Cơ hội nào cho doanh nghiệp SME trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn?
Chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị bán dẫn vốn rất đồ sộ nhưng không phải là 'sân chơi' của riêng tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tìm kiếm, hợp tác với doanh nghiệp trong nước phát triển chuỗi sản xuất
Ông Kees van Baar – Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy khi đề cập đến chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị bán dẫn phát triển ở Hà Lan. Đây là trụ cột của ngành công nghiệp bán dẫn Hà Lan. Trong đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất thiết bị bán dẫn từ xứ sở hoa Tulip đã có mặt tại Việt Nam để xây dựng nhà máy sản xuất, tìm kiếm sự hợp tác với các nhà cung ứng địa phương Việt Nam để cùng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành bán dẫn toàn cầu.
Từ thực tế tại Hà Lan, ông Kees van Baar cho biết, chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị bán dẫn vốn rất đồ sộ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn – nhỏ trên toàn thế giới trong nhiều phân khúc. Với các doanh nghiệp SME, ông Kees van Baar đánh giá tuy quy mô nhỏ nhưng có những đóng góp quan trọng khi tạo ra 41% doanh thu và thu hút đến 59% lao động tại ngành bán dẫn tại Hà Lan.
Do vậy, Việt Nam với 98% doanh nghiệp SME hoàn toàn có thể tận dụng và phát huy ngành công nghiệp phụ trợ hiện có để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị này. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang bùng nổ, Việt Nam được kỳ vọng trở thành một trung tâm cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, cụm lắp ráp… cho ngành sản xuất thiết bị bán dẫn. Với nền tảng nhân lực dồi dào và chi phí sản xuất cạnh tranh, Việt Nam đủ khả năng khai thác những cơ hội này để vươn lên mạnh mẽ.
Là doanh nghiệp Hà Lan đang xây dựng nhà máy sản xuất tại TP Hồ Chí Minh, ông Steven Lim KT – Phó Chủ tịch dự án chiến lược Việt Nam của BESI thông tin: nhà máy sản xuất tại Việt Nam là một trong 3 cơ sở sản xuất ở châu Á của BESI. Đến Việt Nam theo khách hàng, BESI bày tỏ mong muốn hợp tác và phát triển các nhà cung ứng địa phương.
Để trở thành nhà cung ứng trong chuỗi sản xuất, lãnh đạo BESI nhấn mạnh đến việc các doanh nghiệp trong nước phải trải qua quy trình dài đánh giá chất lượng. Tuy nhiên, không nên xem đây là khó khăn, thử thách mà coi là cơ hội đào tạo. Doanh nghiệp trong nước vượt qua quá trình đánh giá sẽ được hướng dẫn quy trình xử lý thiết bị; một số nhà cung ứng chưa quen có thể được gửi đào tạo.
“Các nhà cung ứng ở Việt Nam có thế mạnh là tinh thần học hỏi, linh hoạt, sẵn sàng hợp tác tham gia chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ giải quyết một số vấn đề trong khi doanh nghiệp đầu chuỗi mong muốn các nhà cung ứng có thể giải quyết được các vấn để để thuận tiện cho quá trình đánh giá chất lượng. Do đó, các nhà cung ứng trong nước nên đầu tư quy trình đầy đủ, đáp ứng yêu cầu đánh giá toàn diện” – ông Steven Lim KT cho hay.
Ông Hans Duisters – Nhà sáng lập Brainport Industries, Giám đốc điều hành và nhà sáng lập tập đoàn Sioux đồng quan điểm khi chia sẻ về quyết định lựa chọn Việt Nam để đầu tư bởi tập đoàn này nhìn thấy nhiều cơ hội tăng trưởng.
Trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp SME cung cấp vật liệu, kỹ thuật cơ khí. Tập đoàn Sioux đã thiết lập chuỗi cung ứng phần cứng đang hoạt động tại Trung Quốc nên khi lựa chọn các nhà cung ứng gần chuỗi cung ứng của mình. Việt Nam là một trong những sự lựa chọn.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, bà Trương Thị Chí Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ chia sẻ: trước những cơ hội đang mở ra trong ngành công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, các công ty trong nước có thế mạnh là khả năng đổi mới sáng tạo sẽ cố gắng giải quyết các thách thức bằng kinh nghiệm đã có trong giai đoạn tham gia chuỗi sản xuất ô tô, xe máy, cơ khí… của các doanh nghiệp nước ngoài trước đó.
Tuy nhiên, bà Trương Thị Chí Bình cho rằng, trong ngành chế biến chế tạo, các doanh nghiệp SME chiếm đa số và đang sản xuất linh kiện nhỏ. Trong khi các khách hàng trên thế giới tìm kiếm các nhà cung ứng sản xuất cấu phần. Đây là phần việc doanh nghiệp Việt Nam chưa sản xuất được.
Theo bà Trương Thị Chí Bình, trong 3 năm qua, thông qua chương trình phát triển sản xuất nhằm nâng cao năng lực sản xuất nhựa, tạo khuôn mang đến hy vọng trong năm nay và năm tới, các doanh nghiệp tham gia sẽ cải thiện được năng lực để có thể cung ứng sản phẩm phức tạp hơn cho ngành bán dẫn.
Bên cạnh nỗ lực tự nhận, lãnh đạo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ cũng mong muốn các đối tác nước ngoài có sự hỗ trợ, hướng dẫn công nghệ, rút ngắn khoảng cách bên mua và bên bán. Hơn nữa, bán dẫn là ngành công nghệ cao nên cần các cụ thể từ bên mua, từ đó có chương trình riêng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi.
Theo Hạnh Lê/diendandoanhnghiep.vn
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận