Điện gió ngoài khơi – Bệ phóng cho Petrovietnam vươn xa

Điện gió ngoài khơi – Bệ phóng cho Petrovietnam vươn xa

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đang chuyển mình mạnh mẽ trong cuộc cách mạng năng lượng bền vững, với điện gió ngoài khơi trở thành một trong những động lực chính. Đây không chỉ là bước đi chiến lược nhằm thực hiện tinh thần Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị, mà còn khẳng định vị thế tiên phong của Tập đoàn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế xanh.

Tầm nhìn chiến lược về chuyển dịch năng lượng

Nghị quyết 55-NQ/TW và Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra những định hướng chiến lược cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với biến đổi khí hậu và nhu cầu cấp thiết về phát triển bền vững. Hai văn kiện này không chỉ xác định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, mà còn khuyến khích mạnh mẽ việc chuyển dịch từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, Kết luận 76-KL/TW nhấn mạnh rằng chuyển dịch năng lượng không chỉ là yêu cầu tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam phát triển một nền kinh tế xanh, bắt kịp xu hướng quốc tế. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, mà điển hình là Petrovietnam, phải đóng vai trò tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới, đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Những định hướng này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy hình ảnh của Việt Nam như một quốc gia tích cực trong nỗ lực toàn cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Trang trại điện gió ngoài khơi (Ảnh minh họa).

Petrovietnam giữ vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Là tập đoàn kinh tế hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, Petrovietnam không chỉ chịu trách nhiệm cung ứng các nguồn năng lượng truyền thống như dầu mỏ và khí đốt, mà còn tiên phong trong việc phát triển các nguồn năng lượng sạch và tái tạo.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu, vai trò của Petrovietnam càng trở nên quan trọng. Tập đoàn đã đóng góp đáng kể vào việc cung cấp nguồn năng lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ và đời sống cho đất nước. Song song đó, Petrovietnam cũng tích cực triển khai các chiến lược giảm phát thải, phù hợp với cam kết quốc gia về chống biến đổi khí hậu.

“Chuyển dịch năng lượng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng học hỏi và luôn nhận thức đó xu hướng tất yếu không thể thay đổi, Petrovietnam không thể đứng ngoài cuộc. Đây cũng là mục tiêu và nhiệm vụ bắt buộc đối với Petrovietnam – Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng chủ lực của nền kinh tế”, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam nhận định.

Với sứ mệnh tiên phong trong lĩnh vực năng lượng, ngay từ năm 2019, Petrovietnam và một số đơn vị thành viên đã tập trung đánh giá, nghiên cứu vấn đề dịch chuyển năng lượng để điều chỉnh, bắt kịp các xu hướng, tận dụng tối đa thế mạnh. Trong đó, định hướng xu hướng dịch chuyển sang năng lượng xanh, sạch thông qua nâng cao tỷ trọng khí, sản xuất H2 và phát triển điện gió ngoài khơi.

Những bước tiến đầu tiên

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á, với tổng công suất ước tính trên 600 GW. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá, tạo tiền đề để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi quy mô lớn, góp phần vào quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững.

Nhận thức rõ tiềm năng này, Petrovietnam đã xác định điện gió ngoài khơi là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi năng lượng. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực dầu khí, Tập đoàn sở hữu lợi thế vượt trội về công nghệ, nhân lực và hệ thống cơ sở hạ tầng ngoài khơi. Những nền tảng này giúp Petrovietnam dễ dàng mở rộng sang lĩnh vực điện gió, tận dụng hiệu quả các giàn khoan, tàu dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật sẵn có.

Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC, TP Vũng Tàu.

Petrovietnam sở hữu cơ sở hạ tầng, trang thiết bị gần như hoàn thiện để phục vụ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi với các cảng và bãi chế tạo quy mô lớn như cảng Sao Mai – Bến Đình, Vietsovpetro, PTSC M&C, PV Shipyard, Dung Quất, Nghi Sơn, Đình Vũ. Các đơn vị của Petrovietnam như PTSC, Vietsovpetro, PVTrans… hiện đang sở hữu, quản lý đội tàu dịch vụ gần 100 chiếc, đa dạng về công suất và chủng loại… được vận hành hoàn toàn bởi đội ngũ thuyền viên Việt Nam có năng lực, giàu kinh nghiệm, có thể đáp ứng tốt các dự án điện gió ngoài khơi.

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã chủ động thực hiện các nghiên cứu và hợp tác với các đối tác quốc tế để đánh giá các điều kiện địa chất, môi trường, hải văn của đáy biển, nghiên cứu ứng dụng AI tiên tiến để phân tích tài liệu địa chấn có độ phân giải cao và tích hợp các dữ liệu địa chất, địa kỹ thuật thành mô hình nền tích hợp làm cơ sở cho việc thiết kế nền móng, lựa chọn vị trí tối ưu để đặt các turbine điện gió ngoài khơi cũng như tuyến cáp ngầm.

Petrovietnam đã nhận được rất nhiều đề xuất từ các tập đoàn lớn trên thế giới như Equinor, Orsted, CIP, Macquarie… để liên kết phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Tập đoàn cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Equinor và CIP (Đan Mạch) để nghiên cứu cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi và các nguồn năng lượng sạch khác tại Việt Nam. Các đơn vị của Petrovietnam như PTSC, Vietsovpetro… cũng đã ký các biên bản ghi nhớ, biên bản bảo mật, hợp tác song phương, hợp đồng khảo sát/cung cấp dịch vụ với các chủ đầu tư điện gió ngoài khơi trên thế giới.

Năng lực của Petrovietnam trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi đã được chứng minh trong những năm gần đây, khi PTSC – đơn vị thành viên của Tập đoàn, đã nhanh chóng có những bước tiến đầu tiên vào chuỗi cung ứng dịch vụ điện gió ngoài khơi toàn cầu, bao gồm nhiều đơn hàng lớn cho các khách hàng quốc tế như sản xuất 33 chân đế trụ turbine điện gió cho khách hàng Ørsted (Đan Mạch) và 10 trạm biến áp cho các dự án điện gió ngoài khơi ở châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương.

Lãnh đạo PTSC nhấn mạnh, doanh nghiệp hoàn toàn tự tin vào khả năng kết hợp với các doanh nghiệp khác trong nước để xây dựng chuỗi cung ứng nội địa cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.

PTSC xuất khẩu lô 4 chân đế trụ điện gió đầu tiên cho khách hàng Ørsted.

Ngoài việc tham gia chuỗi cung ứng, PTSC còn hướng đến vai trò nhà đầu tư và phát triển dự án. Doanh nghiệp đã hợp tác với Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) để phát triển dự án điện gió ngoài khơi xuất khẩu điện sang Singapore. Đây một bước tiến lớn không chỉ trong việc khẳng định thương hiệu mang tính toàn cầu của Petrovietnam/PTSC, mà còn đáp ứng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường an ninh năng lượng khu vực.

Dự án nói trên là bước đệm đầu tiên, phản ánh sự quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cũng như trong việc thực hiện các mục tiêu về điện gió ngoài khơi đề ra trong Quy hoạch điện VIII. Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước sẽ đạt khoảng 6.000 MW, và có thể tăng thêm tùy vào sự phát triển công nghệ và chi phí truyền tải hợp lý. Đến năm 2050, tổng công suất điện gió ngoài khơi dự kiến đạt từ 70.000-91.500 MW. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này cũng là một bài toán hết sức thách thức, khi hiện nay nước ta vẫn chưa có bất kỳ dự án điện gió ngoài khơi nào được triển khai do chưa có cơ chế phù hợp.

Thách thức và giải pháp trong tương lai

Theo tinh thần Kết luận 76-KL/TW, việc phát triển điện gió ngoài khơi không chỉ là yêu cầu chuyển dịch năng lượng mà còn là trách nhiệm chiến lược trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, để phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam một cách nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả, đòi hỏi phải vượt qua rất nhiều thách thức.

Để làm được những điều trên, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng Việt Nam phải sớm hoàn thiện khung pháp lý và quy hoạch tổng thể, với các quy định rõ ràng về cấp phép và hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án. Đồng thời, đầu tư hạ tầng kỹ thuật như cảng biển và thiết bị vận chuyển tại các khu vực trọng điểm sẽ hỗ trợ triển khai các dự án quy mô lớn, đảm bảo tính đồng bộ và hiện đại.

Nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi cần được đặc biệt chú trọng, thông qua đào tạo chuyên sâu và tận dụng kinh nghiệm từ ngành Dầu khí (Ảnh minh họa)

Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng cần được đặc biệt chú trọng thông qua đào tạo chuyên sâu và tận dụng kinh nghiệm từ ngành Dầu khí. Về vốn, cần kêu gọi đầu tư quốc tế, xây dựng quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo và liên kết với các tập đoàn lớn để tiếp cận công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, phát triển chuỗi cung ứng nội địa sẽ giúp giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh và tạo động lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Quan trọng hơn cả, việc triển khai các dự án thí điểm sẽ là bước đi chiến lược để hoàn thiện hành lang pháp lý, tích lũy kinh nghiệm và mở rộng quy mô trong tương lai.

Điện gió ngoài khơi không chỉ là giải pháp chiến lược để Petrovietnam dẫn đầu xu thế chuyển dịch năng lượng, mà còn là cơ hội vàng để Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ năng lượng tái tạo thế giới. Với tiềm năng tài nguyên dồi dào, kinh nghiệm vận hành vượt trội và quyết tâm đầu tư mạnh mẽ, Petrovietnam đang không ngừng vươn xa, đặt nền móng cho một tương lai phát triển bền vững.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước không hề dễ dàng. Những rào cản về cơ chế, công nghệ và vốn đầu tư đòi hỏi sự nỗ lực phối hợp từ cả Chính phủ, doanh nghiệp và đối tác quốc tế. Nhưng với tinh thần tiên phong và chiến lược bài bản, tin tưởng rằng Petrovietnam hoàn toàn có khả năng biến những thách thức thành động lực, đưa ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi Việt Nam chạm đến những cột mốc mới đáng tự hào./.

Trúc Lâm

Link gốc

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

APG: Công ty đầu tiên công bố báo cáo tài chính báo lãi kỷ lục

Lũy kế cả năm 2024, Agimexpharm ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận cao kỷ lục kể từ khi niêm yết, thậm chí vượt kế hoạch đề ra đầu năm.

Tiếp tục đọc

NovaWorld Phan Thiet bùng nổ chuỗi sự kiện chào năm mới “Tết Holidays”

Tết này, NovaWorld Phan Thiet sẽ “chiêu đãi” du khách một mùa lễ hội sôi động, khác biệt nhưng vẫn đậm chất truyền thống với chuỗi sự kiện hấp dẫn diễn ra từ mùng 2 đến mùng 6 Tết Âm Lịch.

Tiếp tục đọc

CTCK ước tính KQKD quý 4/2024 của 45 doanh nghiệp lớn, tên tuổi nào được dự báo “vô địch” tăng trưởng lợi nhuận?

Hàng loạt doanh nghiệp được dự báo tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý 4/2024 bao gồm: DBC, DGW, MWG, DGC, PVT, PLX,...

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay