CHIA DI SẢN TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHỨC TẠP: TÌNH HUỐNG 29 – 30 – 31 – 32
TÌNH HUỐNG 29
Ông A và bà B kết hôn vào năm 1960, không có con chung. Vào năm 1970, ông bà nhận anh C khi đó 8 tuổi về làm con nuôi. Anh C kết hôn cùng chị K vào năm 1996 và cũng không có con chung. Đến năm 2000, anh C và chị K nhận cháu M khi đó 3 tuổi về làm con nuôi. Anh C qua đời vào năm 2006. Ông A qua đời vào năm 2007, không để lại di chúc. Sau khi ông A qua đời, bà B kiện đến Tòa án xin chia di sản của ông A. Tòa xác định được di sản của ông A có 240.000.000 đồng.
a) Giải quyết tình huống
Ông A chết có để lại di sản 240.000.000 đồng nhưng không để lại di chúc định đoạt di sản cho ai hưởng. Như vậy, toàn bộ di sản của ông A được chia theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của ông A gồm có: bà B, anh C. Nhưng anh C đã chết trước ông A, do vậy người thừa kế tại hàng thừa kế thứ nhất chỉ còn một mình bà B hưởng. Vậy bà B được hưởng toàn bộ 240.000.000 đồng là di sản của ông A.
b) Nhận xét
Theo tình huống trên, anh C là con nuôi của ông bà A, B, do vậy anh thuộc hàng thừa kế thứ nhất nhận di sản thừa kế của ông A nhưng anh C đã chết trước ông A.
Cháu M là con nuôi của anh C, được thừa kế di sản của anh C theo hàng thừa kế thứ nhất. Nhưng cháu M không phải là người thừa kế thế vị hưởng di sản của ông A. Vì cháu M là con nuôi của anh C, không đương nhiên là cháu của ông A. Như vậy, trong tình huống này không có thừa kế thế vị.
TÌNH HUỐNG 30
Nhà văn T và bà M kết hôn vào năm 1954, có 2 người con chung là chị P (sinh năm 1956) và anh Q (sinh năm 1960).
Khi còn sống, nhà văn T đã công bố hai cuốn tiểu thuyết. Nhà văn T qua đời vào tháng 02/2008, có để lại di chúc cho bà M và các con được hưởng toàn bộ di sản hiện có của mình. Tài sản hiện có của nhà văn gồm số dư trong sổ tiết kiệm là 120.000.000 đồng, các tài sản khác trị giá 20.000.000 đồng. Ngoài ra, nhà văn T còn hai cuốn tiểu thuyết đã hoàn thành nhưng chưa được công bố.
Sau các sự kiện trên, bà M kiện đến Tòa án xin chia di sản của ông T.
a) Giải quyết tình huống
Tổng di sản của ông T để lại có 120.000.000 đồng + 20.000.000 đồng = 140.000.000 đồng. Theo di chúc bà M = chị
P = anh Q = 140.000.000 đồng : 3 = 46.666.666 đồng.
Ngoài ra, quyền tác giả của nhà văn T cũng là di sản thừa kế và trong trường hợp các tác phẩm của ông T được công bố thì mẹ con bà M được thừa kế theo pháp luật khoản tiền nhuận bút, thù lao do tác phẩm được công bố.
b) Nhận xét
Di sản thừa kế của ông T là quyền tác giả, quyền tài sản do vậy là di sản thừa kế. Quyền tác giả của ông T được bảo hộ trong thời hạn 50 năm kể từ ngày ông T chết. Trong thời hạn này, tác phẩm của ông T được công bố thì những người thừa kế hợp pháp của ông T là bà M, chị P và anh Q được hưởng khoản tiền có được do các tác phẩm được công bố.
TÌNH HUỐNG 31
Vợ chồng ông A và bà B kết hôn vào năm 1945, có 5 người con chung là C, D, E, F và G. Tất cả các con của ông A đều đã yên bề gia thất. Ông bà A, B trong thời kỳ hôn nhân đã tạo dựng được ngôi nhà kiên cố với diện tích 320 m2 (4 tầng); đất thổ cư do ông bà mua từ thập niên của thế kỷ XX với diện tích 1.200 m2. Ông A qua đời vào tháng 3/2007, có để lại di chúc cho bà B hưởng 1/4 diện tích đất thổ cư và các con của ông hưởng bằng nhau toàn bộ di sản còn lại của ông.
Qua sự kiện trên, bà B kiện đến Tòa án xin chia di sản thừa kế của ông A. Tòa án xác định được:
1. Ngôi nhà kiên cố của ông A, bà B được xây dựng trên diện tích đất 100 m2, trị giá 2.000.000.000 đồng và 1.100 m2
đất thổ cư với giá 20.000.000 đồng/m2 theo giá thị trường tại địa phương.
2. Tài sản khác của ông A và bà B chung nhau có 360.000.000 đồng.
a) Giải quyết tình huống
Tổng tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B có: 2.000.000.000 đồng + 22.000.000.000 đồng + 360.000.000 đồng = 24.360.000.000 đồng.
Di sản của ông A = 24.360.000.000 đồng : 2 = 12.180.000.000 đồng.
Theo di chúc, bà B = 1.100 m2 đất thổ cư : 4 = 275 m2.
Còn 3/4 diện tích đất thổ cư được chia đều cho các con của ông A theo di chúc. Vậy C = D = E = F = G = 165 m2.
1/2 giá trị ngôi nhà gắn liền với 100 m2 đất, ông A không định đoạt trong di chúc được chia theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của ông A gồm: B = C = D = E = F = G = 1.000.000.000 đồng : 6 = 166.666.666 đồng. Tuy nhiên, có thể chia bằng hiện vật vì diện tích nhà là di sản thừa kế của ông A là di sản chia được. Di sản thừa kế của ông A là diện tích nhà: 160 m2 được chia đều cho B, C, D, E, F và G. Vậy B= C= D= E = F = G = 160 m2 : 6 = 26,67 m2 nhà.
b) Nhận xét
Tình huống trên đặt ra để nhằm giải quyết di sản trị giá được bằng tiền. Tuy nhiên, nếu những người thừa kế thỏa thuận được với nhau về việc chia giá trị 1/2 ngôi nhà là di sản thừa kế thì khi đó chia theo giá trị. Người thừa kế nào nhận diện tích nhà, theo đó hoàn trả khoản tiền tương ứng với phần diện tích đó cho người nhận giá trị. Đây là cách giải quyết tình huống bảo đảm về mặt pháp luật nhưng trên thực tế có thể có những phức tạp khác liên quan đến việc người thừa kế nhận giá trị diện tích nhà và người nhận diện tích nhà (nhận hiện vật). Một phần hai diện tích ngôi nhà là di sản thừa kế của ông A trong tình huống này là vật chia được.
TÌNH HUỐNG 32
Ông A và bà B kết hôn vào năm 1950, có 2 người con chung là C và D. Khi sinh thời, ông A đã dùng ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của ông để bảo lãnh cho anh C vay của ông Q 300.000.000 đồng với lãi suất 1% một tháng trong thời hạn 12 tháng, tính từ ngày 20/01/2006 đến ngày 20/01/2007. Khi đến hạn thanh toán, anh C không thanh toán được cho ông Q toàn bộ khoản nợ gốc, riêng khoản lãi suất hàng tháng của số tiền 300.000.000 đồng anh C đã thanh toán đầy đủ cho ông Q tính đến ngày 20/01/2007. Ông A qua đời vào ngày 01/10/2007, không để lại di chúc.
Sau các sự kiện trên, bà B kiện đến Tòa án xin chia di sản của ông A. Tòa xác định được:
(i) Tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B có 120.000.000 đồng.
(ii) Ngôi nhà của ông A dùng để bảo lãnh cho C vay tiền của ông Q trị giá 200.000.000 đồng.
Giải quyết tình huống theo các phương án:
Khi còn sống, ông A là người bảo lãnh cho anh C vay số tiền 300.000.000 đồng của ông Q. Đến hạn, anh C không thanh toán được cho ông Q toàn bộ số tiền vay nhưng anh C đã thanh toán toàn bộ khoản lãi như đã thỏa thuận cho ông Q. Theo tình huống trên, ông A phải thực hiện nghĩa vụ của người bảo lãnh, theo đó ông A phải dùng tài sản của mình để trả nợ cho ông Q thay anh C.
Trước hết, xác định khối di sản của ông A để lại sau khi chết. Di sản của ông A từ tài sản chung hợp nhất với bà B là: 120.000.000 đồng : 2 = 60.000.000 đồng.
Tổng di sản của ông A = 200.000.000 đồng + 60.000.000 đồng = 260.000.000 đồng. Số di sản của ông A không đủ để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của ông đối với ông Q. Bởi vì vào thời điểm anh C vi phạm nghĩa vụ trả nợ khoản tiền vay cho ông Q thì ông A vẫn còn sống, theo đó ông A phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh bằng tài sản của mình đối với ông Q, do người được bảo lãnh là anh C đã vi phạm nghĩa vụ.
– Phương án giải quyết thứ nhất: Trong trường hợp này, ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của ông A là đối tượng bảo lãnh được mang xử lý để bảo vệ quyền của ông Q là người cho vay. Nhưng giá trị ngôi nhà nói trên và tài sản khác của ông A không đủ để thanh toán khoản nợ gốc do anh C vay của ông Q. Phần nghĩa vụ tài sản của người bảo lãnh xác định được còn thiếu 40.000.000 đồng. Vào thời điểm thanh toán nợ, ông A là người bảo lãnh đã chết thì anh C có nghĩa vụ thực hiện phần còn thiếu đó cho ông Q với tư cách của người vay tài sản.
Sau khi đã dùng ngôi nhà của ông A để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với ông Q thì những người thừa kế của ông A (trừ anh C) có quyền yêu cầu anh C phải hoàn trả tài sản là di sản của ông A mà họ được thừa kế. Như vậy, di sản thừa kế của ông A vẫn là 260.000.000 đồng. Ông A không để lại di chúc, toàn bộ di sản của ông được chia theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của ông A gồm: Bà B, anh C và anh D. Vậy B = C = D = 260.000.000 đồng : 3 = 86.666.666 đồng. Anh C có nghĩa vụ trả cho bà B và anh D mỗi người 86.666.666 đồng.
– Phương án giải quyết thứ hai: Nếu được ông Q đồng ý và anh C đã thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ tài sản đối với ông Q thì ngôi nhà 200.000.000 đồng và tài sản khác của ông A là 60.000.000 đồng được chia theo pháp luật. Nếu ngôi nhà do ông A để lại có diện tích có thể phân chia được bằng hiện vật thì diện tích ngôi nhà được chia đều cho bà B, anh C và anh D và khoản tiền 60.000.000 đồng cũng chia cho ba mẹ con của bà B được hưởng, mỗi người 20.000.000 đồng.
– Phương án giải quyết thứ ba: Những người thừa kế theo pháp luật của ông A cùng thỏa thuận trả nợ thay cho anh C số tiền đã vay của ông Q và lãi suất tính đến ngày thực hiện nghĩa vụ đối với ông Q để di sản của ông A được bảo toàn và được chia thừa kế cho bà B, anh C và anh D.
Tham khảo: Pháp Luật Về Thừa Kế Ở Việt Nam-Nhận Thức Và Áp Dụng
PGS.TS. Phùng Trung Tập
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận