Nam; cho dù ở không gian nào thì quan hệ của ông A với bà Q và bà M cũng đều được thừa nhận là hôn nhân không trái pháp luật.

Ông A chết, có để lại di chúc định đoạt hết tài sản của ông cho người vợ thứ ba và các con của ông. Như vậy, bà B và bà Q không được ông A chỉ định thừa kế theo di chúc và di sản của ông đã được định đoạt hết. Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, bà B và bà Q được hưởng di sản của ông A không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

Trước hết, xác định di sản của ông A trong từng cặp quan hệ với bà B, bà Q và bà M.

– Xác định di sản của ông A từ khối tài sản chung với bà B:

A = 120.000.000 đồng : 2 = 60.000.000 đồng;

– Xác định di sản của ông A từ khối tài sản chung với bà Q:

A = 90.000.000 đồng : 2 = 45.000.000 đồng;

– Xác định di sản của ông A từ khối tài sản chung với bà M:

A = 360.000.000 đồng : 2 = 180.000.000 đồng.

Tổng di sản của ông A = 285.000.000 đồng.

– Bà B và bà Q được hưởng di sản theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015. Vậy B = Q = 285.000.000 đồng : 11 x 2/3 = 17.260.000 đồng.

– Di sản còn lại của ông A = 285.000.000 đồng – (17.260.000 x 2) = 250.480.000 đồng.

Bà M được chỉ định là người hưởng theo di chúc. Vậy bà M = 250.480.000 đồng : 2 = 125.240.000 đồng;

Còn 125.240.000 đồng được chia theo di chúc cho tất cả các con của ông A. Vậy C = D = E = K = T = N = P = H = 125.240.000 đồng : 8 = 15.655.000 đồng.

b) Nhận xét

Qua tình huống trên, nhận thấy sự phức tạp của các quan hệ trong gia đình ông A lại do chính ý thức và hành vi của ông A tạo ra. Tuy quan hệ đa thê của ông A vào thời gian đó không bị coi là trái pháp luật nhưng về dư luận xã hội thì không hẳn nhiều người đồng tình với cách hành xử của ông A.

Việc xác định khối di sản của ông A để lại trong từng quan hệ hôn nhân với 3 người vợ của ông thật sự phức tạp và không hẳn là không có những bất cập do quy định của pháp luật. Bởi vì, ông A chỉ là một cá nhân và không thể phân thân để đồng thời cùng sống chung, lao động chung với từng người vợ để cùng tạo ra tài sản chung của vợ chồng. Khi ông A sống chung với người vợ này lại mâu thuẫn về tình cảm với người vợ kia và ông A đã đóng vai trò chủ thể trong từng cặp quan hệ vợ chồng với từng người vợ.

Đây chỉ nên xem là tình huống được đặt ra để thấy được tính đa dạng của cuộc sống và quan trọng hơn là một ví dụ không mấy phổ biến trong xã hội được đặt ra để xác định tính hiệu quả điều chỉnh của pháp luật thừa kế được áp dụng vào giải quyết những tranh chấp tương tự có thể có trong xã hội.

TÌNH HUỐNG 16

Vợ chồng ông A, bà B kết hôn vào năm 1960, có 2 người con chung là C và D. Khi còn sống, ông A đã mua nhà ở của ông K, có diện tích 60 m2 với giá 700.000.000 đồng vào đầu năm 2001. Giấy tờ đã hoàn tất nhưng trong hợp đồng mua bán nhà ông A đã ghi nhận còn nợ ông K 150.000.000 đồng, hẹn khi nào có sẽ trả hết.

Ông A qua đời vào tháng 6/2003, có để lại di chúc định đoạt tài sản của ông được chia đều cho vợ cùng các con.

Sau khi ông A qua đời, ông K yêu cầu mẹ con bà B có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền mua nhà còn thiếu mà ông A chưa thực hiện là 150.000.000 đồng. Cùng sự kiện ông A đòi nợ, bà B kiện đến Tòa án xin thừa kế di sản của ông A.

Tòa án xác định:

(i) Tài sản chung hợp nhất của ông A, bà B có 360.000.000 đồng;

(ii) Ngôi nhà 60 m2 ông A mua của ông K nhưng ông đã cho con trai là C vào đầu năm 2002 theo hợp đồng tặng cho hợp pháp.

a) Giải quyết tình huống

Qua tình huống trên, nhận thấy ông A mua ngôi nhà của ông K bằng tài sản riêng của ông cho nên ông đã tặng cho người con trai ngôi nhà đó. Ông A chưa thanh toán hết cho ông K tiền mua nhà, do vậy đây là nghĩa vụ về tài sản của ông A đối với ông K chưa thanh toán. Khoản nghĩa vụ tài sản 150.000.000 đồng do ông A để lại được trừ vào khối di sản của ông A.

Tổng tài sản chung hợp nhất của ông bà A, B có 360.000.000 đồng, theo đó di sản của ông A = 360.000.000 đồng : 2 = 180.000.000 đồng.

Thanh toán nghĩa vụ tài sản của ông A để lại đối với ông K là 150.000.000 đồng. Di sản của ông A còn lại là: 180.000.000 đồng – 150.000.000 đồng = 30.000.000 đồng.

Theo di chúc của ông A thì vợ và các con của ông được thừa kế theo di chúc mỗi người một suất ngang nhau. Vậy B = C = D = 30.000.000 đồng : 3 = 10.000.000 đồng.

b) Nhận xét

Ông A là người có tài sản nhưng phần lớn tài sản của ông đã định đoạt khi còn sống, do vậy di sản của ông không còn lại đáng kể sau khi ông qua đời. Phần di sản của ông A đã được dùng để thanh toán khoản nợ đối với ông K là 150.000.000 đồng, chỉ còn 30.000.000 đồng được chia đều cho bà B, anh C và anh D theo di chúc.

TÌNH HUỐNG 17

Vợ chồng ông A và bà B kết hôn vào năm 1950, có 3 người con chung là anh C, anh D và anh E. Ông A qua đời vào tháng 11/2006, có để lại di chúc cho bà B hưởng 1/4 di sản với điều kiện bà phải hoàn toàn đoạn tuyệt, từ mặt anh C, không được coi anh là con nữa. Ông A định đoạt 1/4 di sản cho đều D và E. Sau khi ông A qua đời, bà B kiện đến Tòa án yêu cầu chia di sản của ông A. Tòa án xác định được tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B có 720.000.000 đồng.

a) Giải quyết tình huống

Qua tình huống trên, nhận thấy ông A chỉ định đoạt một phần di sản theo di chúc nhưng lại có một phần của di chúc vô hiệu vì yêu cầu người thừa kế phải thực hiện một việc trái với pháp luật là bà (B) phải hoàn toàn đoạn tuyệt, từ mặt anh C không được coi anh là con nữa.

– Tài sản chung hợp nhất của ông A, bà B có 720.000.000 đồng. Di sản của ông A = 720.000.000 đồng : 2 = 360.000.000 đồng.

– Một phần của di chúc có hiệu lực pháp luật, đó là phần di chúc định đoạt cho D và E hưởng đều nhau 1/4 di sản của ông A. Vậy, D = E = (360.000.000 đồng : 4) : 2 = 45.000.000 đồng. Còn 3/4 di sản của ông A được chia theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của ông A gồm: Bà B, anh C, anh D và anh E, vậy B = C = D = E = 270.000.000 đồng : 4 = 67.500.000 đồng.

b) Nhận xét

Ông A không yêu quý anh C, do vậy ông đã yêu cầu nếu bà B đoạn tuyệt với anh thì được hưởng 1/4 di sản của ông. Nhưng ông A không truất quyền thừa kế của anh C, do vậy anh C vẫn được hưởng di sản của ông A theo pháp luật. Xét về mặt tâm lý thì ông A khi còn sống không yêu mến anh C nhưng không có một bằng chứng nào thể hiện ý chí của ông A truất quyền thừa kế của anh C. Vậy anh C vẫn được hưởng di sản của ông A như những người con khác.

Tham khảo: Pháp Luật Về Thừa Kế Ở Việt Nam-Nhận Thức Và Áp Dụng

PGS.TS. Phùng Trung Tập

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

200 TRIỆU ĐẦU TƯ: LÀM SAO TRÁNH ‘BẪY CHUỘT’ VÀ KHÔNG BIẾN THÀNH HỌC PHÍ?

Khi bắt đầu để dành được vốn đầu tư 200 triệu đồng Với số vốn này,...

Tiếp tục đọc

LẦN ĐẦU ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN: HỌC PHÍ HAY CƠ HỘI? BÍ QUYẾT ĐỂ KHÔNG MẤT TIỀN TỶ

Mua bán đất trong lần đầu 90% là học phí, 10% là đầu tư có lời. Để hạn...

Tiếp tục đọc

XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU KHI ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN

Đất để trống thì không có hiệu quả khai thác sử dụng hơn bđs có căn nhà...

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay