Công ty duy nhất trong số các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng kinh doanh thua lỗ
Đây là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp này thua lỗ.
Theo số liệu trong báo cáo tổng kết năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Bộ Xây dựng cho biết, tình hình kinh doanh sản xuất của các công ty thuộc Bộ Xây dựng nhìn chung tích cực.
Tổng giá trị sản xuất kinh doanh ước đạt hơn 54.500 tỷ đồng, bằng hơn 95% kế hoạch năm nay. Doanh thu ước đạt trên 52.200 tỷ đồng, bằng 98% kế hoạch năm. Lợi nhuận ước lãi 652 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đã đề ra (lỗ 4,43 tỷ đồng).
Cụ thể, Tổng Công ty Viglacera dẫn đầu với mức lợi nhuận ước đạt 1.500 tỷ đồng, công ty mẹ ước tính đạt 1.400 tỷ đồng. Tổng Công ty HUD có lợi nhuận ước tính 386 tỷ đồng, riêng công ty mẹ đạt 312 tỷ đồng.
Tổng Công ty Hancorp đạt lợi nhuận 84 tỷ đồng, công ty mẹ đóng góp 68 tỷ đồng. Tổng Công ty Lilama lãi 70 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đóng góp 90 tỷ đồng. Tổng Công ty Coma lãi hơn 14 tỷ đồng, với công ty mẹ đạt gần 17 tỷ đồng.
Trong số 6 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng, duy nhất Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) kinh doanh thua lỗ.
Ông lớn ngành xi măng Vicem lỗ nghìn tỷ
Tổng công ty Xi măng Việt Nam tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp Xi măng được thành lập năm 1979, Liên hiệp các xí nghiệp Xi măng được thành lập để quản lý các nhà máy xi măng trong cả nước.
Trải qua 45 năm hình thành và phát triển, Vicem hiện có 10 nhà máy sản xuất xi măng với 16 dây chuyền sản xuất, công xuất 20 triệu tấn Clinker và 27 triệu tấn xi măng/năm. Các nhà máy xi măng của Vicem có công nghệ hiện đại từ các nước EU, G7, được phân bố khắp đất nước. Hệ sinh thái của doanh nghiệp này nổi tiếng với các thương hiệu xi măng Hà Tiên, Hải Phòng, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hoàng Mai…
Bên cạnh đó Vicem còn tham gia liên doanh với 3 công ty và nắm cổ phần chi phối/liên kết với 18 công ty tham gia chuỗi giá trị sản xuất và kinh doanh.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2024, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ tới 1.402 tỷ đồng. Công ty mẹ Vicem lỗ gần 237 tỷ đồng. So với kế hoạch ban đầu, số lỗ đã giảm 177,5 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp Vicem rơi vào tình trạng thua lỗ.
Trước đó, năm 2023, doanh nghiệp này lỗ hơn 1.100 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên Vicem ghi nhận lợi nhuận âm khoảng 1.129 tỷ đồng kể từ khi công bố thông tin năm 2016.
Nói về tình hình thua lỗ, phía ban lãnh đạo Vicem cho biết, do thị trường bất động sản trong nước chưa phục hồi, nguồn cung xi măng vượt xa so với nhu cầu; giá nguyên, nhiên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao, một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò, tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước đó, tại báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Vicem cũng khẳng định, trong hơn 120 năm lịch sử ngành xi măng, chưa lúc nào khó như hiện tại.
Năm 2024 vẫn được xem là năm chịu nhiều khó khăn đối với ngành xi măng trong nước. Trong một báo cáo mới đưa ra của Chứng khoán Agribank (Agriseco), công suất sản xuất hiện tại của nhiều nhà máy Xi măng vẫn vượt xa nhu cầu thực tế, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn do cạnh tranh từ các quốc gia khác như Trung Quốc và Thái Lan.
Trong khi đó, Công ty cổ phần chứng khoán Tiên Phong (TPS) phân tích, nhu cầu xi măng trong nước có thể cải thiện ở những tháng cuối năm 2024, nhưng khó có thể đạt mức tăng trưởng cao đủ để tiêu thụ hết công suất của các nhà máy hiện tại.
Tuy nhiên, cũng có những điểm sáng cho ngành trong thời điểm cuối năm. Đầu tiên phải kể đến việc Chính phủ đang ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp đồng bộ, sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án với tổng kinh phí 2,5 tỷ USD để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu các dự án này sớm được triển khai sẽ là cơ hội lớn cho ngành xi măng phục hồi.
Ngoài ra, các dự án lớn như sân bay Long Thành, hay cao tốc Bắc Nam đang được tăng tốc đầu tư cũng sẽ giúp cho tình hình tiêu thụ xi măng được cải thiện trong những tháng cuối năm 2024.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận