Chính phủ báo cáo Quốc hội: Bão số 3 dị thường gây thiệt hại kinh tế ước hơn 81.700 tỷ đồng
Cho biết bão số 3- bão Yagi và mưa lũ làm 323 người chết, gây thiệt hại kinh tế ước hơn 81.700 tỷ đồng, Chính phủ cho rằng những thiệt hại, mất mát này cần nhiều nguồn lực và thời gian để khắc phục.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thiệt hại, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Yagi) và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Theo Chính phủ, bão số 3 (bão Yagi) là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá rất lớn, gây thiệt hại kinh tế hơn 81.700 tỷ đồng.
Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm qua ở Bắc Bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm như bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng.
323 người chết, kinh tế thiệt hại ước hơn 81.700 tỷ đồng
Chính phủ cho hay, dù đã chủ động chỉ đạo, ứng phó từ sớm, từ xa, kịp thời, quyết liệt, nhưng thiệt hại, mất mát do bão số 3 và mưa lũ là rất lớn.
Những thiệt hại, mất mát này cần nhiều nguồn lực và thời gian để khắc phục, nhất là tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái và Cao Bằng.
Theo thống kê, bão số 3 và mưa, lũ đã làm 323 người chết, 22 người mất tích và 1.978 người bị thương. Cạnh đó, có 283.383 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 122.415 nhà bị ngập; 286.660 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 36.310ha và 11.835 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi…
Về cơ sở hạ tầng, có 14 sự cố đường dây 500kV, 8.290 tuyến cáp quang bị hư hại; 9.235 trạm BTS bị mất liên lạc; 3.755 điểm trường, 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Do bão và mưa lũ, tại 15 tỉnh, thành đã xảy ra 803 sự cố đê điều; 2.283 công trình thuỷ lợi, 1.318 công trình nước sạch bị hư hỏng…
“Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 81.703 tỷ đồng”, Chính phủ thông tin, trong đó các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình…
Để khắc phục hậu quả, Thủ tướng quyết định trích dự phòng ngân sách Trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia (430 tỷ đồng và 432,585 tấn gạo) để các địa phương, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói.
Nhiều đoàn công tác của Trung ương, các địa phương, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại với tổng kinh phí gần 433 tỷ đồng (trong đó, bằng tiền mặt gần 298 tỷ đồng).
Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cũng tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3. Đến hết ngày 14/10/2024, Ban Vận động cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận 2.114 tỷ đồng (đã phân bổ 1.035 tỷ đồng cho 26 tỉnh, TP). Ban Vận động cứu trợ cấp của 26 địa phương cũng tiếp nhận hơn 1.654 tỷ đồng.
Các quốc gia, tổ chức quốc tế và các tổ chức phi Chính phủ đã cam kết hỗ trợ trên 25 triệu USD cho Việt Nam để khắc phục hậu quả thiên tai.
Di dời người dân khỏi vùng nguy cơ cao thiên tai
Từ thực tế ứng phó bão số 3, lũ quét, sạt lở đất, Chính phủ nhận định, các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt… còn hạn chế, chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế.
“Cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể, người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ, cũng như tác động sau khi bão đã đổ bộ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó”, theo Chính phủ.
Trong khi, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn thiếu và yếu; khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng nói chung, nhất là nhà dân, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng còn thấp.
Chính phủ cho hay, bão số 3 và mưa lũ gây thiệt hại kinh tế ước hơn 81.700 tỷ đồng, trong đó tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Quảng Ninh. Ảnh: N.Bắc
Dự báo lũ các trên sông và về hồ đập một số thời điểm chưa sát thực tế. Bản đồ nguy cơ sạt lở đất lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, sắp xếp dân cư, công tác chỉ đạo ứng phó cũng chưa có.
Để nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 6 nhóm giải pháp.
Trong đó, tập trung rà soát các gia đình bị mất nhà để tái định cư cho người dân đến chỗ an toàn và hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2024; huy động nguồn lực để khắc phục, sửa chữa các công trình đê điều, thuỷ lợi, các tuyến đường giao thông, cơ sở y tế, trường học, công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng.
Chính phủ cũng yêu cầu triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí …với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.
Về lâu dài, Chính phủ cho rằng, cần nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đồng bộ hướng đến mục tiêu “từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu”.
Cùng với hoàn thiện thể chế là rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân ở nơi ở mới.
Xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai chi tiết đến các không gian bị chia cắt, các vùng ngập trong đô thị; tu bổ, nâng cấp công trình cơ sở hạ tầng đảm bảo sức chống chịu với thiên tai như đợt bão số 3, nhất là hạ tầng điện, viễn thông.
Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng lấn chiếm lòng sông, suối, bạt sườn dốc làm gia tăng rủi ro thiên tai.
6 đặc điểm của có tiền lệ của bão số 3
– Cường độ bão tăng rất nhanh (trong 48 giờ cường độ bão tăng 8 cấp), khi đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng gió vùng tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17.
– Duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài và là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền.
– Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài (12 giờ).
– Hoàn lưu bão gây mưa lớn toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa (26 tỉnh, TP), trong đó 83/84 trạm đo lượng mưa cao hơn 4-6 lần so với trung bình nhiều năm trong 10 ngày đầu tháng 9 (có nơi mưa trên 700mm).
– Xuất hiện lũ lớn, đặc biệt lớn trên diện rộng (hầu hết các sông vượt mức báo động 3), trong đó lũ lịch sử xuất hiện trên 7 tuyến sông (sông Thao, sông Đáy, sông Cầu, sông Ninh Cơ, sông Kinh Môn, sông Gùa, sông Trà Lý); mực nước sông Hồng tại Hà Nội gần mức báo động 3, cao nhất trong 20 năm gần đây.
– Sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng…
Hương Giang
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận