DPG: Đạt Phương báo lãi tăng nhẹ, kỳ vọng ‘bùng nổ’ trong thời gian tới
9 tháng năm 2024, CTCP Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cùng tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận 9 tháng tăng nhẹ
Theo BCTC hợp nhất quý III/2024, CTCP Tập đoàn Đạt Phương (mã: DPG) ghi nhận doanh thu hơn 744 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, chi phí tài chính trong quý này đã giảm mạnh xuống chỉ còn hơn 29 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế trong quý III của Đạt Phương đạt hơn 22 tỷ đồng, giảm hơn 8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tập đoàn Đạt Phương, lợi nhuận sau thuế quý III giảm là do doanh thu và lợi nhuận gộp mảng xây lắp giảm, dù chi phí tài chính giảm gần 16 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Dù trong quý III có sự sụt giảm nhẹ về doanh thu và lợi nhuận song tình hình kinh doanh trong 9 tháng năm 2024 của Đạt Phương vẫn ghi nhận những kết quả khả quan.
Theo đó, luỹ kế 9 tháng năm 2024, DPG ghi nhận doanh thu hơn 2.130 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 172 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
9 tháng năm 2024, CTCP Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cùng tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: DPG.
Đi sâu vào từng mảng kinh doanh trong kỳ cho thấy, doanh thu mảng hợp đồng xây dựng của DPG vẫn ghi nhận sự tăng tưởng, bất chấp trong quý III đã sự sụt giảm.
Cụ thể, doanh thu mảng hợp đồng xây dựng ghi nhận 1.783,6 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái (tăng tương ứng 152,5 tỷ đồng); doanh thu cung cấp dịch vụ trong kỳ ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt gần 26 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ); trong khi đó doanh thu mảng bán điện thương phẩm giảm nhẹ, đạt 320,6 tỷ đồng.
Năm 2024, Đạt Phương đặt kế hoạch doanh thu hơn 4.566 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 343,5 tỷ đồng. Với kết quả 9 tháng năm 2024, DPG đã hoàn thành lần lượt 46,6% doanh thu và 50% lợi nhuận so với kế hoạch năm.
Về quy mô tài sản, tính tới ngày 30/9/2024, tổng tài sản của DPG ghi nhận 6.359 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm (tương ứng giảm 330 tỷ đồng).
Trong đó, tài sản cố định ghi nhận 2.233 tỷ đồng, chiếm 35% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho chiếm tỷ trọng thấp khi ghi nhận lần lượt là 989 tỷ đồng và 1.356 tỷ đồng. Đặc biệt, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận hơn 949 tỷ đồng, chiếm 15% tổng tài sản.
Về nguồn vốn, tính đến 30/9, nợ phải trả của Đạt Phương ở mức 3.853 tỷ đồng, giảm 11,2% so với đầu năm (tương ứng giảm 486 tỷ đồng). Đáng chú ý, tổng nợ vay trong kỳ đã giảm 7,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 194,4 tỷ đồng, về 2.343,8 tỷ đồng.
Nhiều dự địa tăng trưởng
Mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá cao triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Đạt Phương với cả 3 mảng cốt lõi trong 2024-2026 (gồm xây dựng, sản xuất điện và bất động sản). Đặc biệt dự án bất động sản quy mô lớn còn lại đủ điều kiện pháp lý sẽ là một động lực tăng trưởng giúp lợi nhuận tăng trưởng kép 30% trong giai đoạn 2024-2026.
Cụ thể, đối với mảng xây dựng, BSC cho biết điểm rơi lợi nhuận của Đạt Phương sẽ bắt đầu từ năm 2024 và tập trung vào năm 2025. Từ đó tạo động lực tăng trưởng trong trung hạn nhờ các giá trị hợp đồng lớn đạt 6.000 tỷ đồng (+71% YoY và cao gấp 3,8 lần so với trung bình giai đoạn 2018-2022).
Tương đồng với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông của Chính phủ, trong năm 2023, Đạt Phương đã thắng tổng cộng 14/15 gói thầu mà doanh nghiệp tham gia, với tổng giá trị ước tính khoảng 5.742 tỷ đồng. Do đặc thù của các công trình hạ tầng, năm 2024 và 2025 sẽ lần lượt là điểm rơi nghiệm thu các hạng mục công trình đã ký kết năm 2022 và 2023.
Chứng khoán BIDV cũng tin rằng doanh nghiệp sẽ duy trì vị thế và trúng thêm các gói thầu mới trong trung hạn khi đầu tư công cho hạ tầng giao thông vẫn được Chính phủ chú trọng.
Đối với lĩnh vực sản xuất điện, Đạt Phương đang vận hành 4 nhà máy thuỷ điện gồm thuỷ điện Sông Bung 6 (29 MW), Sơn Trà 1A (30MW), Sơn Trà 1B (30 MW) và Sơn Trà 1C (9MW). Do đó, BSC kỳ vọng, tăng trưởng sản lượng từ La Nina sẽ dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận nhờ giá bán điện trung bình duy trì đi ngang trong khi chi phí của mảng thủy điện chủ yếu là khấu hao cố định.
Về mảng bất động sản, BSC đánh giá, hiện DPG sở hữu dự án Casamia Balanca, quy mô 31,1ha tại TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) – dự án lớn nhất trong danh mục dự án bất động sản từ trước đến nay.
Hiện dự án chỉ còn khoảng 0,6ha đất (1 hộ dân) cần đền bù, vừa được tỉnh Quảng Nam phê duyệt thay đổi chủ trương đầu tư gia hạn thời gian hoàn thành tới cuối năm 2025 và đang chờ tỉnh chấp thuận phương án xác định tiền sử dụng đất để triển khai dự án.
Theo BSC, dự án này sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý trong cuối năm 2024, mở bán và có thể bàn giao ghi nhận doanh thu các sản phẩm đã xây dựng phần thô trong năm 2025.
Casamia Balanca được dự phóng sẽ mang về dòng tiền ròng khoảng 2.016 tỷ đồng trong giai đoạn 2025-2028 bổ sung nguồn tài chính quan trọng cho DPG mở rộng quỹ đất để triển khai các dự án gối đầu khác và đầu tư cho mảng kinh doanh mới là nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận