Doanh nghiệp mua bán điện trực tiếp vẫn đang ‘chờ’
Nghị định 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA) đã ban hành được 4 tháng nhưng cho tới nay vẫn chưa có hợp đồng mua bán điện nào được triển khai trong thực tế.
Cơ chế mua bán điện ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo
Ngay khi dự thảo Nghị định 80/2024/NĐ-CP được Bộ Công Thương xây dựng, nhiều chuyên gia, nhà đầu tư đã đánh giá đây là cơ chế rất cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi, cho phép các giao dịch trực tiếp giữa nhà sản xuất và người sử dụng năng lượng tái tạo khi cung cấp khung pháp lý ổn định và minh bạch cho các hợp đồng mua bán điện không thuộc mô hình mua bán điện truyền thống (PPA).
Các dự án điện mặt trời có quyền bán điện trực tiếp cho các doanh nghiệp sử dụng điện lớn (Ảnh minh họa)
Dự thảo đưa ra hai phương án mua bán điện trực tiếp giữa các nhà phát điện và khách hàng lớn, sau đó là mua bán tín dụng xanh đảm bảo cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu chứng minh sản phẩm hoàn toàn được tạo ra từ năng lượng xanh. Mặt khác, cơ chế này sẽ khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, tạo việc làm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như giảm thiểu rủi ro nhờ đa dạng hóa nguồn cung cấp điện.
Cụ thể, có hai hình thức mua bán điện trực tiếp là qua đường dây kết nối riêng và qua lưới điện quốc gia. Trong đó, mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng là trường hợp sẽ hiệu quả khi các khách hàng ở gần các nguồn năng lượng tái tạo và thực hiện mua bán điện không sử dụng lưới điện quốc gia do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hay các đơn vị trực thuộc quản lý vận hành. Trong trường hợp này, việc mua bán điện được thực hiện đơn giản, giá điện và sản lượng điện mua bán sẽ được thỏa thuận giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn.
Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia là trường hợp thường áp dụng cho các khách hàng lớn ở xa các nguồn năng lượng tái tạo thực hiện mua điện qua hệ lưới điện quốc gia, thông qua việc tham gia thị trường điện cạnh tranh. Theo đó, khách hàng có trách nhiệm thanh toán phần điện năng mua từ đơn vị phát điện năng lượng tái tạo theo giá thị trường điện giao ngay cộng với các loại chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện (bao gồm: dịch vụ truyền tải điện, dịch vụ phân phối điện, dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) và các chi phí thanh toán khác; trong khi đơn vị phát điện sẽ được nhận các thanh toán theo quy định thị trường điện.
Ngoài các khoản thanh toán nêu trên, khách hàng hoặc đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sẽ nhận được khoản thanh toán chênh lệch trên cơ sở tham chiếu giữa giá thị trường điện cạnh tranh và giá thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện sai khác (CFD) ký giữa hai bên.
Doanh nghiệp “chờ”
Thông tin từ Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công Thương cho biết, từ khi Nghị định 80/2024/NĐ-CP có hiệu lực, EVN khẩn trương tính toán các chi phí liên quan khi tham gia cơ chế DPPA (như chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện, chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch, hệ số tổn thất trên lưới phân phối); sửa đổi và ban hành quy trình kinh doanh/quy trình nội bộ để hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thanh toán các thành phần của chi phí dịch vụ mua bán điện trực tiếp (chi phí truyền tải điện, chi phí phân phối/bán lẻ điện, chi phí điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí chênh lệch thanh toán).
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng cơ sở dữ liệu về sản lượng điện năng giao nhận theo chu kỳ giao dịch của các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn tham gia cơ chế DPPA.
Các trang trại điện gió có thể ký hợp đồng mua bán điện (theo cơ chế DPPA) ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, Cục Điều tiết Điện lực cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia khẩn trương xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai cơ chế DPPA phối hợp với các tổng công ty điện lực xây dựng cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử phục vụ giao nhận điện năng từng chu kỳ giao dịch của các đơn vị tham gia cơ chế DPPA; Xây dựng quy trình và hướng dẫn các đơn vị tham gia cơ chế DPPA thực hiện xác nhận, đối soát số liệu và tính toán thanh toán đối với sản lượng điện năng giao nhận trên thị trường điện giao ngay.
Hiện nay, EVN và các đơn vị đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị định 80/2024/NĐ-CP và các nội dung nêu trên.
Đối với việc tính toán các chi phí mà khách hàng phải thanh toán khi tham gia cơ chế DPPA, đến thời điểm hiện tại, Cục Điều tiết Điện lực mới nhận được đề xuất tính toán ban đầu của EVN cho các chi phí liên quan khi tham gia cơ chế DPPA. Trong thời gian tới, Cục Điều tiết Điện lực sẽ kiểm tra, đánh giá và báo cáo Bộ Công Thương để có ý kiến trước khi EVN công bố chính thức.
Cục Điều tiết Điện lực chưa nhận được các phản ánh về vướng mắc từ các doanh nghiệp hoặc đơn vị liên quan muốn tham gia cơ chế, ngoài các câu hỏi, thắc mắc để làm rõ hơn nguyên tắc, mô hình tham gia cơ chế DPPA. Theo những thông tin có được, các khách hàng và các đơn vị đầu tư năng lượng tái tạo cũng đang tiếp cận nhau, để đánh giá cơ hội, cũng như phân tích hiệu quả, lợi ích và chi phí tham gia cơ chế DPPA trước khi đưa ra quyết định đồng hành cùng tham gia cơ chế DPPA chính thức.
Một trong những vướng mắc hiện tại của cơ chế DPPA là mức giá mua – bán điện năng lượng tái tạo. Theo ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng Phòng Thị trường điện, Cục Điều tiết Điện lực, khi tham gia cơ chế DPPA, dù ở mô hình nào thì sản lượng mua bán điện và mức giá mua bán điện giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn đều do hai bên tự thỏa thuận. Thực tế việc này cũng không hề dễ dàng đối với cả hai bên khi phải tính toán, cân nhắc kỹ tính hiệu quả và đánh giá các rủi ro khi thay đổi từ mua bán điện truyền thống qua EVN sang mua bán điện trực tiếp chủ động với nhau.
Đáng chú ý, khi triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ tạo áp lực lớn hơn lên lưới điện, khi phải cân bằng với lượng điện tái tạo ngày càng tăng. Trong đó, sẽ có những thay đổi trong cấu trúc và dòng công suất truyền tải trên lưới điện, đặc biệt nếu triển khai nhiều cơ chế DPPA theo mô hình đường dây kết nối riêng. Một số chuyên gia cho rằng, cần phải thực hiện các khảo sát, tính toán kỹ càng và cụ thể việc đầu tư, nâng cấp hệ thống điện lưới quốc gia để đón các nguồn điện tái tạo (điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện nguyên tử…) trong thời gian tới. Đồng thời, thống kê số lượng doanh nghiệp đăng ký sử dụng nguồn điện xanh để có lộ trình ưu tiên phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo trong những năm sắp tới.
Ông Nguyễn Quang Minh cũng cho rằng, nếu nói cơ chế DPPA tạo áp lực lớn hơn lên lưới điện là không hoàn toàn chính xác vì bản chất đây chỉ là một cơ chế tài chính, cơ chế thanh toán việc mua bán điện của các đơn vị. Ngoài ra, khi triển khai cơ chế DPPA theo mô hình đường dây kết nối riêng sẽ phát triển mô hình hệ thống điện phân tán nhiều hơn, điều này sẽ góp phần giảm áp lực truyền tải công suất, điện năng cho lưới điện quốc gia, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm. Theo đó, các vấn đề về cân bằng, ổn định hệ thống khi có tỷ trọng năng lượng tái tạo lớn sẽ được kiểm soát và thực hiện tốt hơn, giảm thiểu các tác động tiêu cực khi phát triển nhiều nguồn năng lượng tái tạo.
Như vậy, Nghị định 80/2024/NĐ-CP đã có hiệu lực gần 4 tháng nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy rõ hiệu quả thực tế do các cơ quan Nhà nước còn chưa hoàn tất việc tính toán chi phí liên quan đến đường dây truyền tải và các loại chi phí khác. Các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo thì vẫn đang “chờ” các cơ quan Nhà nước để đủ số liệu giải bài toán về chi phí năng lượng trong sản xuất, kinh doanh, tiến tới ký kết các hợp đồng mua bán điện trực tiếp mà không cần thông qua EVN.
Bùi Công
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận