Chống lãng phí: Cùng hành động! – Thất thoát từ đầu tư công gây hệ lụy nghiêm trọng
Tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công đã trở thành một vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sử dụng vốn và sự phát triển
Dù đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện tình hình nhưng tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công vẫn tồn tại dai dẳng, gây ra nhiều hệ lụy.
Nhiều nguyên nhân, biểu hiện
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Đầu tiên là do quy hoạch thiếu tính khả thi, thay đổi liên tục ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương. Việc điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện, không dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn đã làm phát sinh nhiều dự án trùng lắp, kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực.
Tiếp đó, việc thẩm định dự án đôi lúc còn nhiều bất cập. Tình trạng phê duyệt dự án thiếu chặt chẽ, không đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi và hiệu quả đã dẫn đến việc triển khai nhiều công trình không mang lại lợi ích kinh tế – xã hội như mong đợi.
Ngoài ra, quản lý dự án yếu kém cũng là một nguyên nhân quan trọng. Việc thiếu minh bạch trong quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu không qua cạnh tranh, giám sát thi công lỏng lẻo đã tạo điều kiện cho nhà thầu gian lận, nâng khống giá trị công trình, kéo dài thời gian thi công, gây thất thoát lớn về ngân sách.
Việc thanh quyết toán dự án có lúc, có nơi không chặt chẽ, dễ dãi cũng là một lỗ hổng lớn, tạo cơ hội cho các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Thất thoát, lãng phí trong đầu tư công biểu hiện ở nhiều hình thức khác nhau, như đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực. Việc đầu tư vào quá nhiều dự án nhỏ lẻ, không tập trung vào những dự án trọng điểm dẫn đến hiệu quả thấp. Bên cạnh đó là việc xây dựng các công trình “ảo”, không đáp ứng nhu cầu thực tế. Nhiều công trình xây dựng xong nhưng không được sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí nguồn vốn. Việc sử dụng vật liệu xây dựng không bảo đảm chất lượng dẫn đến công trình nhanh chóng xuống cấp, phải sửa chữa, nâng cấp, gây lãng phí.
Nhiều nơi đầu tư vào những dự án không mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội lâu dài. Nhiều dự án không có tính bền vững, chỉ mang lại lợi ích trước mắt, gây lãng phí nguồn lực trong dài hạn.
Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam được nhà nước đầu tư nhiều năm nhưng chưa đưa vào sử dụng Ảnh: NGUYỄN THANH
Thất thoát, lãng phí trong đầu tư công gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tiền của dân, của nhà nước được đầu tư vào những dự án không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực quốc gia. Việc lãng phí nguồn lực vào những dự án không mang lại lợi ích thực sự sẽ làm chậm lại quá trình phát triển của đất nước.
Thất thoát, lãng phí trong đầu tư công đồng nghĩa với việc giảm sút các dịch vụ công, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công làm giảm sút niềm tin của người dân vào các cơ quan quản lý nhà nước.
Cần có giải pháp đồng bộ
Để khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt.
Cụ thể, cần có những quy định chặt chẽ về quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, thanh quyết toán để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Cần công khai thông tin về dự án đầu tư và quá trình thực hiện để tạo điều kiện cho người dân giám sát. Ngoài ra, cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án đầu tư để phát hiện và xử lý kịp thời sai phạm. Các cá nhân, tổ chức liên quan dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm về kết quả của công trình…
Thất thoát, lãng phí trong đầu tư công là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Việc khắc phục tình trạng này không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn của toàn xã hội. Chỉ khi nào có sự chung tay của tất cả mọi người, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội phát triển bền vững.
ThS PHẠM THỊ THÙY LINH, Học viện Chính trị khu vực II
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận