CHIA DI SẢN TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHỨC TẠP: TÌNH HUỐNG 6 – 7

CHIA DI SẢN TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHỨC TẠP: TÌNH HUỐNG 6 – 7

TÌNH HUỐNG 6

Vợ chồng ông A, bà B kết hôn vào năm 1959, có 4 người con chung là anh C, chị D, chị E và chị F. Do tính cách của hai vợ chồng không hợp nhau, ông A và bà B thường xuyên to tiếng với nhau và đã nhiều lần bà B bị ông A hành hạ về thể xác.

Do bị bệnh hiểm nghèo, bà B đã qua đời vào tháng 4/2007, có để lại di chúc truất quyền thừa kế của ông A và cho anh C hưởng 1/2 di sản, còn 1/2 di sản chia đều cho chị D, chị E và chị F.

Sau khi bà B qua đời, ông A kiện đến Tòa án, xin được chia di sản của bà B. Toà án xác định được tài sản chung hợp nhất của ông A, bà B có 1.200.000.000 đồng.

a) Giải quyết tình huống

Theo tình huống trên, vợ chồng ông bà A và B có 4 người con chung 1 trai, 3 gái. Khi sinh thời, ông A luôn hành hạ bà B nhưng không có bản án kết án ông A về hành vi hành hạ vợ, do vậy chiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì ông A không bị tước quyền hưởng di sản của bà B cho dù bà B truất quyền hưởng di sản của ông A.

Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, ông A tuy bị bà B truất quyền thừa kế nhưng ông là chồng của bà B cho đến thời điểm mở thừa kế của bà cho nên ông A vẫn được hưởng phần tối thiểu bằng 2/3 suất thừa kế được chia theo pháp luật.

Tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B xác định được có 1.200.000.000 đồng; vậy di sản của bà B được xác định là 1.200.000.000 đồng : 2 = 600.000.000 đồng. Theo tình huống thì bà B không có nghĩa vụ về tài sản đối với ai khi còn sống, do vậy toàn bộ di sản của bà là 600.000.000 đồng được chia thừa kế cho những người có quyền hưởng.

– Ông A được hưởng theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015: A = (600.000.000 đồng : 5) x 2/3 = 80.000.000 đồng.

– Phần di sản còn lại 520.000.000 đồng của bà B, được chia theo di chúc.

Anh C được 1/2 di sản của bà B, theo đó anh C được hưởng 260.000.000 đồng; còn 260.000.0000 đồng chia đều cho 3 người là chị D, chị E và chị F.

b) Nhận xét

Khi bà B còn sống, ông A thường hành hạ bà cho nên bà lập di chúc truất quyền thừa kế của ông. Ông A tuy có hành vi hành hạ vợ nhưng ông không bị kết án về hành vi đó cho nên ông vẫn có quyền hưởng thừa kế di sản của vợ khi bà qua đời. Tuy rằng bà B đã lập di chúc truất quyền thừa kế của ông A nhưng theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, ông A vẫn được hưởng 2/3 của một suất thừa kế chia theo pháp luật như đã được xác định. Ngược lại, nếu ông A có hành vi hành hạ bà B và ông đã bị Tòa án kết án về hành vi hành hạ đó bằng một bản án có hiệu lực pháp luật thì kể cả trong trường hợp bà B không lập di chúc cho ai hưởng và cũng không truất quyền hưởng di sản của ông A thì ông cũng không có quyền hưởng di sản của bà B theo pháp luật (ông đã vi phạm điểm a khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015). Trong trường hợp này, nếu bà B truất quyền thừa kế của ông A thì ông cũng không được hưởng di sản của bà B theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 với tư cách của người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Vì ông A vừa bị Tòa án kết án về hành vi hành hạ người để lại di sản, vừa bị người để lại di sản truất quyền thừa kế theo di chúc. Nếu ông A bị Tòa án kết án do có hành vi hành hạ bà B bằng bản án có hiệu lực pháp luật, bà B tuy đã biết được hành vi của ông A hành hạ mình nhưng vẫn lập di chúc cho ông A hưởng thì ông A vẫn được thừa kế di sản của bà B theo di chúc. Trường hợp này không hiếm trong cuộc sống mà thường xảy ra do tình cảm và lòng vị tha của người chồng hoặc người vợ tuy đã biết vợ hoặc chồng của mình đối xử với mình không dựa trên tình cảm vợ chồng nhưng vẫn lập di chúc cho chồng hoặc vợ được hưởng. Nghĩa vợ, tình chồng là yếu tố hóa giải mạnh mẽ những mâu thuẫn vợ chồng khi còn chung sống và là kỷ niệm êm đềm, ấm áp động viên người còn sống khi vợ hoặc chồng chết trước. Đây là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam cần được pháp luật bảo hộ bằng cơ chế điều chỉnh của pháp luật, đặc biệt trong quan hệ thừa kế di sản.

TÌNH HUỐNG 7

Ông bà A, B kết hôn với nhau vào năm 1964, có 2 người con chung là C và D. Anh C có vợ là T và có 2 người con là Q và K. Do mắc bệnh hiểm nghèo, anh C đã qua đời vào tháng 7/2007, có để lại di chúc định đoạt toàn bộ tài sản cho chị T và cho 2 con Q và K. Tài sản chung hợp nhất của anh C và chị T xác định được là 720.000.000 đồng.

Qua sự kiện trên, ông bà A, B là đồng nguyên đơn kiện đến Tà án huyện M, yêu cầu chia di sản của anh C.

a) Giải quyết tình huống

Theo sự kiện trên, anh C có vợ và 2 người con, anh chết trước cha mẹ nhưng để lại di chúc định đoạt toàn bộ di sản cho vợ và các con, còn cha mẹ của mình thì anh lại… “quên”?

Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, ông A và bà B là cha mẹ của anh C vẫn được hưởng di sản của con cho dù con không định đoạt cho hưởng và di sản của con đã định đoạt hết cho người khác.

Trước hết, xác định di sản của anh C trong khối tài sản chung hợp nhất với vợ. Di sản của C = 720.000.000 đồng : 2 = 360.000.000 đồng. Anh C không để lại nghĩa vụ tài sản nào đối với người khác mà chưa thanh toán, do vậy di sản thừa kế của anh có trọn vẹn 360.000.000 đồng. Tuy ông A và bà B không bị truất quyền hưởng di sản của anh C nhưng anh C đã định đoạt hết tài sản của mình cho vợ và các con. Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, ông A và bà B vẫn được hưởng là: Ông A = bà B = (360.000.000 đồng: 5) x 2/3 = 48.000.000 đồng.

Di sản còn lại của anh C để chia theo di chúc: 360.000.000 đồng – (48.000.000 đồng x 2) = 264.000.000 đồng.

Theo di chúc, chị T = Q = K = 264.000.000 đồng : 3 = 88.000.000 đồng.

b) Nhận xét

Theo tình huống trên, nhận thấy ông A và bà B là cha mẹ của anh C tuy không bị anh C truất quyền hưởng di sản nhưng di sản của anh C đã được định đoạt hết cho vợ và 2 con của anh, do vậy theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì ông A và bà B vẫn được hưởng phần di sản tối thiểu bằng 2/3 suất thừa kế chia theo pháp luật như đã xác định trên đây. Tuy nhiên, qua tình huống này, cần thiết phải xác định một số kiến thức trong việc hiểu rõ pháp luật thừa kế hiện hành và có sự thống nhất trong việc hiểu và áp dụng pháp luật thừa kế. Theo tình huống trên, thấy rằng ông A và bà B không được anh C chỉ định làm người thừa kế theo di chúc và di sản của anh đã được định đoạt theo di chúc cho vợ và các con. Có người cho rằng trong trường hợp này thì ông A và bà B bị anh C truất quyền hưởng di sản gián tiếp! Cách hiểu như vậy hoàn toàn không đúng với bản chất của việc truất quyền thừa kế theo di chúc đồng thời cũng không hiểu về pháp luật thừa kế hiện hành với những căn cứ sau đây:

Thứ nhất, việc người lập di chúc không định đoạt cho người nào đó thuộc diện thừa kế theo pháp luật hưởng di sản thừa kế theo di chúc và di sản của người lập di chúc đã được định đoạt hết cho những người khác không thể hiểu là người lập di chúc đã gián tiếp truất quyền thừa kế của người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Người bị truất quyền hưởng di sản phải được người lập di chúc chỉ rõ họ, tên và chỉ rõ người đó bị truất quyền hưởng di sản. Ngược lại, người thuộc diện thừa kế theo pháp luật và là người trong hàng thừa kế được hưởng di sản chia theo pháp luật không bị truất quyền hưởng theo di chúc thì vẫn có quyền hưởng di sản được chia theo pháp luật nếu di sản của người để lại di chúc vẫn còn để chia theo pháp luật. Trường hợp người bị truất quyền hưởng di sản đã được người lập di chúc chỉ định rõ là người này bị truất quyền thì người này không thể được hưởng di sản của người lập di chúc dưới bất kỳ hình thức hưởng di sản nào, nếu người bị truất không phải là người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nhận thức đúng quy định của pháp luật thừa kế nhằm áp dụng đúng pháp luật và tránh sai sót trong việc giải quyết những tranh chấp liên quan đến thừa kế di sản.

Thứ hai, theo cách giải quyết tình huống trên nhận thấy ông A và bà B tuy không bị anh C truất quyền hưởng di sản, nhưng vẫn áp dụng Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 để tính phần được hưởng của mỗi người. Nếu còn một phần di sản của anh C không được định đoạt trong di chúc và phần di sản liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật thì ông A và bà B vẫn là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất hưởng di sản của anh C. Nếu hiểu ông A và bà B đã bị anh C truất quyền hưởng di sản thì ông A và bà B chỉ được hưởng theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 mà thôi, không thể được hưởng phần di sản được chia theo pháp luật. Hơn nữa, pháp luật thừa kế hiện hành không có quy định nào được gọi là truất quyền thừa kế gián tiếp và thực sự không khi nào pháp luật có quy định như vậy. Pháp luật thừa kế chỉ có quy định người lập di chúc có quyền tự định đoạt truất quyền hưởng di sản của một hoặc toàn bộ những người thừa kế theo pháp luật tuy rằng quyền đó của người lập di chúc bị hạn chế theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, liên quan đến người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Pháp luật thừa kế chỉ có quy định cho người lập di chúc tự định đoạt truất hoặc không truất quyền thừa kế của người thừa kế theo pháp luật mà không có quy định về “truất gián tiếp quyền thừa kế”. Nhằm minh chứng cho lập luận này, nên xác định theo các ví dụ sau: Vợ chồng ông A, bà B có 2 người con chung là C và D đều đã trưởng thành. Ông A chết, có để lại di chúc định đoạt 1/2 di sản cho anh C và 1/2 cho anh D. Nhưng anh C đã chết trước ông A. Di sản của ông A xác định được là 120.000.000 đồng. Sau khi ông A qua đời, bà B yêu cầu Tòa án chia thừa kế di sản của ông A.

Theo tình huống trên, di sản của ông A được chia như sau: Ông A đã định đoạt toàn bộ di sản cho hai người con hưởng mà không chỉ định cho bà B hưởng nhưng bà B không phải là người bị ông A truất quyền hưởng di sản. Bà được hưởng phần di sản được chia theo pháp luật là phần di sản liên quan đến phần di chúc ông A chỉ định cho C nhưng C đã chết trước ông A, phần di chúc này không có hiệu lực thi hành. Vậy anh D được hưởng 1/2 di sản của ông A, theo đó anh D được 120.000.000 đồng : 2 = 60.000.000 đồng; còn 1/2 di sản của ông A liên quan đến phần di chúc cho C hưởng không có hiệu lực pháp luật được chia theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật tại hàng thừa kế thứ nhất nhận di sản của ông A gồm bà B, anh C, anh D. Nhưng anh C đã chết trước ông A, không có người thừa kế thế vị, do vậy di sản của ông A chia theo pháp luật cho bà B và anh D hưởng, theo đó bà B = anh D = 60.000.000 : 2 = 30.000.000 đồng.

Bà B được hưởng theo pháp luật di sản của ông A được 30.000.000 đồng nhưng nếu theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bà B còn thiếu là 10.000.000 đồng theo cách tính: Nếu không có di chúc thì bà B và anh D là hai người thừa kế tại hàng thứ nhất; vậy B = D = 120.000.000 đồng : 2 = 60.000.000 đồng. Một suất thừa kế theo pháp luật trong trường hợp này là 60.000.000 đồng, do vậy 2/3 là 40.000.000 đồng. Bà B phải được hưởng phần tối thiểu là 40.000.000 đồng nhưng bà mới được chia 30.000.000 đồng theo pháp luật. Phần còn thiếu của bà B là 10.000.000 đồng được trừ vào phần di sản của anh D được hưởng theo di chúc, vậy 60.000.000 đồng – 10.000.000 đồng = 50.000.000 đồng. Tổng hợp người được thừa kế và phần di sản họ được: Bà B hưởng 40.000.000 đồng; anh D hưởng 50.000.000 đồng theo di chúc và 30.000.000 đồng theo pháp luật, tổng anh D được hưởng là 80.000.000 đồng.

Như vậy, người để lại di chúc truất quyền thừa kế của một người hoặc nhiều người thì đều phải ghi rõ trong di chúc là truất quyền của ai và họ, tên của người bị truất. Ngược lại, nếu người lập di chúc đã định đoạt hết tài sản cho những người khác mà không chỉ định cho những người thừa kế theo pháp luật được hưởng thì trường hợp này không thể hiểu là người thừa kế đã bị truất quyền thừa kế một cách gián tiếp. Vì người bị truất là người không được hưởng di sản dưới bất kỳ hình thức nào theo di chúc hoặc theo pháp luật; còn người không có tên trong di chúc vẫn được thừa kế theo pháp luật nếu di sản vẫn còn để chia theo pháp luật và người này thuộc hàng thừa kế được hưởng di sản. Trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là trường hợp đặc biệt, nếu người lập di chúc truất quyền nhận di sản của họ thì mỗi người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc vẫn được hưởng 2/3 của một suất thừa kế chia theo pháp luật.

Tham khảo: Pháp Luật Về Thừa Kế Ở Việt Nam-Nhận Thức Và Áp Dụng

PGS.TS. Phùng Trung Tập

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

200 TRIỆU ĐẦU TƯ: LÀM SAO TRÁNH ‘BẪY CHUỘT’ VÀ KHÔNG BIẾN THÀNH HỌC PHÍ?

Khi bắt đầu để dành được vốn đầu tư 200 triệu đồng Với số vốn này,...

Tiếp tục đọc

LẦN ĐẦU ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN: HỌC PHÍ HAY CƠ HỘI? BÍ QUYẾT ĐỂ KHÔNG MẤT TIỀN TỶ

Mua bán đất trong lần đầu 90% là học phí, 10% là đầu tư có lời. Để hạn...

Tiếp tục đọc

XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU KHI ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN

Đất để trống thì không có hiệu quả khai thác sử dụng hơn bđs có căn nhà...

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay