Công ty Cam Lâm và mối lo trái phiếu dự án Prime Resort & Hotel hơn 1.100 tỷ đồng thành nợ khó đòi
Chủ đầu tư dự án Prime Resort & Hotels ở Khánh Hòa là Công ty Cam Lâm đã phá sản. Nhưng, dư luận không khỏi thắc mắc: Ai “tiếp tay” cho doanh nghiệp vốn chỉ 150 tỷ đồng làm thế nào lại phát hành được 3 lô trái phiếu lên đến 1.140 tỷ đồng? Tổ chức phát hành có vô can?
Công ty Cam Lâm là doanh nghiệp bất động sản có vốn điều lệ chỉ 150 tỷ đồng nhưng lưu hành trái phiếu đến 1.140 tỷ đồng
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm được thành lập năm 2014 với tầm nhìn phát triển những dự án nhà ở, căn hộ, biệt thự chất lượng với giá trị vượt trội cho khác hàng. Nhờ tiềm năng dự án lớn, Công ty CP Đầu tư Tài sản Koji (KPF) (tiền thân là Công ty Đầu tư Tài chính Hoàng Minh) đã quyết định đầu tư và nâng tỷ lệ sở hữu lên 93%, trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp vốn 150 tỷ đồng này..
Ghi nhận thực tế, hiện dự án này đã hoàn thành cơ bản đối với phân khu biệt thự. Trong khi đó, khối nhà cao tầng hiện chỉ mới hoàn thiện phần xây thô và đang ngừng thi công.
Cam Lâm là chủ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Prime – Prime Resort and Hotels tại Lô D14C, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà. Dự án này có quy mô 130.862 m2.
Được biết, giai đoạn 1 của dự án này đã được chủ đầu tư hoàn thiện. Đến đầu năm 2021, doanh nghiệp bắt đầu xúc tiến giai đoạn 2 từ việc phát hành hàng loạt lô trái phiếu để huy động vốn.
Tuy nhiên, tới năm 2023, Công ty Cam Lâm bất ngờ nhận quyết định mở thủ tục phá sản của TAND huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà, hàng trăm tỷ đồng trái phiếu được huy động vào dự án này tự dưng có thể “hoá” thành “tờ giấy không có giá trị”.
Cụ thể, Công ty Cam Lâm chỉ có vốn điều lệ là 150 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản này đang lưu hành 3 lô trái phiếu CLACH2124001, CLACH2125002 và CLACH2124003, với tổng giá trị hơn 1.140 tỷ đồng.
Ai “tiếp tay” cho Công ty Cam Lâm phát hành 3 lô trái phiếu trị giá gấp hơn 7 lần vốn điều lệ?
Được biết, cả 3 lô trái phiếu này đều đăng ký và lưu ký trái phiếu tại Công ty chứng khoán Everest và được phát hành với mục đích “rót” tiền vào dự án dự án Prime Resort & Hotels.
Đáng chú ý, lô trái phiếu CLACH2124001 không có tài sản đảm bảo. Còn lô trái phiếu CLACH2125002 tài sản đảm bảo là hơn 26,4 triệu cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Tài sản Koji.
Cũng với 2 lô này chính Công ty chứng khoán Everest là đơn vị đang nắm nhiều trái phiếu nhất. Cụ thể, Công ty chứng khoán Everest nắm 93,51% lô trái phiếu CLACH2124001 (hơn 599 tỷ đồng) và 94,88% lô trái phiếu CLACH2125002 (hơn 247 tỷ đồng) của Công ty Cam Lâm.
2 lô trái phiếu này đều được phát hành trong năm 2021, kỳ đáo hạn lần lượt là tháng 4/2023 và tháng 8/2023.
Ảnh chụp màn hình 3 lô trái phiếu của Công ty Cam Lâm trên HNX ngày 25/3/2025.
Riêng mã CLACH2124003 có trị giá 240 tỷ đồng, mỗi trái phiếu trị giá 10 triệu đồng đã được Dân Việt phản ánh hồi tháng 4/2024 khi xuất hiện quá nhiều nhà đầu tư bức xúc đi “đòi” lại quyền lợi khi đầu tư trái phiếu này nhưng chậm trả lãi và công ty thì phá sản.
Về việc chậm trả lãi, Công ty Cam Lâm đã phát đi thông báo tới “trái chủ” rằng do ảnh hưởng của Covid-19, chiến sự Nga – Ukraine… nên các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, trong đó có Công ty Cam Lâm gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp dòng tiền để thực hiện cam kết với nhà đầu tư.
Công ty Cam Lâm từ đưa ra các phương án giải quyết và ấn định thời gian trả lãi, gốc cho nhà đầu tư trái phiếu, nhưng đều không thực hiện. Lý do là vì không có dòng tiền hoặc nhà đầu tư không đồng ý với phương án công ty đưa ra.
“Trái chủ” của Công ty Cam Lâm cung cấp tài liệu cho PV Dân Việt. Ảnh: Đình Việt.
Thậm chí, khi nhiều nhà đầu tư tới ngân hàng đã giới thiệu gói trái phiếu này thì họ chỉ nhận được câu trả lời rằng: Họ chỉ là đơn vị tư vấn, quản lý tài sản đảm bảo. Bên chịu trách nhiệm trả tiền cho nhà đầu tư là Công ty Cam Lâm.
Tuy nhiên, toàn bộ giao dịch ký hợp đồng mua trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân chỉ làm việc trực tiếp với nhân viên của ngân hàng chứ chưa lần nào gặp người đại diện của đơn vị phát hành trái phiếu là Công ty Cam Lâm.
Không dừng ở việc Công ty Cam Lâm bị phá sản, hồi năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã kí Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cam Lâm vì đã có hành vi tổ chức thi công xây dựng Dự án Khu du lịch Prime Cam Ranh Bay Hotels & Resorts khi không có giấy phép xây dựng đối với hạng mục khối khách sạn – căn hộ nghỉ dưỡng 25 tầng.
Chứng khoán Everest bị phạt bởi hành vi vi phạm liên quan đến Công ty Cam Lâm
Liên quan tới lùm xùm này, mới đây, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Chứng khoán Everest với số tiền 177,5 triệu đồng.
Trong đó, phạt tiền 92,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm Không lưu giữ đầy đủ hồ sơ, dữ liệu, tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động của công ty chứng khoán (Đối với 2 mã trái phiếu CLACH2124001 và CLACH2125002 phát hành bởi Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm.
Công ty chứng khoán Everest không lưu trữ hồ sơ đăng ký chuyển nhượng trái phiếu trong hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký, lưu ký trong đó có tài liệu về việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp của Bên nhận chuyển nhượng quyền sở hữu trái phiếu).
Đồng thời, phạt tiền 85 triệu đồng về hành vi vi phạm không báo cáo đối với thông tin phải báo cáo theo quy định pháp luật (Công ty không gửi tài liệu báo cáo của Đại lý phát hành đến Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đối với: Báo cáo của đại lý phát hành trái phiếu quý 3/2021).
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận