Doanh nghiệp cảng biển vướng nhiều khó khăn bế tắc
Các doanh nghiệp cảng biển đang phải đối mặt với vấn đề nạo vét, hàng tồn kho chưa có phương án giải quyết.
Cảng Cát Lái là một trong những điểm nóng về hàng tồn kho tại cảng. Ảnh: Hoàng Anh
Nạo vét các tuyến luồng trọng điểm quốc gia tại các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt như Hải Phòng, Cái Mép, được xem là một trong những vấn đề cần ưu tiên trong thời gian tới.
Nguyên nhân là bởi, luồng kênh Hà Nam (Hải Phòng) là tuyến luồng quan trọng của cửa ngõ miền Bắc với mật độ tàu hàng hải cao, có xu hướng tăng trọng tải tàu.
Do vậy, theo ông Nhữ Đình Thiện, Phó tổng thư ký Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam (Visaba), cần duy tu định kỳ kênh Hà Nam tại Hải Phòng để đảm bảo độ sâu -8.5m, luồng Cái Mép đạt độ sâu tối thiểu -15.5m.
Bên cạnh đó, nghiên cứu nạo vét sâu hơn để đảm bảo năng lực đón các siêu tàu mẹ container từ 25.000 TEUs trở lên.
Kiến nghị này được ông Thiện đưa ra tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải mới đây tại TP.HCM, theo Cổng Thông tin điện tử Cục Hàng hải.
Vấn đề nạo vét hiện cũng là khó khăn mà cảng Sài Gòn đang phải đối mặt với tuyến luồng Sài Roạp, theo đại diện cảng này tại hội nghị.
Hiện tượng bồi lắng đã khiến độ sâu có những chỗ chỉ còn -7m, gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trên tuyến. Điều này cũng đã khiến lượng tàu ra vào luồng Soài Rạp năm nay sụt giảm so với hai năm 2023 và 2022.
Đại diện cảng Sài Gòn đề nghị, cần có nguồn kinh phí, có thể từ ngân sách, nguồn từ xã hội hóa kết hợp với các địa phương, để nạo vét, duy tu tuyến luồng này, đảm bảo độ sâu -9m tới -12m…
Cùng đó, việc nạo vét trước các bến cảng ở TP.HCM và cả Bà Rịa – Vũng Tàu gặp khó do vướng thủ tục, nơi đổ thải.
Trước tình hình đó, đại diện doanh nghiệp cảng biển này kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) xem xét tìm kiếm vị trí đổ thải, quy hoạch các vị trí đổ thải có chiến lược lâu dài.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục HHVN Lê Đỗ Mười cho biết, hàng năm, cơ quan này đều sắp xếp nạo vét các luồng. Tuy nhiên, hiện vướng về đổ thải sản phẩm nạo vét.
Hiện chỉ có Tiền Giang cho đổ thải với mức khoảng 2 triệu mét khối. Cục HHVN đã làm việc với TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng chưa tìm được nơi đổ thải. Có những tỉnh cho vị trí đổ chưa phù hợp, bởi tiền đi đổ bằng ba tiền nạo vét.
Vướng mắc lớn nhất là việc đánh giá tác động môi trường, ông Mười cho biết.
Ngoài vấn đề nạo vét, doanh nghiệp cảng biển còn đối mặt với hàng tồn đọng ngày càng nhiều tại các cảng.
Theo các doanh nghiệp cảng biển và Visaba, quy định trình tự, thủ tục xử lý hàng hóa tồn đọng đã có trong quy định pháp luật hiện hành nhưng suốt nhiều năm qua, tình trạng hàng hóa, phế liệu container tồn đọng tại cảng biển vẫn chưa thể xử lý triệt để.
Vì nhiều lý do, lượng hàng tồn có xu hướng tăng dần qua từng năm. Trong đó, cảng Cát Lái tồn đọng nhiều nhất, đã nhiều lần báo Hải quan nhưng chưa tháo gỡ được và hiện nay tồn ngày càng lớn.
Nhiều chủ hàng còn xem cảng biển là “bãi” để lưu giữ hàng hóa không có giá trị thương mại. Nếu không giải quyết thấu đáo, Việt Nam sẽ thành nơi đổ rác của thế giới.
Phía cơ quan quản lý hiện cũng khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này. Ông Mười cho hay, Cục HHVN đã tham mưu và Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, và đã đưa ra một số giải pháp.
Tuy vậy, hàng tồn đọng thật sự nhức nhối khi có những hàng nhập về nhưng không tìm được công ty nhận vì công ty đó đã giải thể. Thậm chí, nhiều hàng nhập về và đến nay đã 10 – 20 năm mà chưa có phương án giải quyết.
Anh Mai
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận