CHIA DI SẢN TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHỨC TẠP: TÌNH HUỐNG 8 – 9 – 10 – 11
TÌNH HUỐNG 8
Ông A và bà B kết hôn vào năm 1960, có 7 người con chung là các chị C, D, E, F, G, H và K.
Do muốn có con trai, ông A đã bỏ mẹ con bà B để chung sống với bà L vào năm 1978 và đã sinh được chị Y.
Ông A qua đời vào tháng 3/2007, có để lại di chúc cho bà L hưởng 1/2 di sản, còn 1/2 di sản ông định đoạt giao cho người em trai ruột là ông T quản lý để dùng vào việc thờ cúng.
Qua sự kiện trên, bà B kiện đến Tòa án huyện P, xin được chia di sản của ông A. Tòa án xác định được:
(i) Tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B có 960.000.000 đồng;
(ii) Tài sản của ông A và bà L chung nhau có 320.000.000 đồng;
(iii) Chị Y 16 tuối là con của ông A và bà L.
a) Giải quyết tình huống
Theo các sự kiện trong tình huống trên, nhận thấy quan hệ giữa ông A và bà L là quan hệ hôn nhân trái pháp luật, do vậy tài sản của ông A và bà L chung nhau thuộc hình thức sở hữu chung theo phần nhưng số tài sản của ông A được xác định trong khối tài sản chung với bà L thuộc quyền sở hữu chung hợp nhất với bà B (tài sản của vợ chồng có trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung), do vậy tài sản chung hợp nhất của ông bà A, B được xác định như sau: 960.000.000 đồng + (320.000.000 đồng : 2) = 1.120.000.000 đồng (160.000.000 đồng thuộc quyền sở hữu của bà L; còn 160.000.000 đồng thuộc quyền sở hữu chung hợp nhất của ông A, bà B. Quan hệ của ông A và bà L không phải là quan hệ hôn nhân, họ đã vi phạm chế độ một vợ, một chồng).
Di sản của ông A được xác định từ tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B, theo đó di sản của ông A = 1.120.000.000 đồng : 2 = 560.000.000 đồng.
Theo tình huống trên, bà B không được ông A chỉ định là người thừa kế theo di chúc và ông A cũng không truất quyền thừa kế của bà B nhưng ông đã định đoạt toàn bộ tài sản cho người khác quản lý dùng vào việc thờ cúng và thừa kế. Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, bà B là vợ, Y (dưới 18 tuổi) là con của ông A được hưởng: B = Y = 560.000.000 đồng : 9 x 2/3 = 41.480.000 đồng. Di sản còn lại của ông A = 560.000.000 đồng – (41.480.000 x 2) = 477.040.000 đồng.
Theo di chúc, bà L được hưởng = 477.040.000 : 2 = 238.520.000 đồng.
Còn 1/2 di sản của ông A có 238.520.000 đồng, giao cho ông T quản lý dùng vào việc thờ cúng.
b) Nhận xét
Quyền định đoạt của ông A bị hạn chế theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 và sự hạn chế quyền định đoạt đó được thể hiện theo cách xác định phần được hưởng của bà B và chị Y. Còn những người con khác của ông A đều đã trưởng thành và ông A đã định đoạt hết tài sản cho bà L và phần di sản dùng vào việc thờ cúng, do vậy trong trường hợp này họ không được hưởng di sản của ông A.
Về di sản dùng vào việc thờ cúng mà ông A đã định đoạt giao cho ông T quản lý là 1/2 di sản của ông. Sự định đoạt của ông A bị hạn chế đối với phần di sản dùng vào việc thờ cúng và phần di sản định đoạt cho bà L được hưởng do có bà B và chị Y được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc; chị Y và bà B đã được hưởng phần thừa kế đó theo cách xác định ở trên.
Qua việc giải quyết tình huống trên đồng thời cũng là nhằm phủ định quan điểm cho rằng di sản dùng vào việc thờ cúng đã được người lập di chúc định đoạt thì phần di sản đó không được chia thừa kế mà phải giữ nguyên như nó đã được người lập di chúc định đoạt. Nếu giữ nguyên những gì mà người lập di chúc định đoạt đối với di sản dùng vào việc thờ cúng thì lợi ích của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ bị vi phạm do không thể giải quyết được.
Nhằm làm rõ vấn đề được đặt ra, cần thông qua ví dụ sau đây: Vợ chồng ông A và bà B kết hôn vào năm 1988, có 2 người con chung là C và D (đều dưới 18 tuổi). Ông A chết vào tháng 6/2007, có để lại di chúc với nội dung định đoạt toàn bộ tài sản của ông sau khi chết để dùng vào việc thờ cúng và giao cho ông M là người em ruột quản lý. Di sản của ông A xác định được là 120.000.000 đồng.
Đặt giả thiết nếu theo nội dung di chúc của ông A thì toàn bộ di sản 120.000.000 đồng được chuyển giao cho ông M quản lý để dùng vào việc thờ cúng, theo đó quyền hưởng di sản thừa kế của bà B và các con của ông A là C và D sẽ bị vi phạm.
Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 phải được hiểu thế nào là di sản dùng vào việc thờ cúng. Di sản của người chết để lại có thể được dùng toàn bộ vào việc thờ cúng khi mà còn có những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc của người để lại di sản đó hay không? Câu trả lời là không. Di sản dùng vào việc thờ cúng nên được hiểu là phần di sản đã được xác định được dùng vào việc thờ cúng. Như vậy giữa di sản và di sản dùng vào việc thờ cúng có mối liên hệ hữu cơ với nhau. Di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc phạm vi di sản của người chết để lại nhưng di sản dùng vào việc thờ cúng đã được xác định mục đích sử dụng và di sản thừa kế là những tài sản còn lại của người chết sau khi đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ tài sản của người chết để lại đối với người có quyền. Di sản dùng vào việc thờ cúng tuy rằng phải được người lập di chúc định đoạt nhưng sự định đoạt của người lập di chúc bị hạn chế theo quy định của pháp luật do có sự liên quan đến quyền của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc và quyền của các chủ nợ tính đến thời điểm người để lại di sản chết. Theo đó, tình huống trên phải được giải quyết theo cách sau:
Quyền định đoạt của ông A bị hạn chế do vi phạm quyền hưởng di sản của bà B, C và D. Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, bà B = C = D = 120.000.000 đồng : 3 x 2/3 = 26.666.666 đồng. Di sản dùng vào việc thờ cúng là phần còn lại sau khi đã trừ phần di sản mà bà B và hai người con của ông A là C và D được hưởng không phụ thuộc vào nội dung của di chúc của ông A. Vậy di sản dùng vào việc thờ cúng giao cho M quản lý chỉ còn: 120.000.000 đồng – (26.666.666 đồng x 3) = 40.000.000 đồng.
TÌNH HUỐNG 9
Vợ chồng ông bà A, B kết hôn vào năm 1958, có 5 người con chung là anh C, anh D, chị E, chị F và chị G. Chị E có chồng là Q và có hai người con chung là M và N. Anh C có vợ là H và có hai người con là P và K. Vào tháng 6/2007, trên đoạn đường từ Hà Nội đi Lạng Sơn, chị E và anh C chết cùng thời điểm do tai nạn giao thông. Anh C có để lại di chúc cho ông A, bà B chung nhau 1/2 di sản còn 1/2 di sản chia đều cho các con.
Sau đó, chị H kiện đến Tòa án yêu cầu chia thừa kế di sản của anh C.
Tòa án xác định được: Tài sản chung hợp nhất của anh C và chị H có 250.000.000 đồng.
a) Giải quyết tình huống
Di sản của anh C từ tài sản chung hợp nhất với chị H có 250.000.000 đồng. Vậy di sản của anh C = 250.000.000 đồng : 2= 125.000.000 đồng.
Do anh C đã định đoạt hết tài sản của mình cho ông A, bà B chung nhau 1/2 di sản và cho các con của anh là P và K hưởng chung 1/2 tài sản của anh, theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, chị H là vợ của anh C được hưởng: 125.000.000 đồng : 5 x 2/3 = 16.666.666 đồng. Di sản còn lại của anh C để chia theo di chúc là 125.000.000 đồng – 16.666.666 đồng = 108.333.333 đồng.
Theo tình huống trên, ông A, bà B; P và K đều được hưởng 1/4 di sản của anh C; vậy: A = B = P = K = 108.333.333 đồng : 4 = 27.083.333 đồng.
b) Nhận xét
Trong tình huống trên, chỉ giải quyết chia di sản của anh C cho những người thừa kế có quyền hưởng do chị H yêu cầu chia di sản của anh C. Còn việc chia di sản của chị E không đề cập trong tình huống nên không giải quyết.
Chị H là vợ của anh C được thừa kế di sản của anh C không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Còn cha, mẹ và các con của anh C đã được hưởng di sản theo di chúc.
TÌNH HUỐNG 10
Ông A kết hôn với bà B vào năm 1949, có 3 người con chung là anh C, anh D và chị E. Anh C có vợ là K, có 2 người con chung là G và H.
Ông A bị kết án về hành vi gây thương tích cho anh C, do cha con tranh chấp nhau về địa giới đất thổ cư.
Anh C qua đời vào tháng 4/2007, có để lại di chúc cho chị K 1/4 di sản và truất quyền thừa kế của ông A và bà B.
Qua sự kiện trên, bà B kiện đến Tòa án xin được chia di sản của anh C. Tòà án xác định được:
Tài sản chung hợp nhất của anh C và chị K là 960.000.000 đồng.
a) Giải quyết tình huống
Theo tình huống trên, anh C chết có để lại di chúc cho chị K 1/4 di sản và truất quyền thừa kế của cha mẹ là ông A, bà B.
Di sản của anh C = 960.000.000 đồng : 2= 480.000.000 đồng.
Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, bà B và ông A là cha mẹ của anh C được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nhưng ông A đã bị kết án về hành vi gây thương tích cho anh C, do đó ông A bị tước quyền hưởng di sản của anh. Như vậy, chỉ còn bà B được hưởng di sản thừa kế của anh C không phụ thuộc vào nội dung của di chúc; theo đó B được hưởng = 480.000.000 : 4 x 2/3 = 80.000.000 đồng.
Chị K được thừa kế 1/4 di sản của anh C, theo đó C được hưởng = 480.000.000 : 4 = 120.000.000 đồng.
Phần di sản còn lại của anh C được chia theo pháp luật: 480.000.000 đồng – (80.000.000 đồng + 120.000.000 đồng) = 280.000.000 đồng.
Hàng thừa kế thứ nhất của anh C gồm ông A, bà B, chị K và hai người con là G và H. Nhưng bà B đã bị truất quyền hưởng di sản và đã được hưởng di sản của anh C theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015. Riêng ông A đã bị tước quyền hưởng theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015. Vậy những người được thừa kế theo pháp luật tại hàng thừa kế thứ nhất chỉ còn ba người là chị K, G, H. Theo đó K = G = H = 280.000.000 đồng : 3 = 93.333.333 đồng.
b) Nhận xét
Ông A và bà B đều bị anh C truất quyền hưởng di sản nhưng bà B vẫn được hưởng theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn ông A không có quyền hưởng do bị tước quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi xác định 2/3 suất thừa kế chia theo pháp luật, chỉ chia cho bốn suất để xác định 2/3 suất thừa kế theo pháp luật cho bà B vì ông A đã bị loại khỏi hàng thừa kế thứ nhất.
Ông A chỉ được hưởng di sản của anh C với điều kiện anh C đã biết ông có hành vi xâm phạm sức khỏe của anh nhưng vẫn cho ông hưởng di sản theo di chúc. Trong tình huống này, anh C đã lập di chúc truất quyền thừa kế của ông A, do vậy ông A không được hưởng di sản của anh C.
TÌNH HUỐNG 11
Ông A và bà B kết hôn vào năm 1950, có 7 người con chung là chị C, chị D, chị E, chị F, chị G, anh H và anh K. Anh H được cha mẹ chiều cho nên từ bé đã ngỗ ngược, coi mình là quan trọng nhất trong nhà; còn các chị gái thì không ai dám làm cho H mất lòng.
Vào tháng 3/2003, anh H uống rượu say, ông A có răn bảo nhưng H đã nổi nóng đánh ông A bị gẫy tay, phải đi bệnh viện điều trị. Việc của gia đình ông A mọi người tại nơi cư trú đều biết và chê trách hành vi bất hiếu của H.
Ông A do tuổi cao, sức yếu đã qua đời vào tháng 12/2007, chị C và chị D lo mai táng cho ông hết 12.000.000 đồng.
Sau đó, bà B kiện đến Tòa án quận P, yêu cầu chia di sản thừa kế của ông A. Tòa án xác định được: Tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B có 720.000.000 đồng.
a) Giải quyết tinh huống
– Xác định di sản của ông A trong khối tài sản chung hợp nhất với bà B = 720.000.000 đồng : 2 = 360.000.000 đồng. Di sản còn lại của ông A sau khi đã trừ mai táng phí: 360.000.000 đồng – 12.000.000 đồng = 348.000.000 đồng.
– Khoản mai táng phí cho ông A do chị C và D chi 12.000.000 đồng, các chị có quyền nhận lại số tiền này.
– Tuy anh H đã có hành vi gây thương tích cho ông A nhưng anh H không bị kết án về hành vi đó, do vậy anh H vẫn được thừa kế theo pháp luật di sản của ông A. Ông A không để lại di chúc, do vậy toàn bộ di sản của ông A được chia theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của ông A gồm có B, C, D, E, F, G, H, K. Vậy B = C = D = E = F = G = H = K = 348.000.000 đồng : 8 = 43.500.000 đồng.
b) Nhận xét
Theo tình huống trên, anh H đã có hành vi gây thương tích cho ông A nhưng anh vẫn được thừa kế theo pháp luật di sản của ông A vì anh không bị kết án về hành vi trái pháp luật đó. Ngược lại, trong trường hợp anh H bị kết án về hành vi gây thương tích cho ông A (là người để lại di sản) thì anh H bị tước quyền hưởng di sản của ông A. Anh H cũng có thể không được hưởng di sản của ông A nếu ông A lập di chúc truất quyền hưởng di sản của anh. Tuy nhiên, trong tình huống này, anh H vẫn được hưởng di sản của ông A.
Tham khảo: Pháp Luật Về Thừa Kế Ở Việt Nam-Nhận Thức Và Áp Dụng
PGS.TS. Phùng Trung Tập
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận