Cơ hội ‘trăm năm mới có một lần’ của VinFast, Dat Bike, Selex Motors?
Honda đang thống trị thị trường Đông Nam Á, nhưng xu hướng toàn cầu đang ủng hộ 3 thương hiệu Việt Nam.
Việt Nam trong năm 2023 đã tiêu thụ tới 2,78 triệu chiếc xe máy, tương đương gần 232.000 chiếc mỗi tháng hoặc hơn 7.600 chiếc mỗi ngày – theo số liệu của MCD. Mức tiêu thụ này đã đưa Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ xe máy lớn thứ 4 thế giới và lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Danh hiệu “quốc gia xe máy” này đã gắn với Việt Nam trong nhiều năm, nhưng chỉ chưa tới 10 năm trở lại đây, Việt Nam mới bắt đầu có cho mình những thương hiệu nội địa. Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp này.
Cơ hội 'trăm năm mới có một lần'
Theo báo cáo về doanh số Quý III/2024 mà Hiệp hội Các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM) công bố gần đây, Honda là hãng xe có doanh số bán cao nhất trong số các thành viên thuộc hiệp hội. Cụ thể, doanh số gộp tháng 7, 8 và 9 của Honda lên tới 554.805 chiếc – chiếm hơn 80% tổng doanh số của VAMM.
Việc Honda thống lĩnh thị trường xe máy Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á nói chung đã diễn ra từ lâu. Thực tế này cho thấy Việt Nam hay Đông Nam Á đang thiếu những hãng xe máy quốc nội đủ mạnh để cạnh tranh với những hãng xe tên tuổi.
Nhận định về thực tế của thị trường này, anh Nguyễn Bá Cảnh Sơn – CEO hãng xe máy điện Dat Bike – cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Đông Nam Á là một trong những thị trường xe hai bánh lớn nhất thế giới, nhưng đồng thời là thị trường duy nhất không có hãng xe nội địa nào đàng hoàng, nổi tiếng”.
CEO Selex Motors – Nguyễn Hữu Phước Nguyên. Ảnh: Hồ Minh Đức
Người đứng đầu Selex Motors – một startup xe máy điện giao vận Việt – cũng chung góc nhìn, đặc biệt là về thị trường xe máy điện trong khu vực. Trong một chia sẻ, CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên nói về thị trường trước khi Selex Motors được thành lập: “Lúc đó VinFast chưa công bố, chưa có doanh nghiệp hay start-up nào ở Đông Nam Á về xe máy điện mà tự nghiên cứu, tự phát triển một hệ sinh thái xe máy điện toàn diện từ đầu do mình làm chủ.”
Nhưng tại thời điểm này, Đông Nam Á, hay Việt Nam, đang ở rất gần một cơ hội để phát triển ngành công nghiệp xe cho riêng mình.
Động cơ đốt trong đã xuất hiện trên phương tiện di chuyển cá nhân từ hơn 100 năm trước, thời gian đã qua đã đủ giúp ngành công nghiệp này đưa động cơ đốt trong tới mức tối ưu cao. Trong khi đó, động cơ điện và công nghệ pin cho xe điện đã bắt đầu phát triển, hé lộ một hướng phát triển mới.
CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn của Dat Bike nhận định: “[…] hiện nay Đông Nam Á đang đứng trước hai xu hướng rất quan trọng, đó là xu hướng chuyển từ xe xăng sang xe điện, và xu hướng ngày càng quan trọng của Đông Nam Á trên bản đồ kinh tế thế giới; Việt Nam được coi là rất có lợi thế.”
Anh cũng cho biết thêm: “Khi hai xu hướng này giao nhau thì sẽ tạo ra cơ hội rất lớn để Việt Nam hay bất cứ nước nào trong Đông Nam Á có thể tự xây dựng được ngành xe riêng của mình.”
CEO Dat Bike – Nguyễn Bá Cảnh Sơn. Ảnh: Dat Bike
Có chung góc nhìn về thời cuộc, CEO của Selex Motors Nguyễn Hữu Phước Nguyên cũng cho rằng cơ hội lớn đang diễn ra. Ông Nguyên cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4 khi được hỏi lý do vì sao bỏ công việc cũ để chuyển sang làm xe máy điện: “Tôi nghĩ, chúng ta đang trải qua một cuộc chuyển dịch trăm năm mới có một lần. Đây là cơ hội cho Việt Nam tham gia một lĩnh vực mới, tạo ra những giá trị mới, có thể thúc đẩy phát triển bền vững và trở nên thịnh vượng hơn.”
Thực lực của 3 hãng xe máy điện Việt Nam
Đứng trước cơ hội này, nhiều đơn vị Việt Nam đã tham gia vào nghiên cứu, sản xuất xe điện. Tại riêng mảng xe máy điện, Việt Nam đã có một số cái tên đáng chú ý, như VinFast (thành lập năm 2017), Selex Motors (thành lập năm 2018), hay Dat Bike (thành lập năm 2019).
Thời điểm công bố thành lập cách nhau không xa; hiện cả ba nhà sản xuất xe Việt này đều đang tập trung nghiên cứu và phát triển các mẫu xe điện phục vụ nhiều mục tiêu khác nhau.
Công nhân lắp ráp xe máy điện tại nhà máy của VinFast ở Hải Phòng.
VinFast có thể xem là nhà sản xuất xe nội địa lớn nhất Việt Nam. Mục tiêu của VinFast không giới hạn tại thống lĩnh thị trường Việt Nam mà còn muốn vươn ra thế giới.
Phó Tổng giám đốc khối phát triển xe VinFast, ông Garrett Evert, nói về quyết định chuyển sang làm xe điện tại sự kiện của hãng năm 2023: “VinFast sẵn sàng để lại sau lưng những kỳ tích để vươn mình đón nhận thách thức, vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội để trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu, tham gia dẫn dắt cuộc cách mạng xanh trên toàn thế giới”.
Với mục tiêu đó, VinFast dường như đang tập trung phần nhiều nguồn lực của mình cho ô tô điện, kế đó là xe máy điện, cũng như các sản phẩm khác như xe buýt điện hay xe đạp trợ lực điện.
Xe máy điện Camel 1 trên dây chuyền sản xuất của Selex trong nhà máy đặt tại Hà Nội.
Khác với VinFast, Selex Motors đang tập trung vào dòng xe máy điện chuyên dụng cho ngành giao vận. Nhằm tối ưu cho mục đích này, Selex Motors cũng đã triển khai hệ thống trạm đổi pin tại một số tỉnh thành trên khắp cả nước. Việc đổi pin giúp tài xế có thể tiếp tục hành trình mà không cần chờ đổi pin.
Khác với Selex Motors và tương tự với VinFast, Dat Bike đang dành toàn bộ nguồn lực của mình cho xe máy điện cá nhân với sản phẩm gần nhất là mẫu xe máy điện Quantum. Trong khi 3 mẫu xe trước có kiểu dáng cổ điển, Dat Bike Quantum có kiểu dáng giống với các mẫu xe tay ga khác trên thị trường.
Sau một vài năm phát triển, ba hãng xe điện Việt kể trên đều đang có những tiến triển rất đáng khích lệ.
Trong khi VinFast đang liên tục mở rộng thị trường trên khắp thế giới với ô tô điện là yếu tố chủ chốt, Selex đã xuất khẩu lô xe máy điện đầu tiên của mình cho đối tác tại Philippines.
Cuộc phỏng vấn với CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn của Dat Bike cũng hé lộ hãng cũng đã bán xe cho một số khách hàng nước ngoài của mình. Một nguồn tin chưa được xác thực gần đây cũng cho rằng Dat Bike sẽ chính thức đưa lô xe đầu tiên của mình ra nước ngoài vào đầu năm tới.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận