Dòng tiền kinh doanh yếu, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo chậm trả gốc/lãi trái phiếu
Theo VIS Rating, tổng cộng 19.000 tỷ đồng trái phiếu đã chậm trả nợ gốc, lãi trái phiếu, phần lớn liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp chưa thể vận hành thương mại hoặc đang bán điện với giá thấp so với ước tính ban đầu của dự án.
Chưa có hợp đồng mua bán điện trực tiếp nào được thực hiện
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 chính thức phê duyệt cơ chế muabán điện trực tiếp (DPPA) thông qua đường dây kết nối riêng hoặc lưới điện quốc gia. Việc triển khai DPPA qua lưới điện quốc gia sẽ được các công ty NLTT ưu tiên lựa chọn, do có thể tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, tránh được chi phí đầu tư và thời gian xây dựng hệ thống truyền tải mới.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hợp đồng DPPA nào được thực hiện theo quy định mới. Các bên tham gia thị trường vẫn đang chờ các hướng dẫn từ cơ quan quản lý về nhiều khía cạnh kỹ thuật, như mức phí truyền tải, phí truyền tải, phí dịch vụ hệ thống điện, cũng như quy trình theo dõi và giám sát hoạt động các bên tham gia DPPA…
Từ ngày 21/10/2024, Quốc hội sẽ xem xét các đề xuất sửa đổi Luật Điện lực, bao gồm cả khung pháp lý liên quan đến hoạt đồng DPPA. Những sửa đổi này là cần thiết cho các yếu tố kỹ thuật của DPPA, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. VIS Rating kỳ vọng BCT sẽ ban hành thêm các quy định và quy trình chi tiết nhằm hỗ trợ các đơn vị phát điện và đơn vị mua điện sau khi luật mới được thông qua.
Việc triển khai thành công DPPA sẽ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao tính khả thi của các dự án NLTT tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy hoạt động vận hành thương mại của các dự án chuyển tiếp trong 5 năm qua. DPPA sẽ cho phép các đơn vị phát điện NLTT trực tiếp thỏa thuận giá bán điện với các bên mua tư nhân và tiến hành vận hành thương mại. Trước khi có cơ chế DPPA, các dự án NLTT như các dự án chuyển tiếp chỉ có thể dựa vào EVN làm đơn vị mua điện và quyết định giá bán.
Sản lượng gia tăng vượt khả năng truyền tải
Hiện nay, NLTT chiếm 26% tổng công suất phát điện của Việt Nam nhưng đóng góp chưa đến 15% sản lượng điện của Việt Nam. Sự phát triển nhanh chóng của các dự án NLTT tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong những năm gần đây đã dẫn đến sự gia tăng sản lượng điện vượt quá khả năng mà lưới điện truyền tải các vùng này có thể đáp ứng.
Các nhà máy NLTT phải đối mặt với việc cắt giảm công suất khi các đường dây và trạm biến áp đạt đến mức tải tối đa. Do đó, các nhà máy NLTT phải hoạt động ở công suất dưới mức tối ưu, dẫn đến tổn thất kinh tế.
Các dự án NLTT chuyển tiếp bao gồm 85 dự án điện mặt trời và điện gió đã hoàn thành xây dựng vào năm 2021-2022 nhưng không đáp ứng được các yêu cầu và thời hạn để đủ điều kiện hưởng giá điện ưu đãi (FIT) của chính phủ.
Để có thể vận hành, các dự án này phải chấp thuận giá bán mới dành riêng cho các dự án chuyển tiếp mà EVN và Bộ Công Thương đã hoàn thiện vào tháng 1/2023. Nhiều dự án cũng cần phải hoàn thiện các hồ sơ cần thiết liên quan đến giấy phép hoạt động điện, chấp thuận xây dựng của các cơ quan chức năng và gia hạn giấy phép đầu tư trước khi vận hành thương mại.
Từ tháng 1/2023 đến tháng 10/2024, chỉ có 29 trong số 85 dự án có thể hoàn thiện các thủ tục liên quan và bắt đầu hoạt động thương mại. 29 dự án này bán điện cho EVN với mức giá tạm theo cơ chế giá mới, tương đương với 50% giá trần. Mức giá tạm này thấp hơn đáng kể so với giá FIT ban đầu khi chủ đầu tư đánh giá tính khả thi của dự án, vì thế mức giá thấp này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền và khả năng trả nợ của các dự án NLTT chuyển tiếp.
Hoạt động kinh doanh yếu dẫn đến lượng trái phiếu chậm trả gốc, lãi
Theo thống kê của VIS Rating, tổng cộng 19.000 tỷ đồng trái phiếu do 16 trái chủ phát hành (TCPH) đã chậm trả nợ gốc, lãi trái phiếu trong hai năm qua. Phần lớn các trái phiếu chậm trả gốc, lãi liên quan đến các dự án NLTT chuyển tiếp chưa thể vận hành thương mại hoặc đang bán điện với giá thấp hơn nhiều so với ước tính ban đầu của dự án. Một số trái phiếu thuộc các TCPH chậm trả nợ gốc, lãi được được các trái chủ đồng ý gia hạn trả nợ gốc trái phiếu 2 năm với kỳ vọng tình hình kinh doanh và dòng tiền của dự án sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Trong số 15 TCPH chậm trả nợ gốc, lãi liên quan đến các dự án NLTT chuyển tiếp, phần lớn đều có tỷ lệ đòn bẩy cao cũng như tỷ lệ bao phủ lãi vay thấp.
Dòng tiền hoạt động yếu khiến tỷ lệ thu hồi nợ gốc chậm trả của các dự án NLTT chuyển tiếp ở mức thấp. Các tập đoàn năng lượng lớn với các hoạt động kinh doanh đa dạng hơn như Trung Nam Group, BCG Energy và BB Sunrise Power đã giải quyết các vấn đề liên quan đến trái phiếu chậm trả tốt hơn so với các tổ chức phát hành chỉ vận hành một dự án NLTT chuyển tiếp. Các tập đoàn này chịu tác động ít hơn từ các vấn đề liên quan đến dự án NLTT chuyển tiếp, hơn 80% công suất phát điện của các tập đoàn này đủ điều kiện để bán với giá FIT của chính phủ hoặc thuộc các loại hình năng lượng tái tạo khác.
Cơ chế mua bán điện trực tiếp thu hút nguồn vốn mới
Trong dài hạn, DPPA sẽ hỗ trợ đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch ngày càng tăng của Việt Nam và thúc đẩy tiến trình đạt được các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động đầu tư mới và phát hành trái phiếu trong ngành năng lượng.
Trong 4 năm qua, sản lượng điện mua theo hình thức DPPA đã tăng đáng kể ở cả khu vực APAC và EMEA. Các chuyên gia của VIS Rating kỳ vọng các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng sẽ có thể mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện NLTT thông qua DPPA, qua đó thúc đẩy tiến trình hoàn thiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng.
Theo một khảo sát gần đây do BCT thực hiện, ước tính tổng công suất năng lượng sạch mà 20 doanh nghiệp lớn có thể mua thông qua DPPA là 996 MW3. Các dự án NLTT chuyển tiếp đã vận hành thương mại có tổng công suất phát điện lớn hơn đáng kể, vì vậy có thể đáp ứng đủ nhu cầu trong tương lai.
Điều kiện kinh doanh cải thiện trong ngành NLTT – cùng với triển khai hiệu quả cơ chế DPPA – sẽ thu hút các dòng vốn đầu tư mới cho nguồn điện NLTT tại Việt Nam, cũng như thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho Quy hoạch điện VIII.
Trong Quy hoạch điện VIII được Chính phủ công bố vào tháng 5/2023, Việt Nam đặt kế hoạch tăng tỷ trọng NLTT từ điện mặt trời và điện gió lên 61% trong cơ cấu năng lượng vào năm 2050, từ mức 27% trong năm 2023; đồng thời loại bỏ hoàn toàn điện than vào năm 2050. Chính phủ ước tính Việt Nam sẽ cần hơn 134,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021 – 2030 để xây dựng và lắp đặt nguồn điện, đồng thời nâng cấp hạ tầng lưới điện để đạt các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII 4.
“DPPA sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính khả thi của các dự án NLTT tại Việt Nam và hỗ trợ thu hút nguồn vốn đầu tư cho các dự án mới”, báo cáo của VIS Rating nhấn mạnh.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận