Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ tăng vốn cho Vietcombank, BIDV, VietinBank: Big3 sắp được tăng vốn ‘khủng’?
Trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chính phủ đã cập nhật tiến độ tăng vốn cho nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước.
Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ tăng vốn cho Vietcombank, BIDV, VietinBank
Theo báo cáo, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền Phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại ngân hàng Vietcombank. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Ngân hàng Hợp tác xã.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã hoàn thiện các thủ tục chuyển cấp bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng Agribank theo các Nghị quyết, Quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ cho biết, các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các TCTD cả về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng. Các giải pháp nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục được triển khai tích cực.
Trước đó, tại phiên họp thứ 37, chiều 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank theo tờ trình của Chính phủ.
Trình bày tờ trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư bổ sung từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Vietcombank
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay Thường trực Ủy ban nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc đưa nội dung này vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho biết ông đồng tình với tờ trình của Chính phủ về bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank và tán thành đưa nội dung này vào nghị quyết chung Kỳ họp thứ 8.
Vietcombank, BIDV và VietinBank còn nhiều kế hoạch tăng vốn chưa được phê duyệt
Với vai trò là trụ cột của hệ thống, góp phần hỗ trợ thực hiện các chính sách của Nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế, nhóm Big4 hiện rất cần tăng vốn để giữ vững vai trò dẫn dắt ngành ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, vì đặc thù hoạt động, quá trình tăng vốn của các ngân hàng này cần phải được NHNN, Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội phê duyệt. Thêm nữa, việc này phải đi xin từng năm, theo trình tự khiến cho thời gian phê duyệt bị kéo dài.
Hệ quả của tình trạng này là quỹ lợi nhuận chưa phân phối của nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh liên tục mở rộng qua các năm, trong khi vốn điều lệ đã bị các ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank và VPBank vượt qua.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng cổ phần tư nhân đã ồ ạt trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; trong khi cả ba ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, BIDV và VietinBank vẫn chưa có động tĩnh gì dù Đại hội đồng cổ đông đã thông qua nhiều kế hoạch phân phối lợi nhuận.
Sau đợt phát hành gần 857 triệu cổ phiếu trả cổ tức còn lại của năm 2019 và 2020 vào tháng 8/2023, Vietcombank hiện vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc chi trả cổ tức trong năm 2024 dù đang thực hiện cùng lúc 3 phương án tăng vốn.
Hồi đầu năm nay, HĐQT Vietcombank đã phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 theo nguyên tắc phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, ngân hàng này sẽ sử dụng 21.680 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2022 để trả cổ tức bằng cổ phiếu theo phương án phân phối lợi nhuận đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 thông qua.
Trước đó, ĐHĐCĐ bất thường Vietcombank năm 2023 cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn tối đa 27.685 tỷ đồng từ lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018 (Hiện Chính phủ đang đề xuất tăng vốn thêm hơn 20.695 tỷ đồng).
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, Vietcombank cho biết lợi nhuận sau thuế riêng lẻ của ngân hàng trong năm 2023 là 32.438 tỷ đồng. Sau khi được điều chỉnh tăng từ lợi nhuận năm trước và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 24.987 tỷ đồng. Theo tờ trình đã được Đại hội cổ đông thông qua, Vietcombank sẽ dùng toàn bộ số lợi nhuận này để chia cổ tức. Tuy nhiên, việc chia cổ tức theo hình thức nào (cổ phiếu hay tiền mặt) không được nêu trong văn bản. Đồng thời, ngân hàng cũng cần sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có thể chia cổ tức.
Nếu thực hiện hết các kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của Vietcombank có thể tăng thêm tối đa hơn 70.000 tỷ đồng.
Tương tự, BIDV cũng chưa công bố việc trả cổ tức trong năm 2024. Lần chia cổ tức gần nhất của BIDV diễn ra vào tháng 12/2023 với nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận còn lại sau thuế và trích lập các quỹ năm 2021.
Hiện, BIDV có hai phương án phân phối lợi nhuận đã được cổ đông thông qua nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, BIDV đã thông qua phương án phát hành thêm gần 1,2 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tương ứng tỷ lệ 21% số cổ phiếu đang lưu hành vào cuối năm 2023. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 – 2025.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ của BIDV là hơn 15.491 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến chi 12.347 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu (thực hiện theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Tại VietinBank, mặc dù đã trình phương án và đề xuất khá lâu nhưng tiến trình tăng vốn cũng diễn ra khá chậm. Lần chia cổ tức gần nhất của “ông lớn” này là vào tháng 12/2023 với nguồn chi trả là lợi nhuận còn lại của năm 2020, giúp vốn điều lệ tăng lên 53.700 tỷ đồng.
Ở đại hội cổ đông vừa qua, ban lãnh đạo VietinBank tiếp tục trình tới các cổ đông phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 là hơn 13.900 tỷ đồng để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ.
“Ngân hàng kỳ vọng là sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng phương án cuối cùng vẫn theo việc phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước”, ông Trần Minh Bình chia sẻ.
Chủ tịch Trần Minh Bình cũng cho biết VietinBank đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016.
Nếu được chấp thuận và triển khai xong tất cả các kế hoạch nêu trên, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng lên trên 91.000 tỷ đồng.
VietinBank cũng đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 – 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Kho lợi nhuận chưa phân phối hàng trăm nghìn tỷ của Vietcombank, VietinBank và BIDV
Tính đến cuối quý 2/2024, lợi nhuận chưa phân phối của Vietcombank, VietinBank và BIDV lần lượt ở mức 90.613 tỷ đồng, 49.924 tỷ đồng và 40.141 tỷ đồng, bỏ xa nhóm ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank và VPBank. Điều này cho thấy nhóm Big3 còn rất nhiều dư địa để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận